Bát nháo thị trường nông nghiệp hữu cơ

Thứ Hai, 04/09/2017, 00:32
Nông sản hữu cơ hiện đang trở thành xu hướng tiêu dùng của Việt Nam và thế giới. Việt Nam cũng đã và đang có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng đều là “tự dò đường đi”, chưa có chính sách cũng như tiêu chuẩn nào để quy định về nông nghiệp hữu cơ. Do vậy, sản phẩm hữu cơ còn bát nháo, không có sự kiểm soát từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ, từ chỗ chỉ là thị trường ngách dành cho một nhóm nhỏ người tiêu dùng nay đã trở thành một phân khúc thị trường lớn có giá trị lên tới gần 86 tỷ USD, mức tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã qua gần 10 năm phát triển nhưng vẫn chưa có một hành lang pháp lý rõ ràng từ cơ quan Nhà nước.

Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ lại chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất trong nước. Hiện, diện tích sản xuất hữu cơ ở nước ta vào khoảng 80.000ha và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Cụ thể, diện tích nuôi trồng hữu cơ năm 2015 đạt khoảng 76.000ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. Vì vậy, phải điều tra toàn diện để đánh giá tiềm năng, thế mạnh và những khó khăn khi phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam sau 10 năm vẫn mày mò, tự phát.

Một vấn đề nữa là cần sớm thành lập cơ quan chứng nhận nông nghiệp hữu cơ độc lập trong nước. Từ trước tới nay, muốn xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước phải thuê công ty nước ngoài chứng nhận với phí rất cao nên nông sản hữu cơ của nước ta khó cạnh tranh.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với các mặt hàng chính: chè và các loại rau củ quả.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cũng đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm khiến cho tâm lý người tiêu dùng hoang mang, thiếu tin tưởng vào chất lượng các loại thực phẩm hữu cơ lưu thông trên thị trường.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phải xây dựng một Bộ Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ chuẩn xác, minh bạch và tương thích với tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế. Bộ Tiêu chuẩn cũng không nên chỉ dừng ở sản xuất mà phải tác động trên toàn chuỗi giá trị hữu cơ từ sản xuất tới tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông Thanh Hóa chia sẻ, hiện nay khó khăn của phát triển nông nghiệp hữu cơ đó là nhận thức của người dân, họ vẫn làm theo kiểu truyền thống, tự cung tự cấp.

Đặc biệt là các doanh nghiệp, nông trại lớn vẫn chưa chú trọng đến phát triển nông sản của mình. Nên đã có hiện tượng rau trồng của mình để riêng và rau bán thì để riêng. Do đó, cần phải tuyên truyền và tạo ra một phong trào trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho hay, các hiệp ước quốc tế khác không có các quy định đặc thù cho sản phẩm hữu cơ. Vì vậy, cần xây dựng Bộ Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam mới cao, tương đương với tiêu chuẩn CODEX - GL32-1999 để đảm bảo tính hội nhập thị trường quốc tế.

Về chính sách, ông Nguyễn Xuân Hồng khuyến nghị, cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hợp tác xã hữu cơ, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn chuyển đổi. Đặc biệt về đất đai, đào tạo và vay vốn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã.

“Trước khi xây dựng đề án này cần có một cuộc điều tra cơ bản về nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam, đánh giá hết được tiềm năng lợi thế, khó khăn, thách thức… từ đó có thể đưa ra được chiến lược, sản phẩm chính, vùng trọng điểm có lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ", ông Nguyễn Xuân Hồng cho ý kiến.

Do vậy, Dự thảo Nghị định sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải quy định rõ về chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, làm thế nào để có thể bảo vệ được quyền lợi cho người sản xuất hữu cơ chân chính và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thương hiệu uy tín của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam.                                

Ngọc Yến
.
.
.