Vì sao Trại giam Xuyên Mộc liên kết kinh doanh với một công ty tư nhân?

Thứ Tư, 22/05/2019, 10:38
Xung quanh vụ việc Trại giam Xuyên Mộc (Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng - Bộ Công an) liên kết hợp tác kinh doanh với một công ty tư nhân để trồng cỏ và chăn nuôi trâu, bò thịt, gần đây có một số ý kiến cho rằng vụ việc có dấu hiệu bất thường. Vậy thực hư ra sao?


Liên kết hợp tác kinh doanh tăng hiệu quả sử dụng đất

Trại giam Xuyên Mộc đóng tại ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn, Giám thị Trại giam Xuyên Mộc, hiện trại có 3 phân trại, và đang quản lý hơn 1.000ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp (khoảng 410ha gồm đất trồng rau, đất trồng cao su, trồng điều, đất lâm nghiệp) và diện tích đất phi nông nghiệp là hơn 635ha.

Đáng nói, số đất phi nông nghiệp chủ yếu là đất khô cằn, sỏi đá, bạc màu, đầm lầy nhiễm chất độc hóa học do chiến tranh để lại. Khu vực này giáp ranh với khu dân cư xã Xuân Tâm, Xuân Lộc, Đồng Nai, một số người dân thường xuyên vào khu vực trại để lấn chiếm, canh tác trái phép dễ gây mất an ninh, an toàn trại giam.

Do đó, tại cuộc họp thường kỳ ngày 18-1-2014, Đảng ủy Trại giam Xuyên Mộc đã ra Nghị quyết để khoảng 100ha vùng giáp ranh hợp đồng liên doanh với Công ty CP Thực phẩm Anh Khải Ký (Công ty A.K.K) để trồng cỏ, chăn nuôi bò, đồng thời tạo đường ranh bao bọc xung quanh trại để bảo vệ đất và an toàn trại. Thời hạn liên doanh là 20 năm, với giá trị 7 triệu đồng/năm/ha, số tiền này được thanh toán hàng năm. Số đất còn lại để trồng rừng chủ yếu là cây tràm, bạch đàn để bảo vệ đất.

Một phần khu đất hợp tác kinh doanh của Trại giam Xuyên Mộc với Công ty A.K.K.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn, khu đất 100ha tổ chức hợp tác, liên kết thuộc Phân trại số 1 của trại. "Khu đất này nếu để hoang hóa sẽ rất lãng phí, không phục vụ cho trại trong việc quản lý, giúp phạm nhân lao động cải tạo. 

Vì thế, trại đã tính đến chuyện liên kết với một đơn vị tư nhân để họ có kinh phí giúp mình cải tạo đất, khơi múc các kênh mương để dẫn, thoát nước, chống úng ngập, làm các con đường dân sinh, tạo đường ranh bao bọc xung quanh trại, tránh việc người dân lâu nay đi sát vào khu vực trại giam, có thể gây mất an toàn, an ninh trại giam. Sau thời gian hợp tác, khu đất này trại sẽ thu về và sử dụng hiệu quả hơn", Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn cho biết.

Ngày 4-1-2014 Trại giam Xuyên Mộc và Công ty A.K.K. đã ký kết Hợp đồng hợp tác kinh doanh trang trại chăn nuôi bò lấy thịt với thời gian 20 năm được chia làm 3 giai đoạn.

Sau khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, ngày 18-2-2014, đại diện Trại giam Xuyên Mộc tổ chức bàn giao 100ha đất cho Công ty A.K.K. Tiếp đó, vào ngày 29-9-2014, hai bên ký tiếp Hợp đồng Hợp tác liên kết xây dựng trang trại trồng cỏ và chăn nuôi trâu bò.

Theo Đại tá Nguyễn Trọng Tuấn, việc Đảng ủy Trại giam Xuyên Mộc ra Nghị quyết và tiến hành việc sử dụng số đất này vào việc liên kết hợp tác kinh doanh chỉ vì mục đích muốn nhanh chóng cải tạo đất, tăng cường hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, chống úng ngập, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh của trại, trong khi trại khó khăn về kinh phí nên chưa thể thực hiện được. 

Vậy nên, việc liên kết kinh doanh đã giúp trại đạt được mục đích của mình nhanh hơn và thu về khoản kinh phí đáng kể - mỗi năm 700 triệu đồng - nộp về cho Nhà nước để phân bổ các khoản đúng theo quy định.

Ngoài ra, việc liên kết hợp tác kinh doanh này còn tạo ra công việc làm cho phạm nhân tạo ra mô hình thí điểm chăn nuôi con giống mới, phương pháp mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngày 15-7-2014, Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã có Công văn số 1540/C81-C87 do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Bằng - Phó Tổng cục trưởng ký đồng ý chủ trương cho Trại giam Xuyên Mộc được hợp tác với Công ty A.K.K. 

Tiếp đó, từ Văn bản số 2519/BCA-C81 của Bộ Công an gửi UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đề nghị tạo điều kiện để Trại giam Xuyên Mộc được sử dụng 100ha đất hiện trại đang quản lý sử dụng để liên kết với Công ty A.K.K thực hiện dự án, nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ Công an, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh, tạo sự ổn định và phát triển đối với Trại giam Xuyên Mộc, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đồng ý với đề nghị này. Như vậy, tất cả các thủ tục cần thiết để dự án này được thực hiện đã hoàn tất.

Đường điện và kênh mương thoát nước được xây dựng.

Dự án liên kết mang lại nhiều hiệu quả thiết thực

Từ khi triển khai, dự án này đã mang lại những hiệu quả rất thiết thực cho trại giam và người dân địa phương. Ông Đoàn Văn Thắng, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết sau khi triển khai dự án, Công ty A.K.K đã bỏ kinh phí và công sức để cải tạo đất, đào các kênh mương nhỏ để thoát nước, chống ngập úng, mở rộng con đường chính vào khu đất và làm các con đường dân sinh, giúp cho hơn 1.000 nhân khẩu trong khu vực đi lại dễ dàng hơn, các cháu nhỏ đi học thuận lợi hơn; nhất là Công ty A.K.K còn cho lắp đặt đường điện, giúp người dân được kéo điện để sử dụng bởi hàng chục năm trước đó khu vực này không có đường điện chạy qua; đồng thời dự án cũng giúp hàng trăm người dân địa phương có thêm công ăn việc làm, cải thiện được cuộc sống…

Trao đổi với chúng tôi, ông Tiêu Văn Hòa (79 tuổi), Tổ trưởng tổ 5, ấp Bằng Lăng, xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, cho biết khu vực nhà ông ở là giáp với khu đất của Trại giam Xuyên Mộc, được ngăn cách bởi một con suối, trước đây cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn vì đường đi nhỏ hẹp, lầy lội, không có điện sinh hoạt…

Đường mương được đào để tránh người dân đi vào khu vực sát trại giam.

"Tôi sống ở đây gần 30 năm rồi, hồi đó đi lại chỉ có con đường mòn bé xíu. Nhờ công ty này (Công ty A.K.K) về thực hiện dự án mới làm con đường to để đi. Sau đó, một cây cầu mới cũng được xây dựng nhờ sự đóng góp của Mạnh Thường Quân và người dân địa phương, nhờ đó cuộc sống người dân được cải thiện vì có thể đi lại giữa hai ấp (Bằng Lăng và Bàu Chiên) một cách dễ dàng, chở hàng nông sản để buôn bán cũng thuận tiện hơn. Đặc biệt, nhờ có Công ty A.K.K kéo đường điện mà người dân hai ấp đã có điện để sử dụng sau nhiều năm trước đó không hề có điện", ông Tiêu Văn Hòa vui vẻ chia sẻ.

Anh Ngô Văn Quý, Tổ trưởng tổ 10, ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm cũng cho biết, tổ 10 gồm khoảng 46 hộ dân. Trước đây, khu vực này chủ yếu là rừng, đất ngập phèn, hoang hóa, cứ mưa xuống là ngập úng gần hết. "Từ khi Công ty này (Công ty A.K.K) về đây mới san lấp đất, cải tạo đất, làm đường sá, cho dân kéo điện mới có ánh sáng, người dân đi lại đỡ vất vả hơn rất nhiều".

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu đất của dự án này đã được cải tạo, các con mương thoát nước được đào, xây dựng để phục vụ trồng trọt khá hợp lý. Các con đường dân sinh được tạo lập (bỏ hẳn con đường lâu nay người dân thường đi lại sát vào khu vực trại giam) giúp người dân đi lại, tránh được khá xa khu vực Trại giam Xuyên Mộc…

Phú Lữ
.
.
.