Kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước:

Còn đó bóng hình Bác trên bến Nhà Rồng...

Thứ Sáu, 06/06/2014, 12:27
Bến Nhà Rồng luôn có trong tâm khảm người dân Việt Nam, không chỉ là một bến cảng đẹp của TP Hồ Chí Minh, hiện là Chi nhánh Bảo tàng Hồ Chí Minh, mà là một địa danh gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh, nơi Người đã xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc.

Nhà Rồng xây dựng năm 1863, là trụ sở Công ty Tàu biển Năm Sao của Pháp tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Bến Nghé. Trên nóc nhà có gắn một cặp rồng lớn, bằng đất nung, tráng men xanh. Giữa đôi rồng là chiếc phù điêu mang hình “đầu ngựa và chiếc mỏ neo”, biểu tượng của công ty vận tải. Có lẽ từ đó mà người dân Sài Gòn quen gọi tòa nhà này là Nhà Rồng.

Bến Nhà Rồng mang một giá trị tinh thần thiêng liêng và cao quý mà dân tộc ta đang gìn giữ. Chính nơi đây, hơn 100 năm trước, vào ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral La Touche De Tréville xin làm phụ bếp để sang châu Âu đi tìm đường cứu nước. Từ tháng 9/1979, Nhà Rồng được dùng làm nơi trưng bày những hiện vật về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến tháng 10/1995, nhà lưu niệm được đổi thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Hằng năm, nơi đây đón tiếp hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước tới tham quan, thăm lại nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.

Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh báo công dâng Bác 19/5/2014.

Đặt chân trên bến Nhà Rồng, những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đời thường dường như tan biến, chỉ còn lại một không gian tĩnh lặng và tiếng gió rì rào mát rượi thổi lên từ ngã ba sông dưới vòm cầu vượt Nguyễn Tất Thành. Tượng đồng uy nghi của người thanh niên Nguyễn Tất Thành quay mặt ra bờ sông hướng sang trung tâm Sài Gòn, bên trong tòa nhà nguyên gian bên trái là nơi thờ tượng vàng Chủ tịch Hồ Chí Minh để các đoàn đến viếng dâng hương, hoa. Bên trên, dưới là những phòng trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Bác, từ hình ảnh ngôi nhà nơi Bác sinh ra và lớn lên, chiếc áo mà Bác thường mặc, đôi dép, các hiện vật, hình ảnh quen thuộc của Người.

Cô nhân viên thuyết minh Bảo tàng cho biết: “Không chỉ thanh niên, sinh viên, học sinh, mà cả những ông, những bác đã từng gặp Bác Hồ trong những năm tháng kháng chiến, nay có dịp đến bến Nhà Rồng, tận mắt thấy những hình ảnh kỷ vật của Bác thì xúc động không kìm được nước mắt… Mỗi kỷ vật về Bác đều thiêng liêng, xúc động trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Từ bến Nhà Rồng, thế hệ trẻ hôm nay đã học tập ở Bác, học tinh thần vì Tổ quốc, vì nhân dân…

Khi lên tàu Amiral La Touche De Tréville rời xa Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân vào ngày 5/6/1911 tại bến Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành chỉ nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu".

Người đã bôn ba qua ba đại dương, bốn châu lục (Á, Âu, Phi, Mỹ) với gần 30 quốc gia, với nhiều nghề kiếm sống, học tập và hoạt động cách mạng quốc tế, cuối cùng Người đã tìm được kết luận: “Chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa” và “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Sau đó, ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc tổ chức hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản tại Hương Cảng (Trung Quốc) thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hơn 39 năm bôn ba thế giới, ngày 28/1/1941, Người đã về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa dân tộc ta, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến, lãnh đạo nhân dân, Quân đội ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ngày 7-5-1954 và kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi vẻ vang 30-4-1975… Chiều trên bến Nhà Rồng, lòng người như lắng đọng lại một nỗi niềm nhớ thương, xúc động dâng tràn về Bác kính yêu khi nghe ca sĩ Thái Bảo hát bài “Thăm bến Nhà Rồng” của nhạc sĩ Trần Hoàn.

“Hò ơ... Ai về Thủ Thiêm, ai qua Bến Nghé. Ai xuôi, ai ngược, nhớ ghé bến Nhà Rồng. Chiều về khói tỏa trên sông, lặng nghe câu hát ơ... chạnh lòng nước non...”

Hoàng Châu
.
.
.