Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn trong bối cảnh thế giới nhiều biến động
Tỷ lệ điều tra khám phá án cao hơn 8% chỉ tiêu Quốc hội giao
Trước đó, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá trên các lĩnh vực; áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn...
Chính phủ đã chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Tham mưu với Bộ Chính trị chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT); tập trung xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống mua bán người, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ...
Bộ trưởng Tô Lâm trình bày báo cáo trước Quốc hội. |
Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực. “Tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 78%, cao hơn 8% so với chỉ tiêu Quốc hội giao; riêng án rất nghiêm trọng đạt 91,32%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,02%. Về cơ bản các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ; các vụ xâm hại trẻ em được điều tra, xử lý quyết liệt hơn; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” đã bị trấn áp mạnh, tạo được chuyển biến tích cực.
Qua đó đã góp phần làm giảm 1,95% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ 2018”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ điều tra, bảo đảm đúng tiến độ, việc thu hồi tài sản đạt kết quả tốt hơn; phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm.
Công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đạt được kết quả rõ nét, trong đó đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thu giữ số lượng ma túy đặc biệt lớn (trên 6 tấn ma túy tổng hợp). Phát hiện, triệt phá nhiều vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là các vụ lừa đảo, cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng...
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2019 đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.
Về chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó đặc biệt coi trọng làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm so với năm 2019, kết hợp chặt chẽ công tác phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rộng khắp trên các tuyến, địa bàn.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng bán chuyên trách, các tổ chức quần chúng, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phòng, chống tội phạm tại địa bàn cơ sở, hòa giải tốt các mâu thuẫn trong nhân dân, không làm phát sinh tội phạm.
Tạo thế trận liên hoàn trong triệt phá các đường dây ma túy
Trong một ngày rưỡi thảo luận về các báo cáo phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, báo cáo của Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, đã có 9/49 ý kiến đại biểu đề cập đến tình hình tội phạm về ma tuý. Các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đánh giá cao kết quả đấu tranh triệt phá các vụ ma túy lớn trong thời gian vừa qua, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kiến nghị giải pháp khắc phục.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, phần lớn những vụ việc phạm tội về ma tuý bị triệt phá cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Ông mong muốn Chính phủ quan tâm hơn đến công tác này, kể cả về vấn đề nhân lực, trang thiết bị cũng như các chế độ, chính sách.
“Nhiều vụ vận chuyển với số lượng lớn, số người nghiện ma túy tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa, hậu quả của việc sử dụng ma túy dẫn đến nhiều hệ lụy như trộm cắp, giết người, cướp của. Trong khi đó, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác phát hiện, đấu tranh chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ”, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bạch Thị Hương Thuỷ nêu thực trạng.
Đồng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Triệu Thanh Dung đề nghị nâng cao hiệu quả của hoạt động của cơ quan phòng chống ma tuý theo hướng chuyên môn hoá, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Hoàn thiện hệ thống chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ma tuý, tận dụng ưu thế của các phương tiện truyền thông hiện đại như internet, mạng xã hội...
“Chính phủ, các cấp, các ngành, đặc biệt là lực lượng CAND đã có những nỗ lực, cố gắng rất lớn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự và đạt được những kết quả quan trọng... Công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật tiếp tục có chuyển biến theo chiều hướng tốt hơn. Việt Nam vẫn là điểm đến an ninh, an toàn trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay” (Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an). |
“Phần lớn là mới vận chuyển chuyến đầu tiên hoặc mới bắt đầu sản xuất ma túy. Điều đó cho thấy, mặc dù còn có vấn đề này, vấn đề kia nhưng thế trận nghiệp vụ của chúng ta trong phòng, chống tội phạm ma túy vẫn mang lại hiệu quả”, Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.
Ngoài sự chủ động về nghiệp vụ, lực lượng CAND còn phối hợp chặt chẽ với các ngành, đặc biệt là sự hợp tác quốc tế ngày càng hiệu quả theo chiều sâu, tạo thành thế trận liên hoàn trong đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy. Chỉ ra 4 thách thức lớn đối với vấn đề ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vừa qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã tham mưu với Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36 về tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Hiện nay đang xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, trong đó phải có các giải pháp đồng bộ để xử lý những thách thức mới mang lại hiệu quả cao trong công tác này.
Lực lượng Công an đã trách nhiệm, xả thân trong phòng chống tội phạm Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH đánh giá cao những chiến công, thành tích của lực lượng CAND trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên của nhân dân. “Việt Nam là điển hình trong mắt bạn bè quốc tế khi không chỉ là điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội mà còn là một điểm đến an toàn, tin cậy, một đất nước hòa bình, môi trường đầu tư lý tưởng của nhiều quốc gia và đối tác. Đằng sau sự bình yên đó là sức lực, là trí tuệ của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ (CBCS) của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có lực lượng CAND đang ngày đêm chiến đấu quên mình vì sự bình yên của cuộc sống. Trong cuộc chiến đấu thầm lặng đầy cam go, quyết liệt ấy, máu của các chiến sỹ Công an đã đổ. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay đã có 45 đồng chí hy sinh, hơn 365 đồng chí bị phơi nhiễm HIV, 1.314 CBCS bị thương trong khi làm nhiệm vụ” – ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) |