Vụ cậu bé chơi đàn ở phố đi bộ: Hãy thượng tôn pháp luật

Thứ Hai, 14/08/2017, 11:06
Thượng tôn pháp luật là tinh thần chủ đạo của một xã hội dân chủ, văn minh. Mọi người dân trong cộng đồng đều phải nêu cao ý thức thượng tôn pháp luật, lấy luật pháp làm thước đo cho mọi hành vi ứng xử của mình.


Một khi chúng ta còn cảm tính, còn để những cảm xúc nhất thời mang tính cá nhân lôi kéo, mà quên đi những nguyên tắc cần tôn trọng, chúng ta đã tự trở thành những người sống không đề cao luật pháp, quên đi tinh thần thượng tôn đối với luật pháp. 

Sự việc cậu bé chơi đàn ở phố đi bộ là một ví dụ cho thấy, chúng ta đã quá nôn nóng, mất bình tĩnh trước một sự việc nhỏ. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, nếu chúng ta chưa thẩm định đúng sai rõ ràng mà đã vội lên tiếng…

Đưa thông tin lên mạng xã hội: cần trung thực

Chưa bao giờ mạng xã hội có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới cộng đồng như lúc này. Hãy nhìn vào những câu chuyện gần nhất, như vụ xả thải bức tử môi trường biển Formosa đến vụ người dân phản đối chính quyền ở Đồng Tâm, hay gần đây nhất là vụ người dân bức xúc vì sự tắc trách của lãnh đạo phường Văn Miếu trong việc cấp giấy chứng tử… có thể nhận thấy mạng xã hội đã góp phần thay đổi hành vi của từng cá nhân, tổ chức, người dân và lãnh đạo lớn như thế nào. 

Khi một câu chuyện, một sự việc, một vấn đề xảy ra được đưa lên mạng xã hội, tùy tính chất, mức độ mà sự tương tác, phản hồi của cư dân thờ ơ hay quyết liệt. Những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh bao giờ cũng được quan tâm hàng đầu. 

Có thể nói, mọi thành phần trong xã hội hôm nay không ai thờ ơ với mạng xã hội nữa. Họ hiểu rằng, đây là một phương tiện để họ tương tác với cộng đồng. Khi cần lên tiếng trước một vấn đề gì đó, mạng xã hội sẽ giúp họ kết nối với mọi người, tranh thủ ư kiến, sự ủng hộ của mọi người. 

Nhưng mặt khác, có không ít người lợi dụng mạng xã hội để đưa ra những thông tin thiếu chính xác, minh bạch, nhằm làm sai lệch sự đánh giá của đám đông. Khi hồ đồ như vậy họ không biết rằng, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi. Nếu thông tin sai và cộng đồng hiểu ra điều đó, người hứng búa rìu dư luận lại chính là họ, chứ không phải ai khác.

Ảnh minh họa.

Vấn đề đầu tiên của tinh thần thượng tôn pháp luật là phải trung thực trong thông tin. Quay lại câu chuyện cậu bé chơi đàn trên tuyến phố đi bộ vừa gây bão trên mạng xã hội và truyền thông, vì sao mẹ của cậu bé phải đưa ra lời xin lỗi lực lượng chức năng, ở đây là Công an quận Hoàn Kiếm? 

Bởi vì thông tin của chị đưa ra là không chính xác, không trung thực. Người mẹ vì quá thương con, muốn bảo vệ con, đã vội vã viết những dòng trên trang cá nhân với những thông tin đưa ra gây bức xúc cho cộng đồng mạng, trong khi chị không trực tiếp có mặt chứng kiến câu chuyện đó. 

Những thông tin sai lệch khiến cho dư luận dồn mọi bức xúc về phía các lực lượng chức năng. Những comment trên mạng xã hội nặng nề nhằm vào những người làm nhiệm vụ bảo vệ, giám sát các hoạt động của người dân trên tuyến phố đi bộ dẫn đến cái nhìn thiếu thiện cảm của nhân dân với cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều này là rất không hay, rất phản cảm và đáng bị lên án. 

Tuy nhiên, gia đình cậu bé, đặc biệt là người mẹ đã nhanh chóng nhìn ra cái sai, cái thiên kiến của mình để đưa ra lời xin lỗi kịp thời trên mạng xã hội. Đây là một ví dụ để mọi người nhìn vào và suy ngẫm, rằng trước khi đưa một thông tin trên mạng, dù là trang cá nhân của mình, cần phải có một sự suy xét kỹ càng, kiểm chứng thông tin chính xác. Làm sao những thông tin được đưa lên phải là những thông tin trung thực nhất, không thêm bớt theo cảm tính hay sự bức xúc của cá nhân mình.

Nhân đây nói thêm về vụ việc người dân bức xúc với lãnh đạo phường Văn Miếu (Hà Nội) về việc bị làm khó dễ khi đến xin giấy cấp chứng tử. 

Một thông tin phụ, không liên quan nhiều đến bản chất vụ việc mà người dân phản ảnh, nhưng chưa chính xác đã được báo chí khai thác. Đó là trên mạng xã hội, chủ facebook đưa thông tin, đám tang của bố chị phải lùi lại tối thiểu 1 ngày, nhưng thực tế khi báo chí đến nhà tang lễ tìm hiểu thông tin thì đám tang của người bố vẫn diễn ra đúng thời gian như gia đình dự kiến. 

Dù đây là chi tiết không ảnh hưởng gì đến bản chất câu chuyện, là việc lãnh đạo phường Văn Miếu cố tình gây khó dễ người dân trong cấp giấy chứng tử, đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội xử lý, nhưng rõ ràng là người đưa thông tin có thể vì tâm lý bức xúc mà đưa thông tin chưa thật chính xác.

Mọi công dân đều có quyền chủ động đưa ra ý kiến trước một vấn đề liên quan đến quyền lợi, lợi ích của mình. Trên mạng xã hội, không ai kiểm duyệt phát ngôn của mỗi người. Mỗi chúng ta phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc tự kiểm duyệt mình, quyết định đưa thông tin lên với mức độ trung thực đến đâu. Và chúng ta phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đưa thông tin đó. 

Tinh thần thượng tôn pháp luật không ở đâu xa, chính là ở cách mỗi người trong chúng ta nhìn nhận một sự việc, một vấn đề bằng con mắt khách quan, tôn trọng các nguyên tắc mà cộng đồng đề ra, không để cảm tính nhất thời vùi lấp đi tinh thần ấy.

Đừng nghĩ cái gì mình cũng đúng

Có một thói quen trong đời sống và trên mạng xã hội, là cái gì mình cũng đúng. Bức xúc việc to việc nhỏ, người ta mang tuốt lên mạng xã hội kể lể, thở than, và cho rằng mình đúng. Cộng với những comment trên mạng, đa số là các nhóm bạn bè, người thân, rồi lan truyền sang các nhóm khác, những người gần như không chứng kiến câu chuyện được kể nhưng sẵn sàng “phán” như thánh, khiến cho chủ facebook càng nghĩ mình đúng. 

Nhưng sự thật nhiều khi chính người đưa thông tin trên mạng lại sai. Sai trước nhất là thông tin thiếu trung thực, để cảm tính dẫn dắt. Sai nữa, là nhiều khi chính họ không hiểu luật pháp. Họ tin rằng mình đúng, nhưng chiểu theo các quy định của luật pháp, họ lại đang sai.

Có một thực tế là người dân còn hiểu rất ít về luật pháp. Nhiều lĩnh vực, kiến thức pháp luật của phần đông người dân còn bập bõm. Nên khi bị chính quyền, cơ quan chức năng phản ứng, dùng các biện pháp cấm đoán, cưỡng chế với hành vi của họ, thì họ lại bức xúc và cho rằng cơ quan công quyền sai. Cho đến khi được phân tích kỹ càng về luật, về quy định của Nhà nước, chính quyền thì họ mới hiểu ra, rằng mình chưa đúng, chưa thượng tôn pháp luật. 

Mẹ cậu bé chơi đàn gửi thư xin lỗi Công an quận Hoàn Kiếm trên facebook

Chẳng hạn như câu chuyện cậu bé chơi đàn trên phố đi bộ vừa rồi, nếu bố mẹ cậu nghiên cứu, tìm hiểu cặn kẽ về việc tuyến phố này, theo quy định của phường, của quận, có được cho phép biểu diễn nghệ thuật không? Nếu có phải xin phép thì xin phép ở đâu? Những địa điểm nào thì người dân được đến đó biểu diễn nghệ thuật, hay bất cứ chỗ nào cũng được biểu diễn? 

Chỉ cần bố mẹ cậu bé nắm vững những thông tin về quy định của chính quyền, là có thể hướng dẫn con đến những địa điểm con được phép biểu diễn để chơi đàn. Thậm chí, có thể đi xin giấy phép biểu diễn cho con nếu cần thiết, cho đúng quy định của pháp luật, để con có thể tự do với cây đàn mà không phải chịu những nỗi buồn, tổn thương không đáng có. Địa chỉ Công an phường nằm ngay sát tuyến phố đi bộ, cha mẹ cậu bé có thể vào đó nhờ các cán bộ giúp đỡ, hướng dẫn. 

Theo thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, tại Hồ Gươm, khu vực tuyến phố đi bộ, thành phố đã phê duyệt 7 vị trí có thể biểu diễn. Những ai có nhu cầu phải tra thông tin, tìm hiểu về các vị trí có thể đến để biểu diễn. Nếu ai thích chỗ nào thì đứng chỗ đó biểu diễn là không được phép, vì như vậy sẽ gây ra những phiền nhiễu không đáng có cho khách tham quan du lịch và người dân. 

Chẳng hạn một chỗ dồn nhiều người biểu diễn thì dễ dẫn đến âm thanh hỗn tạp, loa nọ đập vào loa kia gây phản cảm. Việc thưởng tiền của khách dành cho nghệ sĩ cũng là bình thường, miễn người biểu diễn không có hành vi xin tiền thô lỗ, thái quá.

Mọi cái đúng đều phải dựa trên tôn trọng luật pháp. Trong tinh thần thượng tôn pháp luật, mọi thứ tình cảm, cảm tính đều phải đứng sau. Trước tiên, người dân phải đúng khi quy chiếu theo quy định của luật pháp đã. Để làm được như vậy, mỗi người dân phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về luật pháp. 

Nói rõ ra là chúng ta cần phải học luật nhiều hơn, để từ đó điều chỉnh hành vi của mình trong việc đưa thông tin dù là lên mạng xã hội hay trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có tinh thần tôn trọng luật pháp mới tạo ra một đời sống công bằng, văn minh, tốt đẹp.

Quỳnh Vũ
.
.
.