Vẫn loay hoay xử lý công trình 8B Lê Trực
Vậy là sau gần 4 năm kể từ khi bắt đầu xử lý vi phạm, cho tới lúc này việc xử lý vi phạm vẫn chưa thể kết thúc, trong khi đó hàng chục khách hàng mua nhà tại dự án này đang mòn mỏi chờ đợi.
Cách đây 2 tháng, ngày 6/12/2019, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Việc xử lý vi phạm tại dự án số 8B Lê Trực, quận Ba Đình (Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo tại thời điểm tháng 11/2015, tháng 6/2016, tháng 7/2016 và tháng 10/2018.
Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội rất chậm trong việc chỉ đạo xử lý, đến nay vẫn tồn tại, kéo dài. Trước thực tế trên, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo xử lý dứt điểm việc này, đảm bảo kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Tháng 11/2015, Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm của dự án này. Tuy nhiên, sau khi kết thúc giai đoạn 1 phá dỡ tầng 19, đến nay đã gần 4 năm việc xử lý vẫn chưa hoàn thành. Theo Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến, để triển khai giai đoạn II, quận đang tìm kiếm đơn vị tư vấn đủ năng lực để thiết kế phá dỡ tầng 17, 18.
Cuối năm 2019, quận đã gửi thư mời tham gia tư vấn tới 35 đơn vị, nhưng chỉ một đơn vị phản hồi không tham gia, còn lại không hồi âm. Trước tình thế đó, quận đã đề xuất và được thành phố đồng ý có thể mời tư vấn nước ngoài.
Một vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm xung quanh việc chậm trễ xử lý công trình 8B Lê Trực, đó là vì sao suốt gần 4 năm qua, chính quyền không xử lý dứt điểm? Bởi theo Tổng Giám đốc Công ty CP May Lê Trực Lê Văn Hùng thì sau khi kết thúc giai đoạn 1 phá dỡ phần sai phạm của công trình vào cuối năm 2016, gần 4 năm qua, doanh nghiệp này đã có khoảng 130 văn bản gửi đi rất nhiều nơi đề nghị xử lý dứt điểm vấn đề sai phạm tại dự án, bàn giao cho người mua nhà về ở nhưng sự việc vẫn kéo dài chưa có hồi kết.
Không những thế, ông Lê Văn Hùng cũng khẳng định cả 2 tầng 17 và 18 đều có trong giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp. Vì vậy, các căn hộ tại hai tầng này là tài sản hợp pháp đã bán cho người dân nên thuộc quyền sở hữu của người dân.
Dù thừa nhận trong giấy phép xây dựng cấp cho công trình 8B Lê Trực có ghi cả tầng 17, 18 và nhiều chỉ tiêu khác như diện tích sàn, khoảng lùi, chiều cao, tuy nhiên, ông Chiến vẫn cho rằng, tầng 17, 18 của công trình này vi phạm về chiều cao, diện tích sàn… nên phải phá dỡ.
Tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 12/2, ít nhất 3 lần các phóng viên đặt vấn đề về thời điểm có thể hoàn thành phá dỡ hạng mục sai phạm tại công trình, tuy nhiên, ông Tạ Nam Chiến chỉ có thể nhắc đi nhắc lại: "Chúng tôi đang gặp khó về vấn đề kỹ thuật, chưa tìm được đơn vị tư vấn phá dỡ vì kết cấu công trình này rất phức tạp và phải đảm bảo an toàn cho phần công trình còn lại. Bây giờ chưa thể xác định chắc chắn khi nào thì kết thúc giai đoạn II, có thể là 2-3 tháng hoặc lâu hơn, khi nào quận ký được với đơn vị tư vấn và có phương án phá dỡ được phê duyệt, quận sẽ thông tin tới báo chí".
Với cách trả lời này thì rất có thể việc xử lý công trình 8B Lê Trực sẽ còn kéo rất dài. Vì tại cuộc gặp gỡ báo chí, UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận, tới thời điểm này, tức là hơn 4 năm sau khi kết thúc phá dỡ giai đoạn I, dự toán phá dỡ giai đoạn I vẫn… chưa được phê duyệt vì quá trình triển khai có sử dụng một loại thiết bị chưa có đơn giá định mức ca máy.
Trong khi chính quyền luôn tỏ ra "thận trọng" thì suốt 4 năm qua, những người dân đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua nhà tại dự án này luôn trong tâm trạng "ngồi trên lửa". Theo những người mua nhà tại dự án này thì họ đã bỏ tiền tỉ ra mua nhà tại đây. Một số người dân mua căn hộ tại tòa nhà cũng bày tỏ quan điểm không thỏa mãn với các ý kiến của lãnh đạo quận Ba Đình đưa ra bởi dự án có giấy phép, trong giấy phép ghi rõ có tầng 17, 18 nên giờ không thể phá dỡ phần diện tích đó.
"Trong giấy phép xây dựng được phê duyệt chúng tôi còn giữ ghi rõ có tầng 17 và tầng 18 nên mới quyết định mua căn hộ 1802. Không lẽ chúng tôi mua nhà theo giấy phép cấp mà giờ mất nhà", một khách hàng lo lắng nói.
Chưa rõ rồi đây chính quyền Hà Nội sẽ giải quyết vụ việc này như thế nào. Nhưng rõ ràng, với cách xử lý kéo dài suốt 4 năm qua không chỉ khiến dư luận bức xúc mà người dân và doanh nghiệp cũng đang thiệt hại nặng nề vì sự "cẩn trọng" đến kỳ lạ này!