Về đất mỏ nghe chuyện tầm nã

Thứ Hai, 26/12/2016, 12:54
Càng đến gần Tết, công việc của cán bộ chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Quảng Ninh càng bận rộn hơn. Phụ trách một địa bàn rộng lớn như Quảng Ninh, nơi ẩn náu của nhiều tay giang hồ cộm cán chỉ với hơn chục cán bộ chiến sĩ, gần như lúc nào anh em cũng căng mình trực chiến.


Công việc tầm nã chẳng khác gì mò kim đáy bể, các đối tượng bị truy nã sau khi bỏ trốn thường thay tên đổi họ, thậm chí cả hình dạng. Khó khăn, vất vả, hiểm nguy, bôn ba khắp mọi miền đất nước để truy lùng tội phạm nhưng với những cán bộ chiến sĩ Phòng PC52, họ lại coi công việc tầm nã là việc giản đơn, chẳng có gì để sẻ chia.

Phòng PC52 những ngày cuối năm vắng vẻ, chỉ còn 2, 3 cán bộ chiến sĩ ở nhà hoàn thành nốt những bản báo cáo hay chuẩn bị kế hoạch, phương án truy bắt đối tượng mới. Còn lại anh em đều bám trụ địa bàn, hoặc đang đi các tỉnh truy nã tội phạm.

Cán bộ, chiến sĩ Phòng PC52, Công an tỉnh Quảng Ninh kỉ niệm 6 năm thành lập.

Thượng tá Nguyễn Bảo Tân, Phó phòng PC52 chia sẻ, phần lớn anh em cán bộ của phòng còn khá trẻ, tuy không đông nhưng kinh nghiệm chiến đấu, đối mặt với tội phạm nguy hiểm thì có thừa.

Hơn hai chục năm là lính hình sự, hơn chục năm gắn bó với Phòng PC52, Thượng tá Nguyễn Bảo Tân đã trực tiếp tham gia rất nhiều chuyên án truy bắt những đối tượng sừng sỏ. Anh tâm sự, để làm nên thành công của một chuyên án thì yếu tố đầu tiên là bí mật, bất ngờ nhưng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn tính mạng cho anh em cán bộ chiến sĩ và quần chúng nhân dân.

Một trong những vụ mà anh nhớ nhất là lần truy bắt đối tượng giết người Trần Văn Tân (49 tuổi, trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Mặc dù thời gian Tân gây án đã trôi qua gần 20 năm, Tân liên tục thay hình đổi dạng, thay đổi tên tuổi để lẩn trốn thì cuối cùng hắn vẫn sa lưới.

Một ngày tháng 3-1998, do những mâu thuẫn trong sinh hoạt với người cùng xóm, Tân đã mang xẻng, dao nhọn đuổi đánh khiến anh này trọng thương và tử vong.

Ngay sau khi gây án, Tân đã bỏ trốn. Xác định đây là đối tượng đặc biệt nguy hiểm, chạy trốn nhiều năm gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm và gây bức xúc cho gia đình nạn nhân, tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, tháng 8-2014, Ban lãnh đạo Phòng PC52 đã xác lập chuyên án quyết tâm truy bắt đối tượng trong thời gian ngắn nhất. Dò tìm tất cả các mối quan hệ của đối tượng, ban chuyên án nhận định khả năng Tân đang lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam.

Một tổ công tác được điều vào miền Nam để truy bắt đối tượng. Quả nhiên đúng như dự đoán, sau khi bỏ trốn khỏi thành phố Hạ Long, Tân vào TP Hồ Chí Minh sử dụng tên giả là Trần Văn Cường, làm nghề chạy xe ba gác để sinh sống.

Năm 1999, Tân quen và chung sống như vợ chồng với chị T.T.T.M (trú tại Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) và sinh được hai người con. Qua xác minh, các trinh sát phát hiện được địa chỉ của chị M đang sinh sống và làm ăn buôn bán tại huyện Hóc Môn. Tuy nhiên vì biết đang bị truy nã nên Tân đã rất cảnh giác, hắn đã nhanh chóng lẩn trốn về huyện Châu Thành, Tiền Giang.

Lãnh đạo Phòng PC52 khen thưởng các trinh sát có thành tích trong công tác bắt truy nã.

Nhưng huyện Châu Thành có diện tích rộng, nhiều nhà nghỉ, nhà trọ giá rẻ, người dân lao động thường xuyên di chuyển, không có nơi ở cố định nên việc tìm kiếm thông tin về Tân như mò kim đáy bể. Một lần nữa Tân lại biến mất khỏi Tiền Giang và chuồn về thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trước khi các trinh sát lần ra nơi ở của hắn.

TP Biên Hòa cũng là khu vực tập trung đông dân cư, với nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều công nhân, người làm thuê tạm trú. Một kế hoạch vây bắt chi tiết được vạch ra, nhưng oái ăm gã vẫn nghe ngóng được lực lượng truy bắt và lại quay về Tiền Giang.

Lần này, quyết không để lọt lưới tên tội phạm nguy hiểm, ranh ma, xảo quyệt, khi nhận được tin báo Tân hiện đang ẩn náu tại xã Bình Trưng (Châu Thành, Tiền Giang), một kế hoạch vây bắt chi tiết, bí mật, bất ngờ, nhanh chóng được vạch ra, với sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng. Khi các trinh sát ập vào bắt giữ, Tân hoàn toàn bất ngờ vì không nghĩ rằng tung tích của mình bị bại lộ nhanh đến thế.

Từ năm 2004 đến nay, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại được hơn 3.500 đối tượng truy nã, trong đó có hơn 800 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Để truy bắt được các đối tượng đôi khi còn phụ thuộc vào cả yếu tố may mắn.

Lần truy bắt đối tượng Thùy ở Móng Cái đối với Thượng tá Nguyễn Bảo Tân quả thật khá may mắn. Thùy vốn là quyền Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Hải Ninh, đã lợi dụng chức quyền gây thất thoát hơn 4 tỷ đồng. Đầu năm 1996, Thùy trốn nã. Hơn 20 năm, Thùy đã thay hình đổi dạng, bặt vô âm tín.

Tưởng rằng đã mất dấu vết của đối tượng thì khoảng tháng 11-2016, các trinh sát nhận được tin báo tại nhà hàng của con trai Thùy có xuất hiện một người quản lý là nữ tầm ngoài 50 tuổi. Nhận định khả năng người đấy là Thùy rất cao, nhưng quan sát, theo dõi một thời gian các trinh sát nhận thấy người phụ nữ này chỉ giống đối tượng Thùy duy nhất ở chiếc mũi.

Đúng thời điểm ấy, nhà hàng có nhu cầu tuyển thêm nhân viên, để khẳng định chính xác người phụ nữ đó có phải là Thùy hay không, các trinh sát đã vào vai người bác, người bố đưa con đi xin việc để được gặp trực tiếp đối tượng. Trong câu chuyện với bà quản lý, các trinh sát đã khen ngợi vẻ đẹp không tuổi của bà ta và đoán rằng bà ta mới ngoài 50 tuổi.

Thật không ngờ lời khen đã có tác dụng, cộng với tâm lý chủ quan khi đã trốn nã hơn 20 năm, bà quản lý trong lúc cao hứng vì được khen đã tự khai tên tuổi của mình ra. Ngay lập tức ám hiệu được phát đi, các trinh sát đã ập vào khống chế.

Việc khai thác mạng xã hội cũng là một kênh thông tin hữu ích giúp các trinh sát truy tìm được các đối tượng trốn nã hiệu quả. Đối tượng Phạm Tiến Quân (SN 1973, trú tại Quảng Nghĩa, Móng Cái, Quảng Ninh) trốn nã năm 1998 vì phạm tội giết người khi tranh chấp vùng đánh cá ở Hải Hà - Móng Cái bị bắt dễ dàng chỉ vì đưa ảnh của con trai lên mạng xã hội. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện được đối tượng đang lẩn trốn tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Một tổ công tác được cử vào Bà Rịa - Vũng Tàu xác minh, tuy nhiên mọi thông tin về đối tượng rất mơ hồ. Những nơi đối tượng xuất hiện cũng khá ảo nhưng các trinh sát tập trung vào địa bàn xã Châu Pha và thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành.

Mất nhiều ngày xác minh ở thị trấn Phú Mỹ và các xã lân cận, anh em trinh sát vẫn không tìm được tung tích của đối tượng. Nhưng may mắn thay, nhờ khai thác mạng xã hội, các trinh sát phát hiện Quân có trang cá nhân, nhưng hắn rất khôn ngoan, không bao giờ đưa ảnh gia đình lên mạng.

Nếu có chụp con, hắn cũng rất khôn khéo lựa chọn góc chụp nghiêng, không rõ mặt. Một lần rất tình cờ, trinh sát phát hiện hắn đưa hình ảnh sinh nhật con lên zalo, tuy không rõ mặt nhưng lại rõ bộ đồng phục thể dục của đứa bé.

Đối tượng Trần Văn Tân (bên trái) sa lưới sau hơn 20 năm trốn nã

Tia hi vọng lóe lên, anh em mang bức ảnh đến khắp các trường học của thị trấn Phú Mỹ, thậm chí lên cả Phòng Giáo dục huyện để xác minh nhưng vẫn không tìm ra.

Một lần nữa anh em quyết rút về Châu Pha để tìm, thì rất may mắn, ông Phó trưởng Công an xã kì cựu đã nhận ra đồng phục của một trường học ngay trong xã. Chỉ trong thời gian ngắn các trinh sát đã tìm được địa chỉ nhà Quân và khống chế đối tượng khi hắn còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì xảy ra.

Đối với công việc tầm nã, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ truy bắt và quần chúng tham gia phối hợp thì biện pháp nghiệp vụ đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là vận động đầu thú. Kể từ khi thành lập, Phòng PC52 luôn thực hiện tốt biện pháp này.

Mô hình "dân vận khéo" trong công tác vận động đối tượng truy nã ra đầu thú của Phòng PC52 trở thành một trong hai mô hình "dân vận khéo" tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh năm 2015, nhờ đó vận động được nhiều đối tượng cộm cán ra đầu thú.

Trong năm 2016, Phòng PC52 tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình này và đạt được nhiều thành tích cao.

Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng để biểu dương, động viên cán bộ chiến sĩ kịp thời, lãnh đạo Phòng PC52 luôn có những phần thưởng xứng đáng cho những trinh sát có thành tích tốt trong công tác truy nã.

Ngọc Trâm
.
.
.