“Thảo nguyên xanh tươi” ở bãi giữa sông Hồng

Chủ Nhật, 19/04/2009, 10:27

Bộ phim tài liệu"Thảo nguyên xanh tươi" là bộ phim cộng đồng duy nhất tham gia Liên hoan phim thế giới người Việt năm nay diễn ra vào ngày 11/4/2009. Đó là một câu chuyện đầy trong sáng và cảm động kể về cuộc sống của người dân xóm nổi ở bãi giữa sông Hồng do chính những em nhỏ ở đây thực hiện.

"Khi nhắc tới bãi giữa sông Hồng dưới chân cầu Long Biên, những người trên phố chỉ nghĩ tới rác thải và cho rằng dân ở đó toàn là trộm cắp, nhưng sự thật không phải thế…" - đó là câu mở đầu của bộ phim tài liệu dài hơn 40 phút "Thảo nguyên xanh tươi".

Cuộc đời của tôi - cách nhìn của tôi

Nhiều năm nay xóm ngụ cư ở bãi giữa với 20 hộ gia đình vẫn được cho là nơi bần cùng nhất Hà Nội. Không đất đai, không của cải, họ sống trong những ngôi nhà nổi xập xệ nơi bãi giữa nghèo khó, bằng lòng với thứ nước sinh hoạt đục ngầu lấy từ sông Hồng và một cuộc sống tăm tối triền miên vì thiếu điện.

20 hộ gia đình đến từ nhiều vùng quê khác nhau với nhiều số phận khác nhau nhưng đều không có đất đai, của cải. Họ vừa phải trầy trật nhặt rác kiếm ăn qua ngày, vừa phải phập phồng lo sợ bị xua đuổi, bắt bớ. Phần lớn người dân ở đây đều không có hộ khẩu hay các loại giấy tờ tùy thân nên chẳng bao giờ có được sự ưu tiên của xã hội dành cho người nghèo. Ngay cả việc tìm một việc làm phổ thông ổn định với họ cũng là điều xa xỉ.

Trẻ em bãi giữa lớn lên, mang trong mình những thiệt thòi của số phận chẳng có cơ hội đi học ở những trường học bình thường như bao trẻ em cùng trang lứa. Việc học phập phù ở những lớp học tình thương chẳng đem lại cho chúng cơ hội để thay đổi cuộc đời.

Xã hội đã quen với việc dành cho cộng đồng này một cái nhìn kỳ thị phân biệt. Người ta luôn nghĩ rằng ở bãi giữa chỉ có rác rưởi, ma túy và si đa; rằng những người dân bãi đều là dân côn đồ, trộm cắp. Người dân xóm nổi vì thế ngày càng thu mình hơn vào cộng đồng bé nhỏ của mình bên cạnh dòng sông Hồng và cây cầu Long Biên già cỗi.

Với sự hướng dẫn và hỗ trợ về kỹ thuật của dự án "My life my view" (Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi), 7 em nhỏ bãi giữa tự làm kịch bản, quay phim, viết và đọc lời bình cho "Thảo nguyên xanh tươi" để kể về cuộc sống của chính các em và gia đình của mình. Đây là cơ hội đầu tiên để những người dân nghèo dưới chân cầu Long Biên có thể nói lên tiếng nói của bản thân, với một khao khát cháy bỏng có thể thay đổi cái nhìn của xã hội về bãi giữa sông Hồng.

Khi Phan Ý Ly, tác giả của dự án "My life my view" hỏi: "Các em muốn làm một bộ phim như thế nào về cuộc sống của mình"? Những đứa trẻ xóm nổi đã nói rằng: "Đó sẽ là một bộ phim chỉ sự thật. Dưới chân cầu Long Biên không chỉ là rác thải và trộm cắp…".

Trong hơn 3 tháng, với một chiếc máy quay Sony HDR - HC1E, những hình ảnh chân thực, sống động nhất về cuộc sống ở bãi giữa đã được các em nhỏ ghi lại, mà không bị can thiệp bởi bất cứ một kỹ xảo hay một thiết bị âm thanh, ánh sáng nào.

Những em nhỏ tham gia dự án phim.

Không có cốt truyện, không có kịch bản cụ thể,  "Thảo nguyên xanh tươi" chỉ như là một câu chuyện không đầu, không cuối của những đứa trẻ về thế giới nhỏ bé của mình, với những trải nghiệm lạ lùng nhìn qua lăng kính trẻ nhỏ. Đó là người bố nặng nề chở những bao rác đi dưới cái nắng chói chang trên cầu Long Biên, là người mẹ âu yếm cất tiếng ru con bên bờ sông Hồng, là nỗi lo cơm áo gạo tiền hiện lên trong đôi mắt lo âu của người lớn, hay nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ.

Với những trẻ em bãi giữa, "cuộc sống nơi đây tuy nghèo nhưng không thiếu tình thương". Ở đây, mỗi dịp sinh nhật của trẻ nhỏ, những đồng tiền lẻ góp nhặt từ những lần đi nhặt rác được dùng để mua một chiếc bánh gatô và vài cây nến. Đó là một trong những thói quen xa xỉ nhất của xóm nổi nghèo khó, vì trong suy nghĩ của họ "sinh nhật sẽ chẳng là gì nếu không có nến và bánh gatô". Mỗi dịp hiếm hoi như thế, cả xóm lại ngồi quây quần và cùng mơ ước về một cuộc sống hạnh phúc.

Hạnh phúc của họ cũng thật giản dị và đơn thuần. Nó đôi khi chỉ là việc nằm dài trên cầu Long Biên vào ban đêm, cảm nhận sự run rẩy của cây cầu mỗi khi có đoàn tàu chạy qua. Đôi khi chỉ một dòng nước sạch lấy từ giếng khoan, một cốc nước đá uống trong buổi tối mùa hè ngột ngạt, hay một miếng bánh ngọt tan chảy nơi đầu lưỡi cũng đủ làm cho những người dân xóm nổi nở nụ cười.

Tất cả những mẩu vụn vặt của cuộc sống  ở bãi giữa đều được 7 em nhỏ đưa vào "Thảo nguyên xanh tươi". Ước mơ của các em chỉ là "mình muốn các bạn nhà giàu thay đổi suy nghĩ về bọn mình. Mình không muốn bị các bạn coi thường đâu. Mình cũng như các bạn thôi, chỉ có điều mình là con nhà nghèo".

Không phải để ôn nghèo kể khổ hay để tìm kiếm sự thương hại, trẻ em bãi giữa đã dùng bộ phim này để truyền đạt một hình ảnh khác về cuộc sống ở xóm nổi: "Nhà mình ở bãi giữa sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên, xung quanh là bãi ngô bãi sắn và con sông Hồng chảy nặng phù sa. Có những đồng cỏ xanh mướt như trên thảo nguyên xanh tươi. Đây là nơi đẹp nhất Hà Nội". Đó cũng chính là thông điệp của bộ phim đầy trong trẻo này.

Cơ hội nào cho người dân bãi giữa?

Khi thực hiện dự án này, cô gái trẻ Phan Ý Ly nói rằng: "Cuộc sống bị xã hội phân biệt đối xử đã khiến những người dân bãi giữa lúc nào cũng có cái vẻ khúm núm, sợ sệt, thiếu lòng tin vào bản thân. Tôi muốn thay đổi điều đó. Tôi không dạy các em cách để quay một bộ phim thế nào cho hay, cho đẹp. Tôi chỉ dạy các em cách tin vào khả năng của bản thân mình, giúp chúng nhận ra rằng tương lai thuộc về người biết ước mơ". 

Giao cho những đứa trẻ giữ một cái máy quay đắt tiền trong suốt thời gian thực hiện bộ phim, thay vì bảo với bọn trẻ đây là một món đồ đắt giá, Phan Ý Ly nói rằng đó là một người bạn, một kỷ vật cần được yêu thương. Không ít người nghi ngại, thậm chí cho đó là "một việc làm tham vọng, một ý tưởng điên rồ". Nhưng Phan Ý Ly tin là mình đã đặt niềm tin đúng chỗ, vì những em nhỏ bãi giữa đã gọi chiếc máy quay bằng cái tên Wendy một cách đầy yêu thương và nói rằng Wendy là "bảo bối của tương lai". Lòng tin của cô là món quà khích lệ với những đứa trẻ xóm nổi. Và món quà mà các em nhỏ đã tặng lại Phan Ý Ly là một bộ phim thành công đến ngoài cả sự mong đợi của cô.

Bộ Văn hóa Thông tin đã chấm cho "Thảo nguyên xanh tươi" 8,5/10 về điểm nghệ thuật, cho công chiếu bộ phim ở các rạp lớn, nhiều trường đại học và các tổ chức phi chính phủ. Bộ phim cũng được Liên hợp quốc chọn để chiếu trong liên hoan phim quốc tế của UNICEF… Gần đây nhất, phim là đại diện của điện ảnh trong nước tham gia Liên hoan phim thế giới người Việt ViFF lần thứ 4 diễn ra vào ngày 11/4/2009.

Nhưng cái thành công lớn nhất là bộ phim đã cho những người dân bãi giữa một cơ hội thực sự để ngẩng cao đầu, để thay đổi định kiến của cả xã hội. Ngày công chiếu bộ phim, tất cả những người dân bãi giữa đều được mời đến và ngồi ở vị trí khách mời danh dự, xúc động nghẹn ngào khi thấy những hình ảnh của mình đang được nhiều người theo dõi, tán thưởng. Những tác giả nhí của bộ phim đã mạnh dạn dành cả vé mời xem phim cho những người xa lạ, để "các cô, các bác sẽ không còn ghét bọn em nữa".

Lần đầu tiên những người dân bãi giữa nói về nơi mình sống tự hào và yêu thương như thế. Cộng đồng nhỏ nơi bãi giữa đã không còn vô hình nữa mà được cả xã hội quan tâm. Những đứa trẻ xóm nổi mỗi khi đi vào chợ Đồng Xuân không còn phải chịu những ánh mắt e dè, ác cảm mà được các bà các cô bán hàng quan tâm, hỏi han. Họ không còn xì xào "bọn trộm cắp đấy", mà họ nói "những đứa trẻ làm phim đấy". Một sinh viên đại học, một nhà khoa học, hay một anh tài xế taxi cũng có thể biết đến "Thảo nguyên xanh tươi" và những tác giả nhí làm ra nó.

Bộ phim cũng mở ra cho những em nhỏ sống ở bãi giữa sông Hồng một cơ hội để thay đổi cuộc đời. Koto - một tổ chức phi chính phủ có uy tín đã nhận hỗ trợ đào tạo Nguyễn Thị Tâm (một trong 7 tác giả nhí của "Thảo nguyên xanh tươi") trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Cơ hội đó cũng được Koto để ngỏ cho tất cả những đứa trẻ bãi giữa khác khi các em bước sang tuổi 16.

Tương lai còn rất xa vời với người dân bãi giữa, vì sự tồn tại của họ vẫn chưa được sự thừa nhận của pháp luật. Nhưng hi vọng vào một sự đổi thay sẽ là sức mạnh khiến người dân bãi giữa vẫn giữ được nụ cười trong nghèo khó

Lan Hương
.
.
.