Tết quê mình không đâu sánh được

Thứ Năm, 27/01/2005, 08:12

Tôi làm công nhân cho một công ty lắp ráp máy tính ở Đài Loan đã được 3 cái Tết. Tết cổ truyền của Việt Nam trùng với Tết cổ truyền của Đài Loan, tuy được nghỉ cùng, nhưng trào dâng trong lòng những người lao động xa xứ chúng tôi là sự hiu quạnh, da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, khao khát được trở về đoàn tụ cùng gia đình bên mâm cơm nồng ấm bữa tất niên.

Có lúc ngồi quây quần đón Tết nơi đất khách, nghĩ về sự đoàn tụ cùng thi vị của ngày Tết quê nhà mà chúng tôi ứa nước mắt. Nhất là lúc chờ đón giao thừa, chúng tôi tranh nhau gọi điện thoại về nước như muốn tìm hơi ấm của người thân. Nhìn mọi người nói chuyện trong nước mắt nghẹn ngào, tôi không thể cầm lòng được. Vào giờ khắc giao thừa ấy đã có hàng chục nghìn cú điện thoại của những người đi lao động xa quê hương gọi điện về nước, vì thế mà tất cả các đường dây ở Đài Loan bị nghẽn mạch, khiến không ít người trong chúng tôi bật khóc…

Thật may là trong hoàn cảnh ấy, chia sẻ với tình cảm của chúng tôi, các ông bà chủ lao động Đài Loan đã lên kế hoạch tổ chức Tết cho công nhân Việt Nam trước cả tháng. Nào là thưởng bao nhiêu tiền, nghỉ bao nhiêu ngày, nào là cách thức tổ chức như thế nào cho hợp lý, phù hợp với phong tục, tập quán của công nhân nước ngoài cũng như của nước họ…

Cùng lao động với chúng tôi tại Đài Loan, có người lao động của một số nước khác như Thái Lan, Philippines, Indonesia... Do chịu khó lao động và tình cảm thân thiện, nên người lao động Việt Nam thường được nhiều chủ lao động Đài Loan quý mến. Vào dịp Tết, ngoài tiền "chế độ Tết", các chủ lao động còn cho thêm tiền để công nhân Việt Nam tổ chức Tết riêng. Một số ông chủ tốt bụng thường mời công nhân của mình về nhà vui chơi Tết.

Tôi may mắn được cùng mấy chục bạn bè đến đón Tết tại nhà riêng ông Xie, Giám đốc Công ty Sản xuất CD Lì Dié (Lợi Điệp). Ông Xie đón chúng tôi về nhà ông chơi Tết vào ngày đầu tiên của năm mới, mặc dù ông còn phải bận bao cuộc tiếp đãi, thăm hỏi quan trọng khác. Để làm tiệc đón chúng tôi, ông và vợ con đã phải tất bật sửa soạn đến gần cả ngày trời. Ông còn mua các đồ ăn đậm chất Việt Nam về để cho chúng tôi nấu các món ăn ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình cho gia đình ông cùng thưởng thức.

Bữa cơm ngày Tết giữa gia đình, bạn bè ông và mấy chục công nhân Việt Nam, có cả món ăn cổ truyền của Tết Việt Nam lẫn các món ăn cổ truyền của Tết Đài Loan làm cho không khí bữa tiệc thật thân mật. Vợ ông còn chu đáo chuẩn bị cho chúng tôi những món ăn mang về dành ăn trong những ngày Tết tiếp theo. Sau bữa tiệc, ông còn mở những băng, đĩa karaoke của Việt Nam mà những dịp ông đến Việt Nam đã mua về để cho chúng tôi hát những bài hát về Việt Nam trong những dịp như thế. Có vẻ như ông và vợ con, bạn bè ông không hiểu lắm nhưng vẫn muốn được nghe chất nhạc thiết tha, ấm áp ấy.

Tôi thầm nghĩ, trong con người lao động như chúng tôi luôn tiềm ẩn những nét văn hóa đặc sắc của truyền thống dân tộc Việt Nam. Phải chăng, đó là nhân nghĩa, yêu hoà bình, khao khát vươn lên đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng các bạn Đài Loan và bạn bè quốc tế? Cứ mỗi lần ăn Tết, mỗi người lao động Việt Nam lại thêm một lần tự hào và tôn vinh văn hóa Việt Nam, tôn vinh đất nước mình, để góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa ta và bạn. Bởi có niềm vui nào hơn, khi hoàn thành đợt lao động này, chúng tôi lại được trở về làng quê ăn Tết với mẹ thân yêu!

Quý độc giả có thể gửi cho CAND.com những cảm xúc về Tết theo form phía dưới

Hoài Thanh
.
.
.