Bài cuối: Khơi thông kênh, rạch để thoát nước

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:53
Có từ cách đây cả trăm năm, tuyến kênh Hàng Bàng nối ra kênh Tàu Hũ và kênh Lò Gốm một thời đã tạo nên cảnh quan “trên bến, dưới thuyền” ở khu vực kinh doanh sầm uất của TP Hồ Chí Minh là các chợ đầu mối Kim Biên, Bình Tây.

Nhưng chỉ với lý do hết sức chủ quan là để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ tuyến kênh đen này, cách nay 16 năm tuyến kênh Hàng Bàng - hướng thoát nước nối từ địa bàn quận 5 sang quận 6 với chiều dài 1,83km đã được chính quyền cho san lấp gần hết để biến thành khu dân cư.

Việc thoát nước của tuyến kênh được làm bằng cách cho lắp đặt tuyền cống hộp có tiết diện nhỏ so với yêu cầu thoát nước cho cả khu vực mà lẽ ra phải chọn giải pháp giải tỏa lấn chiếm, nạo vét, khơi thông dòng chảy, kè bờ… để cải tạo, mở rộng tuyến kênh. Đơn giản là vậy, nhưng chi phí đầu tư cho cách làm này cũng tốn kém không ít khi số tiền phải bỏ ra để làm cống hộp lên tới cả ngàn tỷ đồng vào thời điểm đó.

Kênh thoát nước bị lấp, ngập lụt sau mỗi trận mưa lớn là điều tất yếu nên việc đào mở rộng lại tuyến kênh này được đặt ra. Theo Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố, việc đào hở lại tuyến kênh được đưa vào Dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng-thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố giai đoạn 2. 

Lấp kênh đã tốn kém, đào lên hẳn lại không đơn giản khi chỉ tính riêng số tiền đền bù, giải tỏa di dời các hộ dân đang sinh sống trên kênh cũ đã ngốn hết chừng 2.500 tỷ đồng.

Việc giải tỏa di dời cũng chẳng thể làm rốt rẻng trong ngày một ngày hai nên để đào lại tuyến kênh thoát nước dài chưa đầy 2 cây số này, chủ đầu tư đã phải chấp nhận chia thành 3 giai đoạn. Phải đến năm 2020, tuyến kênh Hàng Bàng rộng từ 14-16m, độ sâu 4-6m mới có thể hiện hữu.

Thi công cống ngăn triều kết hợp với trạm bơm công suất lớn để chủ động điều tiết mực nước trong kênh, rạch.

Đầu tư số tiền rất lớn như vậy, ngoài mục tiêu hồi phục kênh Hàng Bàng để cải thiện môi trường, đây còn là hồ chứa nước tạm để giải quyết tình trạng ngập nước do mưa cho một loạt tuyến đường thuộc địa bàn quận 5, 6 và quận 11. Nhưng từ nay đến khi tuyến kênh hoàn thành, số lần người dân trong khu vực phải chịu cảnh ngập nước sẽ tiếp tục phụ thuộc vào số lần ông trời đổ mưa và tần suất các trận mưa lớn.

Một trường hợp cụ thể khác, để giải quyết tình trạng ngập nước mưa đe dọa gây tê liệt hoạt động bay của sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh đã đồng ý cho quận Tân Bình làm chủ đầu tư làm 745m mương thoát nước chống ngập với số tiền dự tính lên đến 360 tỷ đồng.

Hướng thoát nước cho sân bay được đưa ra là làm tuyến mương hở rộng 3-4 m chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất để ra khu vực công viên Gia Định. Lý do để chi hết số tiền lớn như vậy được chủ đầu tư giải trình bằng dự kiến dành 110 tỷ đồng cho chi phí xây dựng tuyến mương thoát nước, còn lại là khoản bồi thường, giải phóng mặt bằng để lấy đất làm mương. 

Tuy nhiên, quận Tân Bình cũng đã kịp xác định rằng tiền bồi thường có thể sẽ thấp hơn do đa số trường hợp bị giải tỏa thuộc diện xây dựng lấn chiếm trên tuyến kênh thoát nước cũ. Điều này càng thể hiện việc buông lỏng quản lý trong vấn đề lấn chiếm kênh rạch, xây dựng trái phép của địa phương và các đơn vị liên quan suốt những năm qua.

Chỉ đến khi tình trạng lấn chiếm mương thoát gây tê liệt hẳn tuyến thoát nước quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất, địa phương mới nháo nhào tìm cách khắc phục bằng khoản tiền khủng lên đến gần nửa tỷ đồng cho mỗi mét dài tuyến mương.

Góp ý về giải pháp chống ngập lụt cho thành phố, TS Bùi Quốc Nghĩa, nguyên Trưởng Phòng thủy hải văn công trình - Phân Viện vật lý tại TP Hồ Chí Minh khẳng định: Để thoát nước cần phải tập trung vào làm hệ thống chứa nước trước rồi mới đến hệ thống dẫn nước về nơi tạm trữ và tính toán việc xử lý nước thải. Lâu nay hệ thống kênh rạch trữ tạm nước mưa trong thời điểm triều cao chưa được quan tâm đúng mức.

Theo TS Bùi Quốc Nghĩa, trong điều kiện mưa, triều kết hợp với xả lũ ngày càng bất lợi do biến đổi khí hậu, các giải pháp thoát nước thụ động lâu nay sẽ không phát huy tác dụng.

Do đó, giải pháp thoát nước chủ động được TS Bùi Quốc Nghĩa đưa ra là chủ động khống chế thủy triều để tạo chỗ chứa nước mưa trong kênh rạch đến một cao trình tối ưu nhất để chống ngập. 

Đồng thời chủ động nạo vét kênh rạch để tăng khả năng chứa nước mưa từ hệ thống kênh rạch chằng chịt - một điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc chống ngập lụt của thành phố.

Thậm chí, không chỉ ứng phó với tổ hợp mưa lớn kết hợp triều cường, việc đảm bảo giữ nước trong hệ thống kênh rạch còn phải tính toán cả đến tình trạng xả lũ từ thượng nguồn thời điểm xảy ra mưa lớn cũng đã thường xuyên gây ngập lụt nghiêm trọng cho khu vực hạ du là TP Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, đến nay khi ngập đã trở thành nỗi thống khổ cho người dân thành phố; cứ mưa to kết hợp với triều cao là ngập lụt xảy ra trên nhiều khu vực, những  con người sống trong vùng ảnh hưởng vẫn phải bì bõm sống chung với ngập lụt… thì cũng mới chỉ có 24 tuyến kênh chính với chiều dài hơn 80km được nạo vét.

Đối với nhóm công trình kiểm soát, ngăn triều, hiện ngoài cống kiểm soát triều tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để chống ngập cho một phần lưu vực kênh và vùng ảnh hưởng nặng nhất là địa bàn quận Bình Thạnh đã được đưa vào vận hành để chống ngập do triều cho lưu vực.

Cống kiểm soát triều Vàm Thuật, một hạng mục thành phần của dự án Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang chung số phận chờ giải tỏa, bàn giao mặt bằng cùng với tuyến kênh. 

6 cống ngăn triều khác kết hợp với 3 trạm bơm công suất lớn là cống Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, Phú Xuân, Tân Thuận và cống Bến Nghé với chiều rộng 40 - 160m hiện đang được chủ đầu tư là Trungnam Group quyết liệt triển khai nhằm rút ngắn thời gian thi công từ 36 tháng xuống còn 24 tháng với điều kiện sớm được bàn giao đầy đủ mặt bằng.

Vấn đề là muốn bảo đảm phát huy hết công năng của các cống ngăn triều kết hợp với trạm bơm công suất lớn này, thành phố vẫn cần tiến hành khảo sát, đầu tư để đấu nối đồng bộ cho hạ tầng dẫn dòng thoát để nước mưa nhanh chóng chảy về các tuyến kênh đã được đầu tư dự án.

Đức Thắng
.
.
.