Ám ảnh những vụ bắt cóc trẻ em và cách đối phó

Thứ Tư, 20/04/2016, 08:52
Không cần phải đủ "3 bị, 9 quai, 12 con mắt", nhưng những kẻ chuyên "đi săn" trẻ em hiện vẫn là nỗi khiếp sợ ám ảnh mọi gia đình có con nhỏ. Bởi chỉ cần một chút sơ sảy là những "thiên thần", sẽ biến thành "hàng sống" trong tay kẻ bắt cóc tống tiền hay đám buôn người máu lạnh.  Để chủ động phòng ngừa tội phạm, việc làm chủ những kỹ năng bảo vệ con cái là điều hết sức cần thiết đối với mỗi người dân, mỗi gia đình.


Ngoài vòng tay cha mẹ

Trong đời sống, không gì kích hoạt nỗi sợ hãi lây lan nhanh hơn một vụ trẻ em bị bắt cóc. Bởi nó "đánh" thẳng vào trái tim những người làm cha, làm mẹ.

Thời gian qua, nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra những vụ bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em kinh hoàng. Trong đó, có vụ thủ phạm xuống tay tàn độc, giết chết con tin nhưng vẫn gọi điện tống tiền gia đình nạn nhân. Điển hình như vụ án xảy ra chiều ngày 4-4-2016 tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận. Tên Nguyễn Bảo Vũ (24 tuổi) đã bắt cóc rồi sát hại cháu P.K.U.N, 11 tuổi, học sinh lớp 5, sau đó nhắn tin cho bố nạn nhân đòi số tiền chuộc 200 triệu đồng.

Phân tích về thủ đoạn của những kẻ bắt cóc trẻ em thời nay, Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn (Cục C45- Bộ Công an) nói: "Kẻ bắt cóc lấy sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ để mặc cả, uy hiếp tinh thần, tạo áp lực lên gia đình nạn nhân, buộc họ phải đưa tài sản hoặc trả nợ…thì mới thả người. Ngoài ra, chúng có thể bắt giữ trẻ em để cướp tài sản có giá trị mà các cháu mang theo trên người, hoặc đem bán trẻ cho các gia đình hiếm muộn hay ra nước ngoài để lấy tiền.

Các chiến sĩ Công an trao trả một nạn nhân về với gia đình.

Thủ đoạn phạm tội hiện nay rất đa dạng. Phổ biến nhất là khi thấy trẻ chơi một mình ngoài đường, chúng liền tìm cách tiếp cận dùng vũ lực bắt đi, hoặc lân la làm quen rồi "nhử" trẻ bằng bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi… để dụ dỗ trẻ em đi theo chúng. Có vụ chúng lợi dụng quen biết với gia đình hay với trẻ, để đón lõng các cháu trên đường đi học về, rủ đi chơi, xin đi nhờ… rồi bắt cóc tống tiền hoặc cướp tài sản (như vụ tên Nguyễn Bảo Vũ).

Ở trường học, chúng có thể giả danh là người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa trẻ rồi đưa đi. Tại bệnh viện chúng đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ, rồi lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt trẻ sơ sinh, có vụ chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi.

Trong đời sống, lợi dụng quen biết hoặc lòng tốt của người dân, chúng đến nhà xin ngủ nhờ, rồi nhân lúc mọi người đang say giấc, chúng ra tay bắt cóc hoặc cướp luôn đứa trẻ rồi tẩu thoát. Ở vùng giáp biên giới, đã xảy ra những vụ tấn công vào các gia đình, giết bố mẹ, người lớn…để bắt cóc trẻ em, hoặc bắt cóc trẻ em đưa sang nước ngoài, yêu cầu người mẹ mang tiền chuộc con, bắt nốt mẹ đem bán vào các động mại dâm hoặc bán làm vợ cho người nước ngoài.

Trên đường phố, chúng có thể theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường, không đeo đai an toàn, chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi.

Gần đây việc bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân đã xảy ra. Nguy cơ bị bắt cóc cũng rất dễ đến với những bé thơ bị lạc bố mẹ, lạc đường về nhà, đứng khóc tại vỉa hè, đường xá. Khi đó chúng sẽ đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa các cháu đi. Lợi dụng tình trạng khó khăn của trẻ em đường phố (đi ăn xin, bán báo, đánh giày…) để dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực bắt đi cũng khá phổ biến. Xu hướng kết bạn với trẻ qua Facebook, Zalo… rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, xem phim rồi để bắt cóc, chiếm đoạt đang gia tăng đáng lo ngại".

Giúp trẻ thoát hiểm 

Theo Võ sư Trịnh Hồng Minh (Giám đốc Trung tâm đào tạo Thăng Long) thì có tới 84% số trẻ thoát khỏi "nanh vuốt" của đám "mẹ mìn", nhờ vào chính khả năng xử lý tình huống của chúng. Mà điều này chỉ có được nhờ sự hướng dẫn, chỉ bảo trước đó của bố mẹ chúng. Ông nói: "Chúng ta không thể lúc nào cũng ở bên con trẻ để bảo vệ, trông coi. Vì thế, việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện, tập dượt thực hành thường xuyên để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Trước tiên, hãy nói với trẻ về nạn bắt cóc trẻ em một cách dễ hiểu nhất, để chúng biết cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình, hình thành thói quen thận trọng trong sinh hoạt, đi lại, giao tiếp. Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này.

Công an TP Hà Nội bắt giữ thủ phạm một vụ chiếm đoạt trẻ sơ sinh.
Tên Nguyễn Bảo Vũ (24 tuổi), thủ phạm vụ bắt cóc, giết trẻ em xảy ra ngày 4-4-2016 tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận.

Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ biết. Dặn trẻ chỉ được đi theo người thân trong gia đình khi tan học; không được nhận bất cứ đồ vật gì của người lạ mặt vì đó có thể là cạm bẫy lừa lọc.

Dạy trẻ tuyệt đối không ăn uống bất cứ thứ gì mà người lạ đưa cho, đề phòng những món quà, bánh, kẹo, nước ngọt… đó có tẩm thuốc mê, trẻ ngửi hoặc ăn vào sẽ bị trúng độc. Thống nhất với trẻ một "mật khẩu" trong gia đình. Chỉ những ai nói được mật khẩu đó thì trẻ mới được phép đi theo về.

Dạy trẻ biết cách gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh khi bị người lạ kéo, dắt, lôi đi. Nên cho trẻ tham gia tập luyện võ thuật, vừa rèn luyện sức khỏe, nhanh nhẹn, có đủ tự tin để bình tĩnh ứng phó trong các tình huống nguy hiểm. Khi trẻ vào độ tuổi đi học, tham gia các hoạt động dã ngoại, tham quan… cần dạy trẻ biết tuân theo các quy định của người phụ trách. Tuyệt đối không tách đoàn, chạy lăng xăng dễ bị lạc, bị bỏ rơi dẫn đến nguy cơ bị bắt cóc.

Cảnh báo cho trẻ biết những mối nguy hiểm khôn lường luôn rình rập, khi trẻ đi một mình tại những nơi vắng vẻ. Nếu trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn, thì hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn.

Dạy trẻ khi tham gia giao thông trên đường, cần chú ý quan sát và cảnh giác với những chiếc xe lạ hoặc bất cứ ai đang đeo bám theo sau. Khi đó, trẻ cần dừng lại ở chỗ đông người, ghi nhớ hoặc ghi chép lại biển số xe của kẻ có biểu hiện theo dõi mình. Tình huống cảm thấy nguy hiểm, có thể ghé vào quán bán hàng, nói với người già, chú Công an, bác bảo vệ cơ quan... về tình hình của mình, nhờ báo cho bố mẹ biết.

Dạy trẻ khi đi cùng người thân ra các địa điểm công cộng, phải luôn bám sát và để tránh bị lạc. Nếu thấy cha mẹ, người thân đã khuất khỏi tầm nhìn của mình thì hãy gọi to lên. Các gia đình cho người lạ ngủ lại, cần quan tâm đến con đề phòng việc bắt trộm trẻ trong đêm. Khi phải đi làm mà có trẻ ở nhà một mình, cần khóa kỹ hệ thống cửa. Có thể giao cho trẻ chìa khóa, nhưng dặn dò không được tiếp chuyện hay mở cửa cho người lạ vào nhà, dù với bất cứ lý do gì. Dặn trẻ không được bỏ nhà đi chơi. Nếu có người lạ lấy lý do công việc hoặc là bạn của bố mẹ để xin vào nhà, cần gọi điện ngay cho bố mẹ thông báo. Tuyệt đối không đứng gần cửa ra vào để nói chuyện với khách, đề phòng bị thôi miên, đầu độc.

Lưu ý phòng ngừa hiểm họa đến từ internet. Dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân lên trên mạng. Bởi vì bọn bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ. Chúng cũng có thể khai thác các thông tin về gia đình trẻ để phục vụ cho mục đích đen tối của chúng.

Các bậc phụ huynh nên đón trẻ đúng giờ hoặc đón sớm, tránh đón trẻ muộn sẽ tạo cơ hội cho bọn bắt cóc hành động. Gia đình và nhà trường cần quán triệt về việc đưa đón trẻ, giờ giấc và người đưa đón. Nếu phụ huynh nhờ người đón hộ cần gọi điện thông báo trước với giáo viên. Khi chở trẻ em (nhất là các bé dưới 6 tuổi) trên đường, cha mẹ nhất thiết phải đeo đai an toàn gắn con vào mình và cho con ngồi sau lưng, để phòng tình huống đối tượng gây va quệt đổ xe rồi cướp con.

Trẻ bị lạc bố mẹ hay lạc đường tạo cơ hội cho bọn "mẹ mìn". Do đó việc huấn luyện cho con các kỹ năng xử lý tình huống bị lạc là hết sức cần thiết. Khi bị lạc đường, dạy trẻ hãy dừng lại ngay tại chỗ đó và hít thở một vài hơi thật sâu, bình tĩnh nhớ lại những gì bố mẹ đã dạy từ trước. 

Có thể nhờ các chú công an, người già, bà mẹ có con nhỏ, bác bảo vệ cửa hàng... để nhờ giúp đỡ liên lạc với bố mẹ mình, thông báo cho vị trí của mình bằng cách đọc số nhà, tên phố cạnh nơi đang đứng. 

Quá trình đứng đợi người nhà đến đón, tuyệt đối không nghe theo bất cứ ai tỏ ý giúp đỡ chở về nhà, cũng không được tự ý bắt chuyện với người lạ. Luôn quan sát và cảnh giác với những người lạ lảng vảng quanh mình. Nếu thấy nguy hiểm hãy đi vào một cửa hàng nào đó để trú chân trong lúc đợi người nhà tới.

Đào Trung Hiếu
.
.
.