Nguy cơ hỏa hoạn tại các khu vực ngõ hẻm nhỏ của Hà Nội

Thứ Ba, 21/11/2017, 12:02
“Ngõ nhỏ phố nhỏ” vốn là đặc sản của một Hà Nội nghìn năm văn hiến. Tuy vậy sự tồn tại của thứ "đặc sản" ấy cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự, đặc biệt là an toàn phòng cháy chữa cháy...

Bài 1: Rùng mình ghé thăm những “địa đạo” tại Hà Nội



Do lịch sử để lại mảnh đất Thăng Long kinh kì có nhiều phố, ngõ nhỏ. Đây cũng là nét văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến, "Hà Nội băm sáu phố phường". Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, các con phố, ngõ nhỏ của Hà Nội đã thay đổi theo thời gian. Do tốc độ đô thị hóa nhanh, cùng với sự quản lý hạn chế về trật tự đô thị, sự lấn chiếm vô tội vạ khiến cho nhiều khu vực của Hà Nội giờ trở thành "thiên la địa võng", những địa đạo sâu hun hút.

Không chỉ có phố, có ngõ, Hà Nội bây giờ có hàng ngàn con hẻm, ngách nhỏ có khi chỉ dắt vừa chiếc xe máy. Người ta không lạ gì nếu vào khu vực phố cổ hay sau mặt tiền của phố Đê La Thành, ngõ chợ Khâm Thiên, khu vực phố Nguyễn Công Trứ hay Chợ Trời... những con hẻm sâu khiến người mới đến như rơi vào mê hồn trận...

Ngõ Chợ Khâm Thiên, một khu dân cư với đúng đặc trưng "ngõ nhỏ phố nhỏ" mang trong mình hàng chục ngõ nhỏ khác. Ảnh: vệ tinh

Được biết, chỉ riêng địa bàn quận Hoàn Kiếm hiện nay đã có đến 1.700 con ngõ nhỏ. Hầu hết các ngõ này xe phòng cháy chữa cháy đều không thể tiếp cận. Do đặc thù địa bàn nằm ở khu phố cổ, diện tích nhà rất nhỏ, xây lâu năm, phần lớn các nhà này đều đã cải tạo, sửa chữa, nhiều nhà đã xuống cấp. Hệ thống điện chằng chịt, ý thức người dân chưa cao nên khó tránh được hỏa hoạn hoặc nếu có "bà Hỏa" hỏi thăm thì cũng bất lực không thể chữa cháy.

Một "địa đạo" sâu hun hút chỉ có kích thước khoảng 0,75m. Ảnh: vne

Ngõ 34 Hàng Da sâu hơn 20 m là một trong những ngõ nhỏ nhất Hà Nội. Đoạn hẹp nhất của ngõ này chỉ khoảng 46 cm và luôn phải bật bóng đèn để có ánh sáng nên người qua lại trong ngõ cảm giác như đi dưới địa đạo. Ảnh: vne

Ngõ Chợ Khâm Thiên thuộc địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) với một đầu nằm trên đường Khâm Thiên, đầu còn lại nằm ở phía Đê La Thành. Mặc dù chiều dài giữa hai đầu chỉ khoảng 800m nhưng mật độ dân cư tại đây đang được đánh giá là cao nhất so với bất kỳ con ngõ nào của Hà Nội.

Trước đây, Hà Nội có hơn 500 phố, nhưng tốc độ đô thị hóa chóng mặt dẫn đến các ngõ từ đường chính vào làng trở thành ngõ phố. Theo thống kê, chỉ riêng phố Bạch Mai có 25 ngõ trong đó có 22 ngõ có tên và ba ngõ là số. Phố Khâm Thiên có tới 32 ngõ và chỉ hai ngõ là số, còn lại là ngõ có tên. Riêng ngõ chợ Khâm Thiên (ngõ lớn nhất của phố Khâm Thiên) đã có 23 ngõ với chín ngõ có tên, còn lại là ngõ số… 

Những ngõ này không khác gì "địa đạo" bởi chiều rộng chỉ từ 1m đến 2,5m. Thậm chí có ngách chỉ rộng khoảng 75cm, hai người đi qua còn phải lách.

Ít ai dám nghĩ phía trong "con ngõ" nhỏ nhỏ ấy lại có cuộc sống tập nập như vậy. Hàng quán đồ ăn, nhà thuốc kéo dài theo hết chiều dài Ngõ Chợ Khâm Thiên khiến mật độ dân cư tại đây luôn trong tình trạng quá tải, con ngõ cũng vì đó mà ngày một thu hẹp.
Dạo một vòng bên trong Ngõ Chợ Khâm Thiên, không khó để "tìm thấy" những ngõ nhỏ khác mà chiều rộng của nó khiến chúng tôi phải giật mình. Ngõ 188 xem ra vẫn là rộng bởi nó ít nhất có xếp hai chiếc xe máy song song.
Thời điểm chúng tôi đi thực tế à vào gần 11h sáng nhưng bên trong những "con ngõ" như ngõ 153 hay ngõ Xa Đằng vẫn bị bóng tối bao trùm.
Chiều rộng của ngõ 126 lại khiến ta liên tưởng đến câu chuyện hai con dê qua cầu.
Phần lớn những căn nhà trong các khu vực ngõ hẻm là kiểu nhà ống. Với kiểu nhà này thường chỉ có một lối ra vào duy nhất khiến việc thoát hiểm của chủ nhân khi hỏa hoạn xảy ra sẽ rất khó khăn.
Đi cùng với mật độ dân cư dày đặc là hệ thống đường dây điện chằng chịt, rối như tơ vò.
Hệ thống dây điện chằng chịt khiến chính sử dụng là người dân tại các khu dân cư cũng cảm thấy lo lắng. Đặc biệt là vào thời điểm mùa hè, lượng điện tiêu thụ tăng cao do nắng nóng rất dễ dẫn đến chập điện gây cháy.
Tình trạng cơi nới xây dựng các “chuồng cọp” trở thành một “đặc sản” tại khu vực ngõ hẻm nhỏ. Những cửa thoát hiểm không được làm hoặc có làm thì lại bị khóa (để đề phòng trộm cắp) khiến nguy cơ thiệt hại về người khi có hỏa hoạn càng tăng.
Nhiều người dân sinh sống trong các khu vực này cũng thiếu ý thức đề phòng hỏa hoạn trong sinh hoạt hàng ngày. Cảnh đốt vàng mã, đun bếp, nấu nướng, hàn cắt không có sự che chắn an toàn rất dễ dàng bắt gặp tại các khu vực ngõ hẻm.

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện Hà Nội có hàng nghìn khu dân cư có ngõ nhỏ và sâu vài trăm mét. Các khu vực này dân cư đông đúc, nhà cửa chật chội, hệ thống dây dẫn điện chằng chịt, nhiều nơi người dân tự ý xây trụ bê tông hoặc hàn thanh ngang để cản đường ô tô. Các gia đình đều chủ quan, ít trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy nên khi có cháy xảy ra rất khó giải cứu cũng như chữa cháy.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: Hầu hết các gia đình đều xây dựng nhà theo kiểu "chuồng cọp" nhằm mục đích cơi nới hoặc chống trộm. Khi cháy nổ chỉ có một đường duy nhất thoát hiểm nếu bị lửa bao trùm không còn đường ra. Người dân các ngõ, hẻm ở Hà Nội vẫn có thói quen sử dụng than tổ ong trong đun nấu. Trong khi ý thức phòng cháy chữa cháy của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.

Không phải đến hôm nay, những cảnh báo về nguy cơ cháy nổ trong phố cổ và các "địa đạo" ở Hà Nội mới được đặt ra. Tuy nhiên, do nhiều lý do, người dân vẫn đang phải "sống chung với lũ". Tuy nhiên với nhận thức và hiểu biết sơ sài về công tác phòng cháy chữa cháy thì những hậu quả do bà Hỏa đem lại sẽ là nhãn tiền....

(Đón đọc bài 2: Những cái chết được báo trước"

Nhóm PV
.
.
.