Thương nhớ Tết quê xưa

Thứ Sáu, 27/01/2017, 11:28
Trong cuộc sống đủ đầy của ngày hôm nay chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ đi siêu thị, các bà nội trợ đã khuân được cả một cái tết đầy đủ, tươm tất về cho gia đình nhưng có lẽ cái hương vị Tết xưa cũ vẫn luôn là ký ức đẹp đẽ trong mỗi chúng ta.

Những tờ lịch cuối cùng của năm cũ đã bắt đầu rơi xuống, phố xá hối hả dáng người tất bật trong gió rét ngày cuối năm để lo cho cái Tết cận kề. Mấy gia đình trong khu phố tôi đang rủ nhau đụng lợn, gói bánh chưng để tìm lại hương vị Tết xưa cho những đứa con thành phố của họ.

Trong cuộc sống đủ đầy của ngày hôm nay chỉ cần bỏ ra vài tiếng đồng hồ đi siêu thị, các bà nội trợ đã khuân được cả một cái tết đầy đủ, tươm tất về cho gia đình nhưng có lẽ cái hương vị Tết xưa cũ vẫn luôn là ký ức đẹp đẽ trong mỗi chúng ta.

Nhớ hồi xưa, để chuẩn bị cho dịp Tết, bố mẹ tôi thường phải đụng lợn chung với hàng xóm. Sáng 29 Tết cả xóm râm ran tiếng lợn kêu, tiếng trẻ con í ới gọi nhau theo cha mẹ đi lấy phần. Lợn được mổ từ sáng, nước luộc lòng sau đó được bỏ thêm mấy bò gạo nấu thành nồi cháo to. Trẻ con đi theo chia phần mỗi đứa được một bát cháo.  Người lớn có thêm mấy miếng lòng lợn bốc khói nghi ngút tranh thủ khề khà chén rượu quê. Đánh chén xong chúng tôi hỉ hả cùng bố mẹ xách phần thịt chia phần về để làm các món cho ngày Tết.

Quê tôi ở miền Trung, ngày Tết dứt khoát nhà nào cũng phải có một cây giò, một nồi thịt đông nấu từ thịt thủ lợn. Nhà khá giả hơn có thêm một nồi thịt rim. Thịt rim phải chọn loại thịt ngon, để nguyên những miếng to, ướp sẵn các loại gia vị xong đổ ngập nước mắm, mật mía đun kỹ nhiều giờ. Khi súc thịt ngấm đều và ánh lên màu cánh gián là được. Mâm cỗ ngày Tết có đĩa thịt bò, thịt lợn rim thái mỏng, trên rải những cọng lá tỏi thơm nức cả gian phòng.

Từ ngoài 20 tháng chạp, các bà, các mẹ đi chợ thường tranh thủ chọn mua lá dong riềng về cất sẵn vì sợ cận Tết khan hiếm lá không còn lá đẹp hoặc giá đắt. Ngày cận Tết lũ trẻ chúng tôi được phân công mang lá dong riềng ra bến sông. Chúng tôi tìm những phiến đá lớn đặt lên và tỷ mẩn kỳ cọ bóng loáng từng mặt lá dong đem về phơi ráo nước để bố mẹ gói bánh.

Đêm 30 Tết bố tôi thường cẩn thận xếp bánh vào một chiếc nồi quân dụng to. Bếp nấu bánh được xếp bằng những viên gạch lớn. Cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chờ giao thừa. Để bánh ngon, để được lâu không lại gạo phải nấu đủ 9 tiếng. Bánh chín phải vớt ra và xếp ngay ngắn lên một chiếc bàn, sau đó dùng những viên đá lớn đè lên để ráo nước và bánh được chặt. Có những năm ngồi chờ bánh chín lâu quá, anh em chúng tôi thiếp đi bên bếp lửa, tỉnh dậy đã thấy bố đang lúi húi vớt bánh.

Nhiều năm trước, mỗi lần nấu bánh xong chúng tôi lại được dành riêng một vài chiếc bánh nhỏ. Anh em chúng tôi thường cho mình đặc quyền được để dành bằng cách cất kỹ những chiếc bánh đó vào chum đựng lúa, gạo. Chờ đến gần rằm tháng Giêng, khi tất cả bánh trong nhà ăn hết mới trịnh trọng lấy những chiếc bánh để dành ra ăn.

Tỷ mẩn cắt bỏ hết những lớp mốc bên ngoài của bánh sau đó cho lên chảo mỡ rán. Hàng chục năm đã trôi qua nhưng cái cái cảm giác béo ngậy của những chiếc bánh chưng ngày Tết vẫn ngon đến tận bây giờ.

Tết quê xưa, là dịp để những người con đi làm ăn xa xứ trở về. Đường quê thỉnh thoảng lại thậm thịch tiếng bước chân vội vàng, hối hả. Khi những tiếng gọi bố ơi, mẹ ơi vang lên đầu ngõ chiều cuối năm là thấy Tết đã về rộn ràng và háo hức.

Xã hội ngày càng phát triển, chúng tôi lớn lên đi học, đi làm và định cư ở những thành phố lớn. Cuộc sống ngày càng đủ đầy, tiện nghi gấp nhiều lần trước. Bây giờ thậm chí thay vì ra siêu thị chỉ cần ngồi nhà nhấc điện thoại hoặc vài click chuột máy tính, ít tiếng sau đã có người mang đủ sản vật, thực phẩm Tết đến tận nhà cho bạn.

Không chỉ ở thành phố mà ngay cả những vùng thôn quê, hương vị Tết xưa cũng đang bị sự tiện nghi và hiện đại làm mai một. Những đứa trẻ quê giờ đây cũng không còn háo hức đợi Tết như chúng tôi của hàng chục năm về trước nữa.

Những tập tục tốt đẹp của Tết xưa cũng đang bị giản lược. Thay vì sum họp gia đình, nhiều gia đình trẻ hôm nay lại chọn Tết là dịp để tổ chức những chuyến du lịch, nghỉ dưỡng trong và ngoài nước để bù lại cho một năm vất vả. Tết vì vậy mà vơi bớt đi ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Chiều nay đi làm về ngay qua con phố nhỏ, bất chợt nghe ấm áp mùi hương trầm nhà ai thoang thoảng trong mưa phùn, gió lạnh cuối năm. Chợt nôn nao nhớ về hương vị Tết xưa cũ. Lại khắc khoải đếm từng tờ lịch cuối cùng để về bên bố mẹ. Để được tắm lại nồi nước sả trồng góc vườn nhà chiều 30 Tết. Được quây quần bên bữa cơm sum họp gia đình. Và để được sống lại hương vị Tết quê với những ký ức đẹp đẽ ngày xưa cũ.

Xuân Luận
.
.
.