10 năm sống “không ổn” của dân tái định cư thủy điện A Vương
- Thuỷ điện A Vương dừng phát điện đến hết tháng 2 do thiếu nước
- Rút kinh nghiệm vụ thủy điện A Vương xả lũ gây ngập lụt trên diện rộng phía hạ lưu
- Thủy điện A Vương "nhập" hệ thống lưới điện quốc gia
Hơn 10 năm trước, để triển khai xây dựng dự án Thủy điện A Vương, hàng trăm hộ dân thuộc các xã Mà Cooih, huyện Đông Giang và xã Dang, huyện Tây Giang, Quảng Nam, đã phải di dời, nhường nơi ở cũ cho dự án.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở các khu tái định cư (TĐC) mới đã từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tại nhiều khu TĐC, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới gần 50%, những khó khăn như thiếu đất sản xuất, số người lao động không có việc làm tăng vẫn là những thách thức lớn đối với đời sống người dân nơi đây...
Mỗi căn nhà tái định cư ở thủy điện A Vương trước đây chỉ 40m², không đủ cho mỗi gia đình 2-3 thế hệ cùng sinh sống hiện nay. |
Chúng tôi trở lại các khu TĐC PachePalanh và CutChrrun, xã Mà Cooih, Đông Giang vào một ngày cuối tháng 9-2016. Ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã MàCooih, cho biết: Cả hai khu TĐC này hiện có 5 thôn, với 333 hộ dân, 1.345 nhân khẩu sinh sống. Trong những năm qua, lồng ghép từ các nguồn vốn, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đường bê tông nông thôn đến từng cụm dân cư; hỗ trợ sửa chữa nâng cấp nhà ở cho người dân; sửa chữa công trình nước sinh hoạt...
Đặc biệt, để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất bền vững tại các khu TĐC, từ các nguồn vốn đã hỗ trợ 18.000 cây mây nước, hơn 200.000 cây keo lai, gần 76.000 cây bời lời đỏ, 2.000 gốc chuối, hơn 3.000kg lúa giống... cùng các phương tiện sản xuất, phân bón. Cùng với diện tích đất sản xuất từ 1-2 sào mỗi hộ dân trước đây, đã hỗ trợ thêm gần 700 triệu đồng để các hộ khai hoang mở rộng sản xuất.
Tổ chức giao khoán cho các nhóm hộ quản lý, bảo vệ rừng với diện tích gần 7.000ha/303 hộ dân, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 4,5-5 triệu đồng mỗi năm. Nhà nước cũng hỗ trợ vốn cho người dân phát triển chăn nuôi, đến nay đàn gia súc, gia cầm đã đạt hơn 1.600 con. Nhìn chung, đời sống người dân có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới gần 48%, số hộ phát sinh ngày càng tăng, không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định...
Tại thôn A Zèng, anh ARất Nếp, Trưởng thôn cho biết, thôn có 70 hộ dân, hiện nay đã phát sinh tới hơn 30 hộ nữa là con em các hộ cũ lập gia đình mới.
Với diện tích 40m² một ngôi nhà TĐC mà dự án làm cho mỗi hộ dân trước đây, thực sự là quá tải. Nhiều ngôi nhà có tới 3-4 hộ gia đình cùng sinh sống, vô cùng khó khăn trong sinh hoạt. Nhà vệ sinh, hệ thống nước sinh hoạt cũng xuống cấp, hư hỏng, nhiều gia đình không còn sử dụng được nữa, rất bất tiện trong vấn đề vệ sinh môi trường.
Khó khăn nhất hiện nay là thiếu đất sản xuất đối với các hộ dân mới phát sinh. Từ năm 2012 đến 2015, Công ty CP Thủy điện A Vương hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu bình quân 10kg gạo mỗi tháng, nhưng nay cắt, nhiều hộ dân lâm vào cảnh thiếu đói khi mùa màng thu hoạch chưa tới.
Ông Nguyễn Thanh Tân giải thích thêm rằng, khi xây dựng khu TĐC cho người dân, Ban quản lý dự án đã không tính đến số hộ phát sinh mới, đến nay cả hai khu TĐC thuộc dự án thủy điện A Vương ở xã Mà Cooih, đã phát sinh tới 126 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu, không có đất ở, đất sản xuất, không có công ăn việc làm...
Trên thực tế, diện tích đất sản xuất cấp cho các hộ dân TĐC trước đây, mỗi hộ từ 1-2 sào là đất rẫy, đất ruộng, nhưng đất rất xấu, không có tầng canh tác, xen lẫn nhiều đá, khó cải tạo để sản xuất, hoặc không sản xuất được. Nhà ở các khu TĐC quá nhỏ, không đủ cho nhiều gia đình 2-3 thế hệ cùng sinh sống, nhiều địa điểm có nguy sơ sạt lở khi mùa mưa lũ đến...
“Trước những khó khăn đó, chính quyền xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Đông Giang hướng dẫn nhân dân tổ chức sản xuất các loại cây trồng trên hết các diện tích quỹ đất hiện có... Ưu tiên, bố trí cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để vay vốn phát triển sản xuất, trồng trọt; mở các lớp dạy nghề cho thanh niên, vận động nhân dân tự tìm vị trí đất phù hợp để tách hộ lập vườn; ưu tiên nguồn vốn thuộc Chương trình 167 giai đoạn 2, làm nhà cho các hộ nghèo”.
Ông Tân cho biết thêm, chính quyền xã Mà Cooih còn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị với các ngành Trung ương tăng định mức hỗ trợ chi trả dịch vụ môi trường rừng, để giúp người dân có thêm nguồn thu nhập bảo vệ rừng; kiến nghị Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư mới và mở rộng 2 khu TĐC Pachepalanh và CutChrrun, để bố trí đất ở và đất sản xuất cho người dân...
Đồng thời, kiến nghị Công ty CP Thủy điện A Vương tạo điều kiện cho nhân dân tổ chức sản xuất trên diện tích vùng đất bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện và nuôi cá lồng bè theo quy hoạch vừa đảm bảo môi trường và cải thiện đời sống; hỗ trợ phương tiện đường thủy cho lực lượng của địa phương triển khai các đợt tuần tra quản lý bảo vệ rừng khu vực lòng hồ, và nhân dân quản lý bảo vệ rừng giao khoán…
Như vậy, sau hơn 10 năm, công tác ổn định đời sống cho người dân ở các khu TĐC thủy điện A Vương vẫn còn nhiều việc phải làm.