Vật chất sinh ra ý thức

Thứ Sáu, 12/05/2017, 16:53
Có đến 20 năm nay rồi, lâu lâu lại dấy lên ý nghĩ cấm xe máy mà vẫn chưa cấm được. Xe máy bị quy đủ tội, nào gây kẹt xe, nào gây tai nạn, nào làm ô nhiễm môi trường…


Cứ thử tưởng tượng một xã hội mới đủ trình độ cung cấp các phương tiện khác cho một người, chín người khác phải đi xe máy, nếu cấm là “mất chân” làm ăn, không nhẽ ngồi nhà bế quan tỏa cảng hết?

Cấm xe máy thì dân đi bằng gì là câu hỏi đơn giản nhất vụt đến. Đi làm, đi học, đưa đón con, chợ búa… đủ thứ việc chạy ngược chạy xuôi mà thể tạng nào đã to cao khỏe mạnh bằng ai.

Dân lao động, ky cóp mãi mới mua được chiếc xe máy cùi bắp, như một tài sản, như đôi chân, như cái máy giữ sức. Thợ nề, thợ xây mà đạp xe đến công trường xa đã bải hoải rồi, leo cao “xây cho nhà cao cao mãi” thêm chóng mặt. Công nhân đạp xe vào ca cứ như thời đạp xe đi sơ tán, còn bao sức làm máy…

Thời Liên Xô xã hội chủ nghĩa, mấy ai đi xe đạp, xe máy, cứ đông đúc chen nhau vào tàu điện ngầm, tàu điện nổi, xe buýt. Cứ vài phút một chuyến, các phương tiện này chuyên chở hết mọi người đi làm, đi học xa vài chục cây số.

Bắc Kinh một thời cũng cấm xe máy, dân chuyển sang xe đạp, và khoảng cách, đường sá lúc đó vừa tầm các loại xe nhỏ. Rồi đường rộng mênh mông, thẳng tắp như cao tốc, khoảng cách xa thêm, ai đi nổi. Họ chuyển sang xe hơi, cũng đúng lúc kinh tế phát triển, nhà nhà xe hơi.

Bangkok thời xây dựng đường sá phát triển, xe hơi đầy đường. Chẳng mấy ai đi xe máy nữa. Và xe hơi bị tội gây kẹt xe khủng khiếp, xếp hàng vài cây số là thường. Chặn xe máy, lòi xe hơi, kẹt xe máy xưa và kẹt xe hơi nay có gì khác nhau? Trong đám đông ấy lại xuất hiện xe máy khôn lỏi, luồn lách giữa đám kẹt xe hơi cứng ngắc.

Nhiều nước phát triển khác không có nạn kẹt xe máy, nhưng kẹt xe hơi như Bangkok cũng không ít. Họ không đổ tội cho xe máy là nguyên nhân gây kẹt xe, mà tội này được đổ cho xe hơi.

Một số nước dân chúng thấy kẹt xe hơi nhiều, đang chuyển sang đi trực thăng, máy bay nhỏ tùy theo quãng đường. Và nạn kẹt đường không bắt đầu xuất hiện, kẹt đường băng, kẹt lên xuống, kẹt vòng vòng…

Vậy thì, kẹt là do phương tiện nhiều lên mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng nổi. Tội này, quy về quy hoạch, không ước lượng được sức phát triển nhanh. Quy hoạch thiết kế trên số liệu, bèn đổ cho thống kê, dự báo…

Đổ tới đổ lui, rốt cuộc chẳng chịu nhận ra quy luật lực lượng sản xuất thay đổi dẫn đến trình độ và quan hệ xã hội thay đổi. Thời phong kiến, dân đi đất trên đường làng quen rồi, quan chỉ đi ngựa. Thực dân vào, bắt làm đường cho xe hơi bim bim, công nông èo uột chỉ đi bộ, xe kéo…

Nay sản xuất lớn, công nhân đông, đô thị hóa với đường to để đến đi đúng giờ. Không đủ đường, không đủ phương tiện giao thông sẽ làm trì trệ sản xuất, cản trở xã hội phát triển.

Với trình độ sản xuất và xã hội hiện tại, xe máy vẫn còn là phương tiện giao thông tiên tiến, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển. Đi làm, đi học, làm ăn bằng xe máy cũng giống một hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ lâu đã có các xe đưa đón công nhân theo cách công nghiệp hóa, bảo đảm đúng giờ đồng bộ.

Tuy nhiên, chưa phải tất cả nhà máy, xí nghiệp và chưa áp dụng cho các ngành nghề không theo dây chuyền. Nền sản xuất manh mún, tiểu thủ công nghiệp, với dây chuyền ứ bao lâu cũng được không cần đến chuyển động đồng bộ. Vì thế, không cần phương tiện tập trung.

Từng có các phương án chống kẹt xe được đề xuất như làm lệch giờ… Nhưng chưa áp dụng rộng rãi được. Đi làm một giờ, đón con giờ khác, đi học giờ khác… gây thêm vất vả là một thí dụ chưa ổn.

Vậy thì, khi trình độ xã hội với lực lượng sản xuất vẫn còn manh mún và chưa quy củ, xe máy cá nhân hóa vẫn được tung hô. Cái lý của nó không nằm ở ý thức, mà là ở vật chất. Vật chất sinh ra ý thức.

Hồng Sơn
.
.
.