Xuân về trên thảo nguyên M’drắk

Thứ Sáu, 27/01/2017, 14:06
Thảo nguyên MDrắk những ngày cuối đông, cái rét “ngọt” nhè nhẹ len vào tấm áo bông của thiếu nữ và hương cây cỏ “rũ mình” tỏa ngợp không gian. Cuộc vui ngày Tết kéo dài tưởng như bất tận, cho những cuộc hẹn hò xích lại gần hơn.


Gọi mùa xuân sang từ lung linh sắc hương

Những ngày cuối đông, chúng tôi đã có một chuyến đi “dầm dề” với đại ngàn. Gió rét ào ào, những cơn mưa phùn ướt sũng con đường đất đỏ vào thôn 7 (xã Cư Króa, huyện MDrắk, tỉnh Đắk Lắk), cái thôn đi miệt mài, mải miết, hết leo đồi lại xuống núi mà cứ thăm thẳm, hun hút, vẫn chưa thấy một nóc nhà.

Chưa bao giờ nỗi mong ngóng của khách đường xa lại dài lâu đến thế, những bước chân nặng nề, lê lết với nắng gió bụi đường. Đi hết con đường, chạm mặt ngay vào chân núi mới thấy nóc nhà, thấy khói bếp thảnh thơi len lên trời xanh, hòa cùng mây ngàn.

Niềm vui rạo rực của trẻ em.

Năm nay thiên tai dịch bệnh hoành hành, thêm thời tiết khắc nghiệt nên mùa màng thất thu, “nồi cơm” của đồng bào không được đầy như mọi năm. Nhưng dù thế nào đi nữa thì cứ thu hoạch nương rẫy xong là bà con rủng rỉnh đón Tết (trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng).

Trời đất Cư Króa hễ tạnh mưa là trong xanh đến lạ. Con người như được gột rửa tấm áo nâu bạc sờn mồ hôi, ai cũng vui, ai cũng cười. Dường như khốn khó chưa từng đi ngang vùng đất này. Nhờ những trận mưa xuyên qua mùa đông mà cây cối mơn mởn tốt tươi, những vạt rừng khô cằn được khoác tấm áo xanh nõn. Dòng suối đầu nguồn có cây cầu bắc qua nước trong không một gợn bẩn. Cảnh đất trời gieo vào lòng người niềm vui phơi phới.

Một đàn trẻ con xúng xính trong bộ váy thổ cẩm mới toanh e ấp, chụm miệng liếc nhìn khách lạ. Một tốp phụ nữ váy áo sặc sỡ cũng che miệng cười, nụ cười ẩn chứa sự xốn xang, rạo rực khi Tết đến xuân về.

Trong ngôi nhà cộng đồng thôn, cánh đàn ông đang nhộn nhịp mổ lợn, giết gà để chuẩn bị cho bữa tiệc mừng vui với đất trời. Sùng Thị Vương (16 tuổi) đặt đứa con đang no giấc trên tay lên chiếc võng giữa nhà, với chiếc kèn lá cất kỹ trên nóc bếp lau chùi tỉ mỉ chuẩn bị cho vũ điệu mùa xuân đang sôi nổi khắp bản làng.

Kèn lá là món ăn tinh thần “đặc sản” luôn đồng hành với phụ nữ người Mông. Hầu như chị em nào cũng có khả năng chơi được loại nhạc cụ này. Vương cho biết, lá sử dụng làm kèn phải có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa. Những loại lá thường dùng làm kèn là nghiến, thảo quả.

Âm thanh của kèn lá chính là cảm xúc, nỗi lòng của người phụ nữ muốn biểu đạt, muốn giãi bày cho mọi người hiểu. Vì thế, chị em có câu ca rất ngọt được truyền miệng xuyên qua nhiều ngày hội: “Ở trên cành là lá/ đặt lên môi em thành lời/ lời tâm tình dịu êm/ từ trong con tim em vấn vương/ gọi mùa xuân sang từ lung linh sắc hương/ gọi tình yêu về từ lòng em say mê…”.

Ngâm xong mấy câu thơ, chợt Vương nhoẻn miệng cười, e thẹn khi nhớ đến ngày đầu tiên thổi kèn lá trong đêm hội cầu mưa. Năm ấy, Vương vừa bước qua tuổi 15, đang căng tràn sức lớn. Tiếng kèn lá du dương dưới ánh trăng mờ ảo giữa đại ngàn của Vương đã lọt vào mắt xanh của anh chồng bây giờ.

Lúa được hong phơi để đón xuân.

Hai đứa phải lòng nhau bởi điệu kèn lá réo rắt, trong ngần, tràn đầy khát vọng. Nhờ điệu kèn lá, Vương đã rũ bỏ tất cả để lấy chồng, rồi làm mẹ khi tuổi đời chưa qua hết xuân thì. Vương không hối hận, không buồn sau đêm duyên định ấy, cô lý giải rằng: “Gái lớn phải lấy chồng, ở mãi sao được. Bạn em 14 tuổi đã làm mẹ, em còn muộn đấy…”.

Nhà bên, người mẹ hai con Sùng Thị Mân (19 tuổi) ngắm vuốt bộ thổ cẩm thật lâu, để chút nữa thôi, cô sẽ hòa vào đám phụ nữ của bản, diễn tấu một bản nhạc rừng bằng kèn lá.

Để một lần ngạo nghễ với nhân gian

Mâm cơm ngày Tết đã tươm tất. Thịt lợn và bánh trái ngồn ngộn trên bàn. Tiết canh, lòng heo là món thu hút cánh đàn ông nhất, tốn nhiều rượu nhất. Những chum rượu Bắc Hà chính hiệu do đồng bào tự tay nấu, mới ngửi thôi đã say rồi. Cuộc rượu bắt đầu sau lời tuyên bố hùng hồn, mạnh mẽ của trưởng thôn.

Khách quý được yêu mến cho ngồi cùng mâm với các bậc bô lão, chức sắc của bản và cũng vì tình nghĩa sâu đậm mà những li rượu không lúc nào vơi. Già làng cho biết, rượu ngô Bắc Hà thôn 7 không thua kém gì Bắc Hà Bản Phố (Lào Cai). Đồng bào khi di cư vào Tây Nguyên đã mang cả phong vị của núi rừng Tây Bắc theo.

Ngẫu hứng, già đọc luôn câu thơ: “Khi vào nhớ dốc Trung Đô/ khi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà”. Loại ngô làm rượu phải là ngô nếp, hạt thơm chắc. Hồn vị làm nên thức uống hảo hạng này chính là men làm từ hạt hồng mi (cùng loại với kê). Vì ở Tây Nguyên ít trồng được loại hạt đó nên phải nấu bằng men khác, nhưng vẫn không mất đi chất đặc biệt riêng có của Bắc Hà Bản Phố.

Không khí đón Tết ở thôn heo hút mù khơi trên thảo nguyên MDrắk này như được khoác tấm áo mới, để một lần ngạo nghễ với nhân gian. Chiều chạng vạng, gió rừng thổi mỗi lúc một mạnh, xa xa, đàn chim trời vội vã bay về tổ ấm. Và ở đây, cuộc vui chỉ mới bắt đầu. Ngày mai, ngày kia và những ngày sau nữa, lời ca tiếng hát cùng chén rượu mừng xuân vẫn tiếp diễn, mặc cho đất trời xoay vần, đổi cực.

Ngọc Thiện
.
.
.