Vì sao nạn phá rừng ở Quảng Nam vẫn dai dẳng?

Thứ Tư, 12/09/2018, 14:01
Những tưởng việc tỉnh Quảng Nam tổ chức, kiện toàn hàng loạt phương án bảo vệ rừng sau các vụ phá rừng gây rúng động dư luận vừa qua thì tình trạng phá rừng trên địa bàn sẽ được hạn chế nhiều. Nào ngờ mới đây, cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện một vụ phá rừng quy mô lớn khác trên địa bàn xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Điều đáng nói, cách đây chỉ vài tháng, tại xã Chà Vàl cũng đã xảy ra vụ phá rừng lim ngàn năm tuổi…


Quảng Nam là địa phương được đánh giá có tài nguyên rừng phong phú của         cả nước. Rừng Quảng Nam có nhiều loại cây gỗ quý như lim, kiền kiền, pơmu, gõ… 

Cũng chính vì thế mà những năm trở lại đây, công tác giữ rừng và chống nạn khai thác gỗ trái phép luôn là bài toán hóc búa đặt ra với chính quyền tỉnh. Nhiều vụ phá rừng đã bị phát hiện, phanh phui và điều tra xử lý nghiêm. 

Nhiều cán bộ kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng, cán bộ địa phương đã bị kiểm điểm trách nhiệm vì để xảy ra phá rừng, song tình trạng phá rừng tại Quảng Nam vẫn còn âm ỉ. 

Mới đây, một vụ phá rừng "khủng" tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang được phát hiện. Và kể từ ngày 5-9 tới nay, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Nam vẫn đang bám địa bàn xã Chà Vàl, huyện Nam Giang để điều tra, dựng lại hiện trường của vụ phá rừng này. 

Theo thông tin ban đầu, cơ quan chức năng xác định có khoảng gần 100 cây gỗ rừng tự nhiên gồm nhiều chủng loại tại Tiểu khu 341 đã bị các đối tượng đốn hạ với khối lượng lên đến hàng trăm mét khối. 

Quan sát tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy những khúc gỗ tròn, dài có đường kính gần 1m chưa kịp đưa đi tiêu thụ nằm ngổn ngang; nhựa trên những gốc cây ứa ra thể hiện cây mới bị chặt hạ chỉ trong vài hôm trở lại đây. Ngoài ra, tại hiện trường còn có cả chiếc xe Reo mà các đối tượng phá rừng dùng để vận chuyển gỗ.

Nhiều lóng gỗ nằm ngổn ngang và chiếc xe Reo dùng để vận chuyển gỗ lậu tại hiện trường vụ phá rừng Tiểu khu 341.

Khi làm việc với chúng tôi, ông Hiên Dơnh, Bí thư Đảng ủy xã Chà Vàl cho biết cũng chỉ mới nhận được thông tin về vụ phá rừng này và hiện lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam vẫn đang điều tra, làm rõ. 

Theo ông Dơnh thì bước đầu xác định vụ phá rừng xảy ra trên đất đã cấp "bìa đỏ" cho một Phó Chủ tịch HĐND xã Chà Vàl. Một doanh nghiệp có trụ sở tại xã Tà Pơ, huyện Nam Giang đã hợp đồng với vị lãnh đạo này để thu mua cây gỗ vườn được phép khai thác, nhưng thực tế đã khai thác gỗ tự nhiên rồi vận chuyển về điểm tập kết tại xã Tà Pơ. 

Ông Dơnh tỏ ra nghi vấn khi cho rằng các đối tượng tổ chức phá rừng tự nhiên có xe cơ giới để vận chuyển gỗ từ Chà Vàl về xã Tà Pơ chỉ có thể đi tuyến QL14D và trên đoạn đường từ Chà Vàl về Tà Pơ có Trạm quản lý bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Thanh nhưng tại sao không kiểm tra, phát hiện kịp thời loại gỗ khai thác trái phép mà vẫn để các đối tượng vận chuyển trót lọt hàng trăm mét khối như vậy?!

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ phá rừng tại Tiểu khu 341, chúng tôi đã tìm đến Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung để liên hệ công tác. Và mặc dù là trong giờ làm việc hành chính, song lãnh đạo Ban không có ở cơ quan. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung, cho biết ông đang đi… họp lớp dưới đồng bằng! 

Cũng cần nhắc lại rằng, liên quan đến vụ phá rừng xảy ra tại Tiểu khu 335 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung với khối lượng gỗ bị đốn hạ lên đến 235m³ được các cơ quan chức năng phát hiện vào tháng 3-2018, nhiều cán bộ của Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung đã bị kỷ luật, thậm chí Giám đốc Ban quản lý này đã bị cách chức! Do đó mà ông Nguyễn Hữu Phước là Phó Giám đốc giờ phụ trách luôn cả Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung.

Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Vinh nằm sát QL14D.

Nói về vụ phá rừng tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl, ông Phước cho biết số cây rừng bị đốn hạ không nằm trên đất lâm nghiệp do Ban quản lý. Tuy vậy, Ban quản lý Rừng phòng hộ Nam Sông Bung vẫn cử cán bộ của Ban tham gia đoàn điều tra, xác minh của Công an tỉnh Quảng Nam. 

Ông Phước cho rằng kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl đã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã này ký giấy cho doanh nghiệp khai thác một số loại gỗ như gạo, mít nài, xoài,… 

Tuy nhiên, thực tế kiểm lâm nhận định loại gỗ đã bị đốn hạ không nằm trong danh sách gỗ xin khai thác và hiện cơ quan chức năng đang kiểm định loại gỗ để phục vụ công tác điều tra. 

Trước câu hỏi sau khi đốn hạ cây rừng, các đối tượng vận chuyển gỗ về điểm tập kết tại xã Tà Pơ, vì sao Ban không phát hiện, xử lý vì từ điểm khai thác đến điểm tập kết chỉ có con đường độc đạo là tuyến QL14D?, ông Phước phân trần hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung không có trạm chốt chặn để phát hiện xử lý hành vi vận chuyển gỗ lậu. 

Trên tuyến QL14D đoạn từ Chà Vàl về xã Tà Pơ giờ chỉ có Trạm quản lý bảo vệ rừng Khe Vinh thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Thanh. 

Ông Phước khẳng định do kiểm lâm địa bàn và xã, thôn đã "hợp thức hóa giấy tờ" nên mới dẫn đến việc doanh nghiệp ngang nhiên triệt hạ hàng chục cây gỗ rừng tự nhiên tại Tiểu khu 341.

Một gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl bị đốn hạ.

Còn nhớ, sau các vụ phá rừng xảy ra liên tiếp, tại Hội nghị sơ kết nhiệm vụ quý I và bàn nhiệm vụ trọng tâm quý II-2018 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam diễn ra vào trung tuần tháng 4-2018, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi hội nghị một bức "tâm thư" với những lời lẽ đầy chan chứa: "Là lãnh đạo UBND tỉnh được phân công theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực này, trong gần 3 năm qua, tôi đã có nhiều dịp cùng các đồng chí vượt dốc, băng rừng, lội suối để kiểm tra rừng, hạnh phúc với những cánh rừng già nguyên sinh còn xanh thẫm của Trường Sơn; trăn trở với những cây rừng mới trồng bị nắng chói, mưa dầm, dây leo, khó bề sinh trưởng; đau xót với những thân cây bị lâm tặc chặt gãy, nhựa còn ứa ra như rỉ máu...". 

Mặc dù đã vài tháng trôi qua, song với những gì đang diễn ra tại Quảng Nam thì một số nội dung trong bức tâm thư của ông Lê Trí Thanh vẫn còn nguyên tính thời sự: "Đối mặt với lâm tặc vốn đã khó thì đối mặt với chính mình còn khó hơn nhiều. Bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thế hệ đã đổ mồ hôi, xương máu và cả tính mạng của mình để giữ màu xanh bình yên của núi rừng. 

Nhưng cũng có một số đồng chí đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc, khống chế, bị lợi ích nhất thời chi phối dẫn đến đánh mất mình, làm hoen ố thanh danh của cơ quan, làm tổn thương đến đồng đội, làm phụ lòng bao người đã ngã xuống, và cũng làm lu mờ đi thành tích, chiến công mà các đồng chí đã đạt được trong suốt thời gian qua…

Gỗ to như thế, bị chặt hạ bằng cưa máy, kéo ra khỏi rừng thành lối mòn, rồi chở đi bằng cách nào, tập kết ở đâu, bán cho ai - người dân địa phương đều biết mà các đồng chí lại không biết, hoặc biết mà không nói, nói mà không làm, làm mà không tận gốc. 

Nhiều câu hỏi của dư luận đặt ra về sự trong sạch, vững mạnh và tinh thần quyết tâm của các lực lượng liên quan đến quản lý bảo vệ rừng, không chỉ riêng các đồng chí. Những câu hỏi này đã có từ rất lâu rồi, nó làm dằn vặt và day dứt chúng ta vô cùng. 

Rừng vẫn cứ mất, cán bộ vẫn cứ bị kỷ luật và nhiều câu hỏi vẫn cứ được tiếp tục đặt ra. Với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó. Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại…". 

Trao đổi với phóng viên về vụ phá rừng tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl, ông Lê Trí Thanh cho biết đã nắm được thông tin về vụ việc và yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam phải khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Một góc vụ phá rừng tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl.
Trong một diễn biến khác, hiện các cơ quan chức năng huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đang xác minh, xử lý một điểm phá rừng tại xã Cà Dy. 

Về vụ việc này, ông Doãn Bing, Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết, bước đầu xác định có một số người dân địa phương vào rừng lấy gỗ về làm nhà và cũng một phần để bán kiếm tiền. Hiện xã Cà Dy đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh, xử lý. 

Ngọc Thi
.
.
.