Xót xa "cuộc chiến" mồ mả ở những ngôi làng ven đô

Thứ Hai, 08/08/2016, 17:16
Nhiều năm nay, tại phường Phúc Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội) đang diễn ra “cuộc chiến” giữa chính quyền địa phương và nhân dân trong việc chôn cất người thân đã mất. Nhiều người dân cho rằng, chính quyền đã “bắt tay” với doanh nghiệp thu hồi đất khiến họ không có đất chôn người thân quá cố.

Tuy nhiên, khi được hỏi thì chính quyền cũng đưa ra những lý lẽ riêng của họ. Chính vì sự không đồng thuận này đã khiến “cuộc chiến mồ mả” kéo dài suốt nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Quyết giữ nghĩa trang đến cùng

Chuyện chôn cất người thân qua đời nhiều năm nay ở phường Phúc Đồng là vấn đề nóng bỏng. Một số người dân cho rằng, các dự án đã lấy đi đất sản xuất nhưng không bớt cho họ số đất ít ỏi dùng làm chỗ chôn cất cho người thân qua đời.

Những câu chuyện chúng tôi được người dân kể lại thì đúng là họ đã rơi vào cảnh đường cùng. Khi mà những đám ma ở phường này nhiều năm đã bị “thâu tóm”. Gần đây nhất là đám tang cụ Nguyễn Trọng Cán, người dân làng Sài Đồng đã diễn ra trong “hỗn chiến”.

Hình ảnh ghi lại một lần người dân xảy ra va chạm.

Đám tang cụ có hàng nghìn người đưa tiễn từ các làng khác nhau như Mai Phúc, Tân Thụy. Họ đến không chỉ vì lòng tiếc thương người đã khuất mà còn đến để bảo vệ việc chôn cất được an toàn.

Người ta bảo, khi cụ Cán mất, chính quyền địa phương đã đến tận gia đình để vận động hỏa táng cho gọn nhẹ, không nên chôn vào khu đất thuộc dự án. Khi ấy con trai ông Cán là anh Nguyễn Trọng Đại vật vã khóc xin với chính quyền để cha mình được chôn cất tại nghĩa trang của làng theo ý nguyện.

Chiều hôm đó, con cháu cụ Cán ra khu vực nghĩa trang của làng đào huyệt, đêm đến có một toán người nào đó đến lấp huyệt, ngăn cản tang gia chôn cất tại đây.

Bức xúc trước chuyện này, người dân Sài Đồng và một số dân khu vực làng Mai Phúc kéo nhau ra giành lại huyệt mộ. Hai bên xảy ra “chiến tranh” rất căng thẳng, cuối cùng cụ Cán cũng được chôn cất tại nghĩa trang của làng.

Ông Hoàng Văn Nhạn, 80 tuổi (người phường Phúc Đồng) nói: “Chúng tôi chôn cất người thân ở nghĩa địa của làng mà như phải đi chôn chui, đi ăn cắp vậy. Mỗi bận gia đình nào có người thân mất là chúng tôi phải phát loa, dùng xập xèng gõ khắp nơi để già trẻ lớn bé ra đồng mở lối vào nghĩa trang”.

Cuộc chiến “chôn cất” người thân diễn ra nhiều năm nay lan từ Sài Đồng sang đến Mai Phúc, Tân Thụy. Cách đây 2 năm, chuyện bi hài lại xảy ra ở một đám tang của một thanh niên trẻ tuổi của làng Mai Phúc. Được vận động của chính quyền địa phương, gia đình đã đồng ý đi hỏa táng, tuy nhiên mang tro cốt về cũng không được mang ra nghĩa trang vì đã đóng cửa để làm dự án. Gia đình người đã rất bức xúc, mang hài cốt diễu khắp nơi, quốc lộ 5 tắc nghẽn cả chục kilomet.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã kết hợp với doanh nghiệp xây dựng một nghĩa trang mới để phục vụ việc chôn cất người quá cố ở Phúc Đồng.

Tuy nhiên dân làng không ai chịu đưa người thân đã qua đời của mình đến đó chôn cất vì cho rằng nghĩa trang gần khu vực dân cư đang sinh sống, gây ảnh hưởng đến môi trường.

ông Nhạn bức xúc trước việc các dự án lấy mất đất nghĩa trang của làng.

Hơn nữa, về mặt tâm linh, nhiều người cho rằng nghĩa trang cũ vốn đã tồn tại cách đây vài trăm năm, nơi ấy có ông bà tổ tiên của họ. Điều đó đồng nghĩa với việc người mới mất sẽ không cảm thấy cô đơn.

Gần đây, cơ quan tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước cũng đã có văn bản chuyển các ý kiến của nhân dân phường Phúc Đồng đến UBND TP Hà Nội về quyết định của UBND quận Long Biên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống, nguồn nước sinh hoạt của các hộ dân.

Ông Hoàng Văn Nhạn, người đứng ra tập hợp những bô lão đòi công lý cho dân làng bức xúc: “Chúng tôi là những người bỏ cả cuộc đời cống hiến, bảo vệ mảnh đất này, hà cớ gì khi về già muốn có một nơi yên nghỉ cũng không xong. Chúng tôi sẵn sàng nhường đất, kể cả đất nghĩa trang nhưng chính quyền cần phải có những biện pháp hợp lý, nơi chôn cất hợp lý”.

Trong cuốn sổ của ông Nhạn đưa cho chúng tôi xem có tới hàng nghìn chữ ký tập hợp của người dân kiên quyết không chịu di dời nghĩa trang sang chỗ mới.

Một số dòng họ lớn trong làng còn ban hẳn quy ước, nếu trường hợp nào không có ý thức giữ gìn nơi an nghỉ ông bà tổ tiên sẽ phải chịu những hình thức kỷ luật nặng.

Ví dụ như dòng họ Hoàng Lưu quy ước: Nếu gia đình nào trong họ vi phạm sẽ bị tất cả các thành viên trong họ trục xuất. Quy ước có hiệu lực từ ngày 10/10/2013.

"Cuộc chiến" chưa hồi kết

Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Trần Phú, Chủ tịch UBND phường Phúc Đồng về vấn đề này.

- Thưa ông, có phải trên địa bàn phường đang xảy ra mâu thuẫn rất căng thẳng trong việc chôn cất người đã mất?

+ Đúng vậy, sự việc này diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn phường Phúc Đồng. Đây là vấn đề rất nóng mà chúng tôi vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.

- Việc một số người dân nơi đây khi có người thân qua đời đã đào huyệt nhưng sau đó lại bị cán bộ phường cho người ra lấp có không?

+ Chuyện này là có. Bản thân tôi ra quyết định phục hồi hiện trạng đất (lấp) 4 cái. Trước đó phường đã thông tin cho bà con mốc giới, chỉ giới, mời tiểu ban quản lý nghĩa trang, đại diện các hộ dân, bí thư, tổ trưởng tổ dân phố… ra nghĩa trang cùng xác định vị trí những ngôi mộ nào trong phạm vi phải di chuyển.

Và khu vực nào bà con không thể tiếp tục chôn cất người thân quá cố vì nó ảnh hưởng đến dự án. Đối với những ngôi mộ ở phía trong, không ảnh hưởng gì đến dự án thì vẫn giữ nguyên, thậm chí bà con vẫn có thể đem người quá cố vào đó chôn được bình thường. Việc này doanh nghiệp buộc phải chấp nhận.

Nhưng đối với phần lòng đường hiện đang còn đất trống thì không được phép chôn tươi. Ở vị trí này hiện có 69 ngôi mộ nhưng năm vừa rồi đã di dời được 6 ngôi do cải cát.

- Chính quyền có nghĩa trang mới thay thế nghĩa trang cũ không?

+ Doanh nghiệp đã xây một nghĩa trang mới tuy chưa thực sự hoàn thiện nhưng hiện đã có 24 bể huyệt chờ. Tuy nhiên nhiều bà con không ưng địa điểm mới và nhất định không chịu chôn cất người thân quá cố ở nơi mới này.

- Theo bà con phản ánh, chuyện xây dựng nghĩa trang mới lãnh đạo phường không hề họp trước với nhân dân. Chuyện này có thật không thưa ông?

+ Phản ánh đó là không đúng. Trước khi xây dựng nghĩa trang mới đã diễn ra rất nhiều cuộc họp, trực tiếp đồng chí Chủ tịch quận xuống đây tiếp bà con nhân dân. Đương nhiên cái bà con mong muốn nó không phải chỉ có bây giờ mà từ rất xa xưa rồi.

Trước đó, bà con vẫn nghĩ tuyến đường mới này chỉ phục vụ lợi ích riêng của doanh nghiệp nhưng thực tế quyết định của Thủ tướng Chính phủ mở rộng, xây dựng tuyến đường số 4 từ xã Tân Linh qua đê sông Đuống để nối vào đường 1 đã là đường quốc gia rồi. Thực tế đã có quyết định thu hồi đất của thành phố, đầy đủ về thủ tục pháp lý.

- Theo phản ánh bà con nơi đây, đã có trường hợp nhà bà Minh, mộ đã chôn xuống, đang ốp gạch thì chính lãnh đạo của phường đến phá, điều này có thật hay không?

+ Tôi phải chia sẻ một điều thế này, ở đây rất nhiều người dân muốn ủng hộ chính quyền, đem người thân quá cố ra chôn cất tại nghĩa trang mới nhưng vấp phải sự phản đối của một số đối tượng quá khích. Nếu gia đình nào đó làm theo sự hướng dẫn của chính quyền thì rất có thể sẽ bị khai trừ ra khỏi dòng họ, thôn xóm.

Rất nhiều người dân đã ký vào đơn phản đối việc chôn cất tại nghĩa trang mới.

Bất cứ một gia đình nào có người thân vừa nằm xuống thì tổ công tác của phường sẽ đi tới nhà gia chủ để tuyên truyền, một là chôn vào nơi mà phường đã có sự chuẩn bị, hai là chôn vào phía trong của nghĩa trang cũ không ảnh hưởng đến lòng đường đang làm.

Quay trở lại trường hợp nhà bà Minh, em gái bà Minh qua đời đã được hỏa táng nhưng khi đưa về, hài cốt ấy lại được đem chôn tại vị trí chôn tươi.

Tuy nhiên, việc làm này hoàn toàn không phải do nhà bà Minh cố tình ngoan cố mà do phải chịu sức ép từ dân làng và một số thành phần quá khích. Bởi trước đó gia đình bà Minh đã đồng thuận với chính quyền để chọn một nơi chôn khô hợp lý.

Thế nhưng, khi chiếc xe chở hài cốt em gái bà Minh được đưa từ Văn Điển về thì nhiều người đã đón sẵn và đưa thẳng tới nơi chôn tươi phía dưới lòng đường của dự án. Thậm chí, họ còn góp tiền mua gạch, xi măng để xây cố định. Chính vì thế chính quyền buộc phải gỡ bỏ những viên gạch đó.

- Những trường hợp người dân phản kháng với chính quyền và doanh nghiệp có xảy ra nhiều không?

+ Ở đây đã từng xảy ra trường hợp gia đình cùng với chính quyền đã lựa chọn nơi chôn cất cho thân nhân quá cố. Vậy mà trong lúc đang làm lễ an táng cho người đã mất thì một số thành phần đã xông vào “cướp” quan tài. Chiếc quan tài bị giằng co giữa hai bên gia đình và những người phản đối.

Cũng có những trường hợp huyệt mộ đã định sẵn ở một nơi hợp lý, mọi chuyện tưởng đã ổn nhưng bất ngờ những người đẩy xe tang lại đẩy thẳng ra lòng đường của dự án và để quan tài xuống đó rồi lấy tay cào đất đắp lên. Có những cỗ quan tài còn chưa được lấp đầy mặt trên nhìn xót xa lắm.

- Xin ông cho biết chính quyền địa phương đã có những biện pháp gì để vận động nhân dân?

+ Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp với các vị đại diện người cao tuổi của phường, các tổ trưởng tổ dân phố… để tuyên truyền, vận động bà con. Thực sự là nhiều người cũng đã thông về tư tưởng nhưng lại không thể thuyết phục được những thành phần quá khích nên “cuộc chiến” này vẫn chưa có hồi kết.

- Xin cảm ơn ông!

Phong Anh
.
.
.