Giữa đại dịch COVID-19 nhớ về Theranos

Thứ Ba, 26/05/2020, 20:56
Nhu cầu xét nghiệm máu khi dịch Covid-19 bùng nổ liên tục tăng cao. Các quốc gia, các phòng thí nghiệm liên tục chạy đua nghiên cứu và sản xuất các bộ kit xét nghiệm với mong muốn cho kết quả nhanh đồng thời chính xác. Trong bối cảnh đó, nhiều người chắc sẽ nhớ về Theranos với niềm tiếc nuối.

Năm 2003, khi Elizabeth Holmes mới 19 tuổi, cô đã bỏ học Đại học Stanford để bắt đầu dự án Theranos với tên gọi ban đầu là Real-time Cures. Lấy cảm hứng từ sự nghiệp y tế của ông mình và kỳ thực tập mùa hè tại Singapore, Holmes đã viết một ứng dụng sáng chế tích hợp với thiết bị theo dõi máu, có khả năng chẩn đoán và điều trị y tế. 

Theranos đã gây được sự chú ý lớn nhờ phương pháp thử nghiệm máu mới. Sản phẩm của Holmes là một thiết bị nhỏ gọn có chức năng "tất cả trong một". Chỉ cần lấy 1-2 giọt máu trên đầu ngón tay, cho vào ống siêu nhỏ, thiết bị của Theranos được quảng cáo có thể thực hiện hàng nghìn xét nghiệm và phát hiện được cả bệnh ung thư hay tiểu đường trong thời gian ngắn với chi phí thấp hơn nhiều so với các xét nghiệm truyền thống. Một cuộc cách mạng trong điều trị y tế hứa hẹn sẽ diễn ra.

John Carreyrou ký tặng sách cho độc giả. Ảnh đăng trên Twitter. 

Khi thành lập, hội đồng quản trị của Theranos cũng có sự góp mặt của những chính trị gia tầm cỡ như hai cựu Ngoại trưởng Mỹ: Henry Kissinger, George Shultz và hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, James Mattis. Cuối năm 2004, Holmes gọi được khoản vốn 6 triệu USD. 

Sau đó, có rất nhiều nhà đầu tư rót vốn thêm. Những nhân vật này rất tiếng tăm như anh em nhà Walton - gia tộc thừa kế hãng bán lẻ Walmart; gia đình Bộ trưởng Bộ Giáo dục Mỹ Betsy DeVos; và cả tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch… Mỗi nhà đầu tư này đều rót ít nhất 100 triệu USD vào Theranos.

Quá trình "cất cánh" đầy huyền bí của Theranos thành công ty tỷ đô

Thiết kế ban đầu của Theranos được công bố vào năm 2005 là một hệ thống hộp đựng và máy đọc hoạt động phụ thuộc vào kênh dẫn vi lưu và sinh hoá. Mẫu máy này được gọi là Theranos 1.0. Lúc đó, nó được lên kế hoạch sẽ được cung cấp cho các công ty thuốc để giúp nắm bắt được các vấn đề về phản ứng phụ khi thử nghiệm các loại thuốc mới.

Tuy nhiên, Holmes không tiết lộ về công nghệ "thử máu không cần kim" của mình với bất kỳ ai, dù là cổ đông, với lý do bảo mật. Là CEO của một công ty công nghệ hàng đầu, luôn giữ kín mọi thứ, thường xuyên mặc áo đen cổ cao, Elizabeth Holmes được gọi là "Steve Jobs mới". Còn Theranos được ca ngợi là "Apple của ngành y tế". Ngay cả các cổ đông của công ty cũng không hề biết gì về công nghệ này.

Theranos phát triển một mẫu thiết bị mới vào tháng 9 năm 2007 dưới tên gọi Edison. Thiết bị này về cơ bản là một bản "điều chỉnh" của robot pha chế keo dính đến từ một công ty New Jersey có tên Fisnar. Thời điểm đó, Holmes đã tiếp cận một số nhà thiết kế của Apple và nhờ họ thực hiện "tạo hình" cho phần nhìn và trải nghiệm của Edison.

Sunny Balwani gia nhập Theranos tháng 9 năm 2009. Ông quen biết Holmes từ năm 2002 và có nền tảng về kinh doanh và kỹ sư phần mềm. Đến năm 2010, Holmes và Balwani tiếp cận Walgreens-đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng dược phẩm lớn tại Mỹ-cùng một bản kế hoạch kinh doanh để vận hành các phòng khám sức khoẻ. Cùng lúc, Theranos cũng theo đuổi hợp tác cùng Safeway (sở hữu chuỗi các siêu thị).

Đến năm 2011, Theranos cho ra đời mẫu thiết bị Minilab có biệt danh 4S lấy cảm hứng từ model Iphone. Đầu năm 2012, công ty triển khai dịch vụ xét nghiệm máu tại một phòng khám dành cho nhân viên Safeway như một thử nghiệm. Cũng trong năm này Theranos kí một hợp đồng với Walgreens để ra mắt thiết bị bên trong phòng khám dù liên tục trễ hẹn.

Ảnh của Holmes trên bìa tạp chí danh tiếng Fortune.

Năm 2014 là khoảng thời gian huy hoàng của Theranos cùng Holmes. Quỹ đầu tư Partner Funds mua 5,6 triệu cổ phiếu của Theranos ở giá 17 USD vào tháng 2 năm 2014. Lúc đó, Theranos được định giá 9 tỷ USD và khối tài sản Elizabeth Holmes lên tới 4,5 tỷ USD do cô sở hữu 50% cổ phần công ty. 

Theranos và Holmes thực sự bắt đầu thu hút sự chú ý của truyền thông, đặc biệt là khi cô xuất hiện trên trang bìa tạp chí Fortune số tháng 6 năm 2014. Cô gái này còn xuất hiện trong cuộc đàm thoại với cựu Tổng thống Bill Clinton và tỷ phú Jack Ma.

Tuy vậy tất cả mọi thứ chỉ là trò lừa đảo không hơn.

Đế chế sụp đổ

Những nghi ngờ về công nghệ của Theranos đã có từ rất lâu. Điều đáng tiếc là những nghi ngờ này bị che lấp bởi thái độ và cách điều hành công ty huyền bí của Holmes.

Tháng 11 năm 2006, Giám đốc Tài chính Theranos Henry Mosley bị cho thôi việc sau khi hoài nghi về tính khả năng của công nghệ mà Theranos đang phát triển và sự trung thực của công ty. 

Tới tháng 7 năm 2007, Theranos cũng cho biết sẽ kiện ba cựu nhân viên vì lấy trộm những tài sản trí tuệ của họ. Nhiều lời đồn đoán còn cho rằng, Holmes thường xuyên kiểm tra máy tính của nhân viên để đảm bảo bí mật kinh doanh. 

Giám đốc y tế của hãng Safeway vào năm 2012 đã tỏ ra quan ngại về những sự sai biệt có liên quan đến kết quả trong các xét nghiệm của Theranos. Dù vậy sau đó hai công ty vẫn kí thỏa thuận hợp tác trị giá 350 triệu USD.

Trung tá David Shoemaker đã nêu ra các lo ngại về chiến lược liên quan đến quy định của Theranos tới Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sau khi Holmes tiếp cận ông để nói về kế hoạch khai thác thiết bị trong quân đội. 

Trung tâm dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ y tế (CMS) sau đó đã thực hiện một cuộc thanh tra bất ngờ, trong đó Balwani nói thiết bị vẫn đang được phát triển. Sau khi tranh cãi với cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nhưng đồng thời là người cũng có chân trong hội đồng quản trị của Theranos, Shoemaker đồng ý thử nghiệm giới hạn.

Ian Gibbons, nhà khoa học chính của Theranos, bắt đầu cảm thấy không thoải mái với nhiều vấn đề mà công nghệ xét nghiệm máu này đang phải đối mặt. Holmes thu xếp một cuộc họp với Gibbons vào tháng 5 năm 2013. Ông nghĩ rằng đây là lúc Holmes sa thải ông. Một đêm trước cuộc họp, Gibbons đã tự tử. Ông qua đời một tuần sau đó.

Những vấn đề xung quanh công nghệ của Theranos lộ diện vào năm 2015. Tháng 8 năm đó, FDA tiến hành điều tra Theranos. Các nhà quản lý phát hiện công nghệ thử nghiệm máu mới này còn thiếu chính xác và có nhiều sai sót. Tới tháng 10, phóng viên tờ Wall Street Journal là John Carreyrou đã công bố cuộc điều tra của mình. 

Báo cáo của John Carreyrou châm ngòi cho sự sụp đổ của đế chế Theranos. Carreyrou phát hiện ra rằng, máy thử nghiệm máu Edison của Theranos không đưa ra các kết quả chính xác. Các kết quả mà công ty đưa ra được lấy từ những máy thử nghiệm máu truyền thống mà các bệnh viện đều sử dụng.

Tháng 7 năm 2016, Elizabeth bị cấm làm việc liên quan tới lĩnh vực y tế trong 2 năm. Tháng 10 cùng năm, Theranos phải đóng cửa các phòng thí nghiệm của mình.

Tháng 3 năm 2018, Elizabeth Holmes và Theranos bị buộc tội gian lận, lừa đảo các nhà đầu tư với công nghệ chưa hoàn thiện, cô bị phạt 500.000 USD và phải trả lại tất cả 18,9 triệu cổ phiếu của công ty. Holmes bị cấm làm giám đốc của bất kỳ công ty đại chúng nào trong một thập kỷ.

Câu truyện cổ tích của Theranos chấm dứt với một cái kết không có hậu, khi mà ý tưởng táo bạo của Elizabeth Holmes không thể biến thành hiện thực, các công nghệ vẫn còn nhiều thiếu sót. Sự bao che, hoạt động trong bí mật của Theranos càng khiến cho bong bóng này phình to khi được đổ vào hàng trăm triệu USD, để rồi sau đó phát nổ.

Thất bại trong việc rao bán lại chính mình, Theranos tuyên bố phá sản vào tháng 9 năm 2018. Công ty tỷ đô ngày nào trở về con số không tròn trĩnh. Các nhà đầu tư chẳng thu lại được gì đáng kể.

Đỗ Tiến
.
.
.