Ngăn triều kém hiệu quả, giải tỏa để dây dưa

Thứ Tư, 26/10/2016, 10:09
Hàng ngày đều đặn đi bộ thể dục, thư giãn và ngắm dòng kênh Tân Hóa, ông Lâm, một người dân sinh sống ở ven tuyến kênh này đã vài chục năm chia sẻ: Một thời gian dài trước đây tuyến kênh này đã được người dân đổi tên thành kênh nước đen, kênh thối do ô nhiễm.

Những hộ dân có điều kiện đều đã bán nhà, chuyển đi nơi khác, những ai phải trụ lại ven kênh, chịu cảnh hôi hám đa số là những hộ khó khăn. Khi đó ít ai hình dung được rằng sẽ có ngày tuyến kênh được làm sạch; bờ kênh thành công viên thế này. 

Ông Lâm vui mừng cho biết, căn nhà của ông cũng như nhiều nhà khác bị giải tỏa vào một phần, diện tích nhà ở còn lại nhỏ hơn. Bù lại ngoài được hưởng môi trường trong lành từ tuyến kênh xanh, thì khi đường giao thông ven kênh được quy hoạch mở rộng, giá nhà đất ven tuyến kênh này tăng khá cao; các hộ mặt tiền và trong hẻm đều được hưởng lợi.

Một đoạn bờ kênh vừa giải tỏa xong được đơn vị quản lý dựng rào chắn để chống tái lấn chiếm.

Theo trung tâm chống ngập nước thành phố, nhu cầu cải tạo, phát triển hệ thống thoát nước của thành phố còn rất lớn. Hiện mới chỉ đáp ứng được 60% theo quy hoạch tổng thể thoát nước. 

Thiếu vốn, nên mới chỉ có một số ít tuyến kênh chính của thành phố được đầu tư làm dự án cải thiện vệ sinh môi trường, phục vụ tiêu thoát nước, giao thông và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, với tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, việc giải tỏa đang tỏ ra hết sức dây dưa dù đây là dự án cải tạo tuyến kênh này đáp ứng yêu cầu cấp thiết “3 trong 1” là cải thiện môi trường; phục vụ thoát nước và đáp ứng yêu cầu giao thông thủy - bộ.

Dự án chỉnh trang tuyến kênh này có chiều dài 33km, đi qua 7 quận, huyện và ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Giai đoạn 1, dự án đã tiến hành nạo vét để giải quyết ngập úng và cải thiện môi trường cho khu vực gần 15.000ha. 

Giai đoạn 2 sẽ xây dựng cống điều tiết, cải tạo cửa xả, xây dựng cầu giao thông; xây dựng hệ thống thoát nước mưa. Tuyến đường giao thông và công trình kỹ thuật hai bên bờ kênh. Vốn phải đi vay WB, dự án cải tạo tuyến kênh này quan trọng là vậy nhưng đã 10 năm qua, việc đền bù, giải tỏa vẫn chưa thể dứt điểm.

Báo cáo với đoàn giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách - HĐND thành phố, lý do của sự chậm trễ này đã được lãnh đạo quận Bình Tân xác nhận: Phần dự án đi qua địa bàn quận Bình Tân có chiều chiếm gần phân nửa của toàn bộ dự án, đồng nghĩa với việc có 2.267 hộ dân và DN doanh nghiệp thuộc 8 phường phải giải tỏa một phần hoặc toàn bộ diện tích. 

Nhưng trong khi đã có đến 90% số hộ dân, DN chấp hành ngay việc di dời, thì vẫn còn vài trăm hộ chẳng chịu nhận tiền bồi thường. Vướng mắc trong khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, chính là khúc mắc dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai dự án cải tạo tuyến kênh Tham Lương nhiều năm qua. 

Trong các hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng ở quận Bình Tân, lý do chủ yếu khiến những hộ chưa chịu di dời là vì trước đây họ đã mua nhà đất có nguồn gốc lấn chiếm kênh rạch hoặc tự chiếm dụng đất để xây cất trái phép phép.

Nay số tiền hỗ trợ quá thấp, không đủ để mua nhà chỗ khác nên đành ở lỳ bởi không biết đi đâu về đâu. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều hộ dân ở các quận, huyện khác chây ì, không chịu hợp tác trong việc bàn giao mặt bằng để thực hiện cải tạo kênh.

Như vậy trong câu chuyện này, vấn đề đặt ra là những người dân còn ở lại được hưởng lợi từ dự án, thì những người nhận đền bù không đủ tiền tạo lập chỗ ở mới sẽ ra sao nếu thành phố không có cơ chế riêng để giải quyết dứt điểm.   

Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư lắp đặt hàng ngàn van ngăn triều tự động tại các cửa xả, miệng cống thoát nước thải ra kênh, rạch. Nhưng những ngày đỉnh triều lên cao kết hợp với mưa lớn xảy ra gần đây, tình trạng nước từ các miệng thu, hố ga trong hệ thống cống thoát nước thải vẫn trào ngược lên mặt đường.

Hiện tượng này đã xảy ra ngay cả với khu vực có cốt nền cao, vốn ít bị ngập trước kia là các tuyến đường trung tâm thành phố. Có dịp đi thị sát trên những tuyến kênh đã được lắp van ngăn triều như tại rạch Bến Nghé thời gian gần đây, tôi nhận thấy, do không được kiểm tra, duy tu thường xuyên, nhiều van ngăn triều đã không phát huy tác dụng như bị rác, đất cát bao lấp. 

Thậm chí có những van còn được đơn vị quản lý buộc dây treo ngược lên taluy của bờ kè nên nhiều van ở cửa xả đã không phát huy tác dụng ngăn triều chảy ngược vào cống thoát, tràn lên mặt đường gây ngập.

Thiếu vốn đầu tư cộng với khó khăn trong việc thi công do 2 bên bờ kênh, rạch đã bị người dân chiếm dụng ở kín, nên những năm qua việc nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh, rạch và cửa xả mới chỉ được làm tập trung những đoạn kênh rạch bị tắc nghẽn do bùn, rác bồi lấp hoặc do bị lấn chiếm gây cản trở dòng chảy như rạch Ụ Cây, rạch Nhảy, Ruột Ngựa, Bàu Trâu, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Văn Thánh, Cầu Sơn, Cầu Bông, Bùi Hữu Nghĩa…

Còn để có thể giải tỏa, mở rộng lòng kênh phục vụ tiêu thoát nước và xử lý ô nhiễm môi trường, người dân sẽ phải chờ nhiều năm nữa mới có thể nói chuyện bố trí dự án.

Đức Thắng
.
.
.