Bến cảng Nhà Rồng - nơi in dấu chân Người

Thứ Bảy, 04/06/2016, 09:23
Ngày 5-6-1911, Bến cảng Nhà Rồng ghi dấu sự kiện có ý nghĩa là cột mốc khởi đầu đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Nơi đây, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn là nơi ra đi tìm đường cứu nước mang theo lý tưởng và hy vọng vào một ngày không xa độc lập, tự do, bình đẳng, bác ái sẽ đến với đất nước, con người Việt Nam.

Vào thế kỷ XVIII-XIX, Sài Gòn vốn là cửa ngõ của Nam Kỳ, là đầu mối giao thông, nơi có những công ty tàu biển lớn, nhiều tàu bè nước ngoài qua lại. Theo sử sách, Cảng Sài Gòn được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1860, chính thức đưa vào khai thác và giao thương quốc tế năm 1863.

Ngay giữa trung tâm Cảng Sài Gòn khi đó là trụ sở của Tổng Công ty Vận tải Hoàng đế - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, ngôi nhà này được xây dựng từ giữa năm 1862 và hoàn thành vào năm 1863 với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo mô típ "Lưỡng long chầu nguyệt" - một kiểu trang trí quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo đó nên trụ sở của công ty còn được gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên là Bến cảng Nhà Rồng.

Với những tư liệu lịch sử để lại, ông Trần Hữu Phước, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng miền Nam cho biết: Từ những thập niên cuối thế kỷ XIX, trên đất nước ta không phải chỉ có một hải cảng duy nhất ở Sài Gòn mà còn có cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Bến Thủy, Hồng Gai. Thế nhưng, cảng Sài Gòn là nhộn nhịp nhất. Chỉ tính riêng năm 1911 đã có tới 860 tàu viễn dương của 7 nước Pháp, Anh, Đức, Na Uy, Hà Lan, Nhật và Trung Quốc đã cập bến cảng Sài Gòn.

Không những thế, Sài Gòn còn có rất nhiều nghề như thợ nề, thợ mộc, thợ may, thợ cao, nghề bốc vác… phát triển, rất thuận tiện để đáp ứng nhu cầu cho những người đi tìm kế sinh nhai. Vì vậy, đối với những người Việt Nam có ý định xuất dương, Sài Gòn là thành phố hàng đầu được họ ưu tiên chọn lựa.

Trong khoảng 4 tháng dừng chân ở Sài Gòn, người thanh niên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng và chứng kiến thực trạng của xã hội, có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn cho con đường cứu nước của Người. Tại đây, Nguyễn Tất Thành có dịp gặp gỡ các nhà yêu nước gắn bó với Hội Liên Thành và đã từng tham gia các phong trào Đông Du, Duy Tân… Từ đó, đã hun đúc ý chí sắt đá của Người trong hành trình tìm đường cứu nước cho dân tộc.

Theo bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Sài Gòn – nơi tuy Bác dừng chân ngắn nhất trong cuộc hành trình bắt đầu tìm đường cứu nước, nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người. Lịch sử có những sự trùng hợp thú vị. Từ thành phố này, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước và thành phố cũng là nơi khởi phát mạnh mẽ những tìm tòi cho con đường đổi mới của Đảng, dấu ấn được ghi đậm nét khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng bắt đầu chủ trương đổi mới.

H.Chung
.
.
.