Xây dựng nhà giàn và dùng máy bay không người lái để chống "cát tặc"

Thứ Bảy, 27/04/2019, 15:31
Theo lãnh đạo TP HCM, các quy định pháp luật hiện nay còn thiếu chặt chẽ. Quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn chưa đủ sức răn đe, từ đó dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn Thành phố xảy ra ngày càng nhiều, diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống người dân và công tác quản lý, bảo vệ nguồn cát xây dựng, cát san lấp trên địa bàn Thành phố.


Khai thác, kinh doanh cát trái phép siêu lợi nhuận

Ngày 24-4-2019, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên sông, Tổ công tác của Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng (Biên phòng cửa khẩu cảng TP Hồ Chí Minh, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh) đã phát hiện có 8 đối tượng ở trên phương tiện ghe gỗ không mang biển kiểm soát, gắn sào máy "bạch tuộc", đang khai thác cát trái phép ở khu vực ngã ba Bạch Chèo và sông Đồng Nai, thuộc xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Phương tiện khai thác cát trái phép bị Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng tạm giữ.

Khi phát hiện tổ tuần tra, các đối tượng trên phương tiện đã điều khiển ghe gỗ bỏ chạy vào rạch Bạch Chèo, đồng thời ngăn cản ca nô của lực lượng Biên phòng tiếp cận phương tiện. Ngoài ra, khi Tổ công tác khống chế các đối tượng, không cho chúng nhấn chìm ghe nhằm phi tang tang vật, chúng đã lợi dụng đêm tối nhảy xuống sông tẩu thoát. Tổ công tác đã đưa phương tiện về đơn vị, lập biên bản vụ việc và tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó 10 ngày, lúc 2h30 ngày 14-4-2019, tại khu vực sông Đồng Nai thuộc địa phận phường Long Phước, quận 9, Tổ công tác Trạm Cảnh sát đường thủy Cát Lái thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an TP Hồ Chí Minh, đang tuần tra kiểm soát, phát hiện có hai phương tiện đang bơm hút cát trái phép.

Trong đó, tàu mang biển kiểm soát LA - 02318 do Bùi Thái Nhương (SN 1983, ngụ Bến Tre) trực tiếp điều khiển, đang hút cát trái phép lên tàu LA - 01416 (trọng tải 99 tấn) do Trần Văn Tú (SN 1989, ngụ Tiền Giang) điều khiển. Tại thời điểm bắt giữ, trên tàu có 10m3 cát đã bơm trực tiếp từ sông Đồng Nai lên.

Ngoài đối tượng Nhương và Tú, Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, bàn giao 5 người khác tham gia bơm hút cát trái phép. Đồng thời, giao lại hai tàu cát và các thiết bị liên quan cho Công an phường Long Phước, quận 9 tiếp tục xử lý theo quy định.

Trên địa phận biển Cần Giờ, ngày 7-4, trong lúc thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển, Tổ công tác của Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh cùng các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Cần Thạnh cũng đã phát hiện bốn phương tiện do các đối tượng người Nam Định và Bà Rịa-Vũng Tàu làm thuyền trưởng đang khai thác cát trái phép.

Vào thời điểm bị kiểm tra, bốn sà lan đang chứa tổng cộng khoảng 800m3 cát và được trang bị hàng chục máy hút cát với công suất lớn, có thể khai thác trên 100m3 cát mỗi giờ…

Cần xác định là hành vi trộm cắp tài sản để xử lý hình sự

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, không loại trừ có tiêu cực trong việc quản lý, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu là ở huyện Cần Giờ.

Một phương tiện khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ bị Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh tạm giữ (Ảnh Đức Thắng).

Ông Lê Anh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho rằng tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2018 đã ở mức báo động.

Nhiều trường hợp liều lĩnh tổ chức khai thác có quy mô, diễn ra rầm rộ, nhất là vào ban đêm với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm né tránh cơ quan chức năng. Trong giai đoạn này, Cần Giờ đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Thống kê cho thấy vi phạm khai thác cát trong năm 2017 - 2018 tăng gấp 3 lần so với năm 2015 - 2016.

Theo ông Lê Anh Dũng, một trong những khó khăn khi xử lý "cát tặc" là do quy định chỉ tịch thu phương tiện đối với trường hợp khai thác cát trái phép từ 50m3 trở lên.

Người vi phạm khi bị phát hiện thường bỏ chạy, xả cát xuống biển tẩu tán tang vật, tránh bị tịch thu phương tiện. Ngoài ra, Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng chưa quy định tịch thu phương tiện vi phạm đối với người thuê phương tiện dưới danh nghĩa chở hàng hoặc thực hiện dự án.

Mặt khác, các đơn vị kiểm tra thường bị "cát tặc" theo dõi nên khi kiểm tra phải thuê phương tiện của ngư dân, vừa bị động vừa tốn kém. Chưa kể có nhiều đối tượng manh động sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi kiểm tra. Điển hình như Đồn Biên phòng Cần Thạnh gần đây khi phối hợp kiểm tra đã gặp phải ba vụ chống đối của "cát tặc"...

Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh cho biết trong giai đoạn 2015 - 2018, cơ quan đã xử lý 151 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép. Trong đó, năm 2018, đơn vị phát hiện, bắt giữ 46 vụ, với 75 phương tiện khai thác, vận chuyển cát trái phép, xử phạt vi phạm hành chính 45 vụ/74 đương sự, với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng, tịch thu 12.296m3; 4 phương tiện ghe gỗ (vô chủ)… Mới nhất, trong quý I/2019, phát hiện 6 trường hợp vận chuyển, khai thác cát trái phép và đã xử lý 5 trường hợp với tổng số tiền hơn 157 triệu đồng.

Cũng theo Đại tá Tô Danh Út, hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép chủ yếu diễn ra vào ban đêm, triệt để lợi dụng sự bất lợi về thời tiết trên biển; chúng cử lực lượng cảnh giới, theo dõi tại các khu vực bến, bãi triển khai lực lượng, phương tiện của lực lượng chức năng để thông báo cho các đối tượng, phương tiện lẩn trốn vào các kênh rạch hoặc di chuyển qua các địa bàn tiếp giáp với các tỉnh.

Ngoài hành vi chống đối, các đối tượng còn lách luật khi cùng một phương tiện, sử dụng nhiều đối tượng khác nhau để khai thác cát trái phép đối phó với hành vi tái phạm; các đối tượng vi phạm là người làm thuê hoặc thường sử dụng phương tiện thuê của người khác, nên rất khó khăn cho việc xử lý…

Đáng nói, Thiếu tướng Phan Anh Minh còn cho biết có thực trạng mất cân đối giữa nguồn cung cấp vật liệu cát và nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng. Đặc biệt, phần lớn các dự án xây dựng ở TP Hồ Chí Minh, kể cả những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước như cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng sử dụng cát trái phép.

Thống kê cho thấy sản lượng cát xây dựng của thành phố hiện chỉ hơn 41 triệu mét khối, cát san lấp trên 35 triệu mét khối. Với sản lượng cát dự trữ hiện nay, chỉ trong vòng 2 năm tới, riêng TP Hồ Chí Minh sẽ sử dụng hết cát của khu vực phía Nam…

Do đó, để xử lý nghiêm nạn "cát tặc", Thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng quy định hiện nay bắt quả tang trên sông, biển, rồi mới xử lý khiến cho công tác đấu tranh chống "cát tặc" thêm khó khăn và nguy hiểm cho các lực lượng chức năng và đối tượng khai thác cát.

Vì thế, giải pháp cấp thiết là khi các phương tiện này neo đậu, lực lượng chức năng chỉ cần kiểm soát bằng các thiết bị giám sát hành trình, khi những phương tiện này di chuyển đi đâu, khai thác cát ở chỗ nào, vận chuyển vào bờ ở khu vực nào, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra ở vị trí đó. Nếu không có các giấy tờ khai thác hợp pháp sẽ bị xử lý theo quy định.

Ngoài ra, theo kiến nghị của Đại tá Tô Danh Út, cần tăng mức phạt tiền đối với hành vi khai thác cát trái phép và phân cấp thành nhiều mức phạt khác nhau. Đặc biệt, cần xác định hành vi khai thác khoáng sản trái phép là hành vi trộm, cắp tài sản để xử lý hình sự, nhằm tăng tính răn đe.

Một phương tiện bị "cát tặc" tự đánh chìm đang được Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh trục vớt (Ảnh Đức Thắng).

Đề cập thẳng đến lý do việc xử lý "cát tặc" chưa hiệu quả, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng dường như các lực lượng chưa nắm đúng quy luật của các đối tượng khai thác cát trái phép nên việc xử lý chưa đạt kết quả như mong đợi.

Một trong những giải pháp đề xuất được Bí thư Thành ủy ủng hộ - đó là sớm xây chốt kiểm soát dạng nhà giàn nhỏ ngoài biển Cần Giờ. Chốt này vừa có chức năng bảo vệ an ninh quốc phòng vừa phát hiện ngăn chặn "cát tặc". Việc xây chốt này, theo ông Nhân là không quá khó khăn và cơ quan chức năng nên phối hợp với UBND huyện Cần Giờ tiến hành xây dựng.

Trong thời gian chờ xây chốt, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh và các lực lượng khác cần sử dụng các phương tiện, thiết bị hiện đại, như dùng tàu mới nhận, máy bay không người lái có gắn camera quan sát được ban đêm để theo dõi chính xác vị trí tàu hút cát trái phép vừa bớt công sức, hiệu quả hơn.

Đồng thời, lập những chốt canh gác di động trên biển Cần Giờ. Ở trên bờ, các địa phương cần xử lý nghiêm, dẹp những điểm kinh doanh, điểm tập kết vật liệu xây dựng không có giấy phép cũng như phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương lân cận phòng chống, xử lý nghiêm tận gốc tình trạng khai thác, kinh doanh cát lậu.

Phú Lữ - Hồng Nhung
.
.
.