Xung quanh việc thu thuế bán hàng qua mạng
Cơ quan Thuế chưa đặt mục tiêu số thu cụ thể
Theo tìm hiểu thực tế hiện nay về hoạt động kinh doanh qua mạng, nhất là các trang mạng xã hội facebook, fanpage facebook, zalo… đang diễn ra khá rầm rộ với nhiều mặt hàng được rao bán có giá trị từ vài chục, vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng; thậm chí hàng chục, hàng trăm triệu đồng, mang lại lợi nhuận cao cho người bán.
Hiện cơ quan Thuế đã lọc được 13.469 tài khoản facebook, trang mạng trên địa bàn thành phố có hoạt động kinh doanh trực tuyến. |
Nhưng đến nay, ngành Thuế chưa kiểm soát và khai thác được nguồn thu thuế từ các loại hình kinh doanh này.
Riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan Thuế đang tiến hành rà soát các website thương mại điện tử trên địa bàn thành phố và có được kết quả ban đầu.
Tổng cục Thuế cũng đã cung cấp những tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh mua bán hàng trên mạng xã hội ở địa bàn thành phố. “Trên những cơ sở đó, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra hoặc đưa vào quản lý đối với những cá nhân kinh doanh qua mạng nói chung, qua facebook nói riêng.
Nếu cá nhân nào kinh doanh thường xuyên chưa kê khai nộp thuế thì chúng tôi sẽ yêu cầu họ phải đi đăng ký kê khai nộp thuế theo quy định”, bà Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Qua thống kê bước đầu của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có 13.469 tài khoản facebook, website có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Chi cục Thuế quận Bình Thạnh đã gửi thư đến các chủ cơ sở kinh doanh trên facebook để mời tới làm việc. |
Việc thu thuế với các loại hình kinh doanh qua mạng là để tăng cường quản lý thuế, chống thất thu ngân sách Nhà nước trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
“Việc thu thuế kinh doanh onlinequa facebook, youtube, zalo… là trách nhiệm mà ngành Thuế phải thực hiện. Hơn nữa, việc áp dụng thu thuế đối với hoạt động kinh doanh trên mạng là nhằm tạo công bằng cho tất cả đối tượng kinh doanh”, bà Lê Thị Thu Hương nói.
Theo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, bước đầu cơ quan này chủ yếu tìm hiểu xem việc kinh doanh của các cá nhân có lâu dài không, đã kê khai, đăng ký thuế hay chưa. Nếu việc kinh doanh này được duy trì lâu nay và chưa kê khai thuế thì sẽ vận động họ đăng ký và kê khai theo quy định.
Kinh doanh qua mạng nói chung, qua facebook, youtube… cũng có nhiều dạng, các kênh quảng bá sản phẩm, qua đó có thể bán hàng. Đối với một số cá nhân lâu lâu mới có hàng để bán thì cũng chưa đưa vào dạng quản lý thuế. Riêng với các cá nhân kinh doanh bán hàng qua mạng thường xuyên mà chưa kê khai nộp thuế thì mời đi đăng ký kê khai nộp thuế.
Ngoài ra, cơ quan Thuế không thu thuế trên chủ tài khoản facebook mà thu thuế từ người kinh doanh qua facebook nói riêng và kinh doanh qua mạng nói chung. “Nếu ai đó chứng minh mình có tài khoản nhưng không kinh doanh mà người khác mượn kinh doanh thì người kinh doanh phải kê khai nộp thuế.
Có thể chủ tài khoản là người kinh doanh nhưng cũng có chủ tài khoản không phải là người kinh doanh. Họ mở cho người khác kinh doanh. Ở TP Hồ Chí Minh cũng có thể bán hàng qua nước ngoài, nhưng điều quan trọng là bạn đăng ký ở đâu, hoặc nơi cư trú, nơi đăng ký kinh doanh.
Do đó, nếu bạn có đăng ký kinh doanh ở TP Hồ Chí Minh thì bạn vẫn phải kê khai nộp thuế ở thành phố này. Khi cơ quan Thuế rà soát ra sẽ yêu cầu bạn đăng ký kê khai tại nơi địa phương mình cư trú hay đăng ký kinh doanh”, bà Hương giải thích.
Tuy nhiên, đối tượng cơ quan Thuế chủ yếu tập trung vào lần này là những tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh thường xuyên và có doanh thu lớn. Đối với người có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ thực hiện đóng thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Trong trường hợp doanh thu dưới 100 triệu đồng sẽ chỉ đóng thuế môn bài.
Để tiến hành các bước tiến tới thu thuế kinh doanh qua mạng internet, Cục Thuế, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã chuyển danh sách 13.469 tài khoản này đến các Chi cục Thuế thuộc 24 quận, huyện trên địa bàn để vận động kê khai đăng ký thuế.
Theo đó, Chi cục Thuế quận Bình Thạnh cũng đã gửi thư mời đến các chủ cơ sở kinh doanh trên facebook ở địa bàn quận này đến làm việc, để hoàn tất kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đây là động thái mới của cơ quan Thuế về việc tiến hành rà soát quá trình hoạt động cũng như đóng thuế của các cơ sở kinh doanh này.
Trước đó, vào đầu tháng 5, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có công văn khẩn gửi cơ quan Công an, Cục Thuế, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước... tại TP Hồ Chí Minh yêu cầu cùng vào cuộc ngăn chặn hành vi trốn thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại thành phố này.
Chi cục Thuế quận Phú Nhuận cho biết, do số lượng các trang bán hàng qua mạng rất lớn nên cần có thời gian thu thập bổ sung thông tin, rà soát dữ liệu. Sau đó, Chi cục sẽ lần lượt mời các chủ trang bán hàng qua mạng đến cơ quan Thuế để hướng dẫn kê khai tính thuế.
Tương tự, Chi cục Thuế quận 5, cũng cho rà soát lại các địa chỉ kinh doanh trên địa bàn có tên trong danh sách trước khi tổ chức buổi họp với các cá nhân và doanh nghiệp có kinh doanh qua Facebook để tuyên truyền, hướng dẫn về nghĩa vụ thuế.
Cần có lộ trình phù hợp
Thực tế, sau khi nhận được thư mời làm việc để hoàn tất kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế, đa số các cá nhân, doanh nghiệp đều không có phản hồi gì. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan ban, ngành thực hiện kiểm tra tại nơi cư trú và xử phạt hành chính hành vi không đăng ký, kê khai nộp thuế.
Cũng từ thực tế hiện nay, theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế người bán hàng trên mạng sẽ không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên dễ tạo ra những kẽ hở khó quản lý, khó giám sát.
Trong bối cảnh hiện nay, tính tự giác kê khai thuế của người bán hàng trực tuyến không cao. |
Vì khi đó, cơ quan Thuế khó xác định được doanh thu, lợi nhuận của các đơn vị bán hàng trên mạng theo chứng từ kèm theo. Đó là chưa kể việc phân biệt các cửa hàng dùng facebook vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ.
Ngoài ra, một số người kinh doanh trên facebook như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập thì cần quản lý thuế ra sao? Các chuyên gia cho rằng thách thức lớn nhất của vấn đề này là việc xác định thu nhập kinh doanh của người bán hàng qua mạng xã hội để làm căn cứ tính thuế.
Dù việc thu thuế kinh doanh qua mạng được xem như một nỗ lực nhằm chống thất thu thuế và cũng được đánh giá là có cơ sở, nhưng về phía cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh trên mạng xã hội, nhiều người đã tỏ rõ sự băn khoăn, lo lắng. Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên áp dụng đối với các doanh nghiệp, còn đối với cá nhân thì chưa phải lúc.
Ngay cả nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm rằng dù việc thu phí kinh doanh facebook là đúng luật, nhưng cần có lộ trình phù hợp, chứ triển khai ngay bây giờ thì chưa phải lúc.
Đơn cử một trường hợp điển hình khi khách hàng mua sản phẩm, số tiền khách hàng phải thanh toán sẽ bằng số tiền được niêm yết trên trang web và thanh toán khi mua tại cửa hàng.
Chi phí vận chuyển do hệ thống bán lẻ trả toàn bộ, ngoài ra giá bán cho khách hàng cũng đã gồm thuế giá trị gia tăng. Như vậy, nếu áp dụng thu thuế với kinh doanh trên facebook, hệ thống bán lẻ sẽ bị thu thuế hai lần. Từ đó, người kinh doanh sẽ buộc phải tính toán lại giá bán, chi phí…
Trong bối cảnh hiện tại, tính tự giác kê khai thuế của người bán hàng không cao. Trong khi đó, cơ sở vật chất và nhân sự của cơ quan Thuế phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, truy thu thuế chưa theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của hoạt động thương mại điện tử hiện nay, dẫn đến tình trạng chưa thể xác định và thu thuế đầy đủ đối với việc kinh doanh qua mạng xã hội.
Do đó, biện pháp trước mắt là cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng biện pháp khuyến khích giao dịch thanh toán trực tuyến, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt nhằm giải quyết nhiều mục tiêu quản lý chung chứ không chỉ riêng quản lý thuế.
Có như vậy, đối với quản lý thuế, việc giám sát, kiểm soát được dòng tiền thông qua các tài khoản ngân hàng của người dân có thể giúp xác định chính xác hơn doanh thu kinh doanh của người bán hàng.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, kinh doanh thương mại điện tử là một trong những vấn đề mà Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như ngành Thuế rất quan tâm.
Việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không chỉ là bài toán khó đối với ngành Thuế, mà nó còn là thách thức đối với hoạt động giao dịch điện tử xuyên biên giới nói chung.
Chính vì thế, việc quản lý thuế đối với hoạt động này đã được đưa vào chương trình nghị sự nhiều phiên họp của Bộ trưởng Bộ Tài chính các nước. Việt Nam với tư cách là chủ nhà APEC năm 2017 cũng đã đưa nội dung này vào chương trình nghị sự của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC.