Cuộc sống mới trên đường Trường Sơn huyền thoại

Chủ Nhật, 26/05/2019, 11:24
44 năm sau ngày thống nhất đất nước, đã có rất nhiều đổi thay, con đường Trường Sơn xưa là huyết mạch giao thông đưa người, vũ khí ra tiền tuyến giờ lại là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất Quảng Nam…

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2019), phóng viên Cảnh sát toàn cầu có hành trình đi dọc đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đoạn qua 4 huyện của tỉnh Quảng Nam (Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn). 

44 năm sau ngày thống nhất đất nước, đã có rất nhiều đổi thay, con đường Trường Sơn xưa là huyết mạch giao thông đưa người, vũ khí ra tiền tuyến giờ lại là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đất Quảng Nam…

Quá khứ oai hùng

Trong trí nhớ của già Zơ Râm Ul (75 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) huyện Nam Giang, thì những năm tháng kháng chiến nói chung và những năm tháng tham gia mở đường Trường Sơn là ký ức không thể nào quên. Giai đoạn 1965 - 1975, Nam Giang là vùng hậu cứ quan trọng góp phần giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Do đó, tình hình chiến sự tại đây rất ác liệt, địch thường xuyên tổ chức các đợt đánh phá, càn quét.

Ngã ba Bến Giằng, huyện Nam Giang, nơi giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh và QL14D.

Năm 1965, chàng trai Zơ Râm Ul khi đó mới 22 tuổi đã hăng hái cùng với đồng đội tham gia mở đường Trường Sơn, vận chuyển lương thực, thực phẩm. Khu vực Bến Giằng, nơi giao nhau giữa đường Trường Sơn và QL14D, lúc bấy giờ là một trong những trọng điểm đánh phá của địch, do đó việc mở đường ở khu vực này gặp vô vàn khó khăn. 

Ông Hồ Văn Nhun (phải) trò chuyện cùng phóng viên về quá trình mở đường Trường Sơn.

“Để mở đường Trường Sơn, chúng tôi phải vượt qua rất nhiều gian khổ do thời tiết khắc nghiệt của vùng rừng núi Trường Sơn mang lại, khi thì do sự chống phá ác liệt của kẻ thù. Song, với quyết tâm mở đường Trường Sơn để phục vụ kháng chiến, tôi cũng như nhiều đồng chí, đồng đội không quản ngại ngày đêm, sương gió phục vụ việc mở đường. Địch đánh phá, đường Trường Sơn bị hư hỏng, chúng tôi lại tranh thủ lúc ngớt tiếng bom khẩn trương tham gia sửa đường, vá đường để các chuyến xe ra tiền tuyến được thông suốt”, già Zơ Râm Ul chia sẻ.

Ngày nay, tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn vẫn còn lưu giữ tấm bia di tích ghi lại những nét chính trong quá trình làm đường Trường Sơn được đặt trang trọng tại khu công viên sát tuyến đường Hồ Chí Minh. Trên bia di tích ghi rõ Khâm Đức là Chỉ huy Sở tiền phương Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (1972-1974), xây dựng đường tiêu chuẩn Đông Trường Sơn, đường ống dẫn xăng dầu Khâm Đức - Ngọc Hồi. Sư đoàn Công binh 472, Sư đoàn Vận tải 471 và các Trung đoàn Cao xạ ở Khâm Đức (1972-1974). Nơi đây là cụm trọng điểm đánh phá, ngăn chặn ác liệt của không quân và bộ binh Mỹ - ngụy.

Mở cửa tương lai

Chiến tranh đã lùi xa, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại một thời phục vụ kháng chiến, phục vụ chiến đấu giải phóng dân tộc nay trở thành con đường huyết mạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ở những địa phương của Quảng Nam có tuyến đường đi qua. Dọc hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam giờ đây đã khoác lên mình “tấm áo mới” đầy màu sắc. Những bản làng, thị trấn, thị tứ được hình thành với vóc dáng của các khu dân cư hiện đại.

Ông Chrum Nhiên, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, chia sẻ, từ năm 2015, UBND huyện đã công bố Quyết định Phê duyệt của UBND tỉnh Quảng Nam về Quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) Khu trung tâm hành chính huyện Nam Giang. Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Thạnh Mỹ - Bến Giằng, Trung tâm hành chính - chính trị huyện Nam Giang bao gồm khu hành chính, khu văn hóa, thể dục thể thao có tổng diện tích 85ha. Trung tâm hành chính - chính trị huyện sẽ là khu chức năng làm động lực phát triển chung cho đô thị Thạnh Mỹ.

Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết tuyến đường Hồ Chí Minh đi ngang qua 5 xã trên địa bàn huyện, có chiều dài 57km. Sau khi tuyến đường xây dựng hoàn thành, khoảng cách giữa miền ngược với miền xuôi, miền núi với đồng bằng đã được rút ngắn, tạo thuận lợi giao thương trao đổi hàng hóa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội huyện. 

Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển du lịch, thương mại, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng được đầu tư xây dựng, thu hút du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, nghỉ lại tạo sự khởi sắc, nâng cao đời sống cho nhân dân trong huyện. 

Nhiều bản làng khang trang mọc lên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Bên cạnh đó, đường Hồ Chí Minh còn tạo điều kiện phát triển nông, lâm nghiệp, hàng hóa nông, lâm sản của người dân làm ra được các thương lái đến mua, tăng thu nhập cho người dân, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo. Từ đường Hồ Chí Minh, những con đường nhánh được mở ra, chạy dài đến các bản, làng xa xôi nhất, góp phần xóa thế cô lập ở các xã vùng cao của huyện Phước Sơn.

Khi đường mòn Hồ Chí Minh được nâng cấp mở rộng, UBND huyện Phước Sơn đã tổ chức sắp xếp, bố trí ổn định dân cư theo chính sách của tỉnh Quảng Nam với khu dãn dân 17 hộ thôn Lao Mưng, xã Phước Xuân; khu dãn dân 30 hộ của thôn 3, xã Phước Mỹ vào năm 2018. 

Theo ông Nguyễn Quảng, việc bố trí, sắp xếp dân cư dọc theo đường Hồ Chí Minh được thuận lợi về giao thông; tuy nhiên, việc đấu nối vào đường Hồ Chí Minh phục vụ đi lại cho nhân dân còn nhiều khó khăn về thủ tục, mất nhiều thời gian do phải được sự thống nhất của Chi cục Quản lý đường bộ III,... 

Hiện nay, một số tuyến đường trên địa bàn huyện được xây dựng hoàn thành đã lâu nhưng vẫn chưa được cơ quan quản lý đường bộ cho phép đấu nối với đường Hồ Chí Minh. Đây là điểm bất cập rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết nhằm tạo thuận lợi cho công tác sắp xếp, tổ chức dân cư dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh.

Điểm dễ nhận thấy trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam là dọc tuyến đường này có nhiều địa điểm có tiềm năng du lịch rất lớn. Ngay tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, dọc theo trục đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện có các di tích lịch sử, điểm du lịch được quy hoạch như Thác Nước, Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, Trạm dừng chân và Khu du lịch Hồ Mùa Thu, suối nước nóng Đăk Gà và cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2km là Khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Đăk Mi. 

Trong đó, Tượng đài chiến thắng Khâm Đức, Khu du lịch Hồ Mùa Thu và Khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Đăk Mi đang được huyện Phước Sơn và tỉnh Quảng Nam kêu gọi doanh nghiệp đầu tư để phát triển du lịch, với phương châm là phát triển du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện; mục tiêu xây dựng điểm tham quan, du lịch sinh thái, dừng chân, nghỉ dưỡng kết nối các tour du lịch giữa đồng bằng duyên hải miền Trung với Tây Nguyên.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch phát triển du lịch ở các địa phương miền núi của tỉnh, trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh. Thời gian tới, công tác xúc tiến đầu tư du lịch và mở các điểm du lịch dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ được chú trọng. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL sẽ có phương án tăng cường mối liên kết giữa các điểm du lịch để tạo ra môi trường du lịch sinh thái, thân thiện với du khách mỗi khi đến với miền núi Quảng Nam.

Ngọc Thi
.
.
.