Thượng tôn pháp luật, trọng số phận con người

Chủ Nhật, 10/11/2013, 13:38
Hiếm khi dư luận dành sự quan tâm tới vụ án hơn 10 năm oan trái đối với ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang như bây giờ. Người dân còn bị lôi cuốn bởi thái độ nghiêm túc và đầy tinh thần cầu thị trước số phận con người của lãnh đạo và cán bộ các ngành thi hành tố tụng thông qua các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Tinh thần ấy, dõi theo nguyên hoạt động tố tụng hình sự để bảo vệ công lý và lẽ phải, không để lọt tội phạm nhưng không làm oan người ngay, thì rõ ràng còn nhiều vấn đề cần bàn ở phía trước.

Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” tuần này dành cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Tâm - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư Lê Minh Tâm, là người trải nhiều năm làm công tác đào tạo cán bộ ngành Luật, nay trên cương vị Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào trước sự quan tâm của dư luận cũng như bản chất vụ án giết người ở Bắc Giang 10 năm trước đây để xảy ra oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn?

Giáo sư Lê Minh Tâm: Hoạt động tố tụng hình sự luôn phức tạp và cũng rất nhạy cảm, vì thế đòi hỏi cán bộ tiến hành các hoạt động tố tụng vừa phải tinh thông nghiệp vụ vừa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng. Nhìn thẳng vào bản chất vụ án nói trên, thì quan điểm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói rất rõ là: Nếu oan thì khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp cho ông Chấn; đồng thời điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của những tập thể, cá nhân để xảy ra sự việc theo quy định của pháp luật. Tôi rất ấn tượng với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thái độ nghiêm túc, cầu thị của lãnh đạo cũng như cán bộ các ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án đối với việc giải quyết vụ án. Đó là biểu hiện của tinh thần tôn trọng pháp luật, nghĩa cử coi trọng số phận của con người. Tuy nhiên, qua vụ án này chúng ta cũng cần phân tích và rút ra bài học cần thiết để tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra, nhất là đối với các cán bộ của các cơ quan tham gia tố tụng.

PV: Dư luận người dân nhất là những người có am hiểu về pháp luật còn boăn khoăn muốn sáng tỏ, tại sao vụ án đã qua ba giai đoạn với ba cơ quan làm án cứu xét, lại trải qua nhiều cấp xét xử theo trình tự tố tụng chặt chẽ mà vẫn không phát hiện kịp thời sai lầm để khắc phục?

Giáo sư Lê Minh Tâm: Pháp luật tố tụng hình sự quy định rất rõ về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân. Tuy nhiên, như tôi đã nói là hoạt động tố tụng hình sự vốn rất phức tạp, kết quả các hoạt động tố tụng không chỉ phụ thuộc vào quy định của luật mà còn phụ thuộc vào chính những người có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền thi hành công vụ, thực hiện các hoạt động tố tụng và nhiều yếu tố khác. Có nhiều yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kết quả của các hoạt động tố tụng, trong đó có 4 yếu tố cơ bản: Một là, trình độ năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm của các cán bộ điều tra, truy tố, xét xử; hai là, trách nhiệm công vụ và trách nhiệm đạo đức của các cơ quan, tổ chức và người có chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, mà trực tiếp là người được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động cụ thể; ba là, những điều kiện, phương tiện pháp lý, hệ thống tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý để hỗ trợ, giúp cho bị can, bị cáo có sự hiểu biết đúng đắn về pháp luật, nhận thức đúng về thực chất vụ việc, về việc mình có vi phạm hay không và nếu có vi phạm thì tính chất và mức độ sai phạm do hành vi của mình gây ra đến đâu để cung cấp những thông tin, chứng cứ xác thực cho cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu tư vấn viên pháp luật, luật sư được tham gia ngay từ đầu để bị can có điều kiện bày tỏ những thông tin liên quan đến vụ án, đến quyền lợi của họ thì những sai sót, sai lầm sẽ ít xảy ra hoặc nếu có thì cũng có điều kiện để phát hiện, kiểm chứng và xử lý kịp thời; bốn là, nguyên nhân về pháp luật. Những quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện (các quy định của pháp luật còn chưa đầy đủ, đồng bộ, minh bạch hoặc còn chồng chéo, mâu thuẫn, không sát hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi…). Tuy nhiên, điều này ít xảy ra.

Nhà nước ta luôn khoan hồng đối với những người lầm lỗi biết ăn năn hối cải.

PV: Trong bốn yếu tố tác động ảnh hưởng tới kết quả các hoạt động tố tụng khi giải quyết vụ án, theo Giáo sư yếu tố nào giữ vai trò chủ yếu?

Giáo sư Lê Minh Tâm: Mỗi yếu tố có vai trò của nó, khi xem xét cần phải có quan điểm toàn diện. Nhưng tôi cho rằng yếu tố trình độ, năng lực, phẩm chất và kinh nghiệm của các cán bộ tiến hành tố tụng là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả giải quyết các vụ án.

PV: Một góc nhìn cần thiết nữa qua vụ án này, là sự phối hợp giữa các cơ quan làm án đã nhuần nhụy hay còn có kẽ hở nào trong quá trình phối hợp, mà không phát hiện được mâu thuẫn trong hồ sơ vụ án mặc dù đã trải qua khoảng thời gian tương đối dài, thưa Giáo sư?

Giáo sư Lê Minh Tâm: Vụ án đang được điều tra lại và tiến hành các hoạt động theo thủ tục tái thẩm (được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó) nên chưa thể biết chính xác những sai sót, kẽ hở, sai lầm và nguyên nhân cụ thể. Tuy nhiên, tôi nghĩ là trong vụ án này đã có những sai sót, sai lầm đáng tiếc cần phải được làm sáng tỏ và kịp thời.

PV: Vai trò của luật sư, những người có hiểu biết pháp luật đối với bị can, bị cáo và góp phần giải quyết đúng đắn vụ án như Giáo sư đã nói. Có ý kiến cho rằng, nếu luật sư tham gia ngay từ đầu thì không thuận cho các cơ quan thi hành tố tụng khi giải quyết vụ án trong thực tế, kể cả sự phối hợp giữa các cơ quan đó với luật sư. Quan điểm của Giáo sư trước ý kiến này?

Giáo sư Lê Minh Tâm: Đúng là còn có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhưng như trên tôi đã nói, tư vấn viên pháp luật và luật sư có vai trò quan trọng. Chúng ta chưa bàn tới vấn đề đạo đức của luật sư. Luật đã quy định rõ ràng, luật sư được tham gia vào giai đoạn nào, mối quan hệ ra sao. Tuy nhiên, theo tôi cần thiết phải tiếp tục coi trọng và mở rộng các hoạt động này, tạo điều kiện cho luật sư, bào chữa viên có thể tham gia ngay từ đầu của quá trình tố tụng để kịp thời tư vấn cho bị can, nắm bắt các tình tiết của vụ việc, xác định các thông tin cần cung cấp, phát hiện những mâu thuẫn hoặc những thiếu sót để đề xuất khắc phục, loại trừ những sai lầm không đáng có.

PV: Vấn đề bạn đọc quan tâm hiện nay, là còn một số trường hợp có đơn kêu oan qua các vụ án hình sự. Theo Giáo sư, ứng xử như thế nào để vừa thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước ta, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật?

Giáo sư Lê Minh Tâm: Các cơ quan chức năng khi nhận được đơn khiếu nại thì phải có trách nhiệm xem xét và kịp thời giải quyết, đây là nguyên tắc pháp luật. Quan điểm cần quán triệt, là thái độ của người xem xét đơn phải thận trọng, tỉ mỉ, khách quan, toàn diện, vô tư. Qua đó, sẽ phát hiện được những trường hợp kêu oan đúng và loại trừ những trường hợp không đúng hoặc những hành vi lợi dụng. Đối với những trường hợp có cơ sở thì phải gửi tới các cơ quan chức năng thẩm tra giải quyết kịp thời, thấu đáo, qua đó hạn chế hậu quả xấu và nâng cao uy tín của cơ quan tố tụng.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Thanh Phong (thực hiện)
.
.
.