Vẫn loay hoay với cải tạo chung cư cũ
- Đừng để dân chung cư "sống trong sợ hãi"
- Tòa chung cư - thương mại ở TP HCM có 3 vụ nhẩy lầu tự tử
- Bộ Xây dựng sẽ cùng Hà Nội đẩy nhanh cải tạo chung cư cũ
Khu chung cư cũ L1, L2 nằm ngay mặt đường Láng Hạ, đưa vào sử dụng từ năm 1987. Tháng 11- 2008, UBND TP Hà Nội cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp thực hiện dự án cải tạo khu chung cư cũ này với tiến độ thực hiện từ 2011-2015.
Cuối năm 2015, chủ đầu tư cũ đã chuyển giao dự án cho doanh nghiệp khác. Chủ đầu tư mới đưa ra tiến độ mới là 2016-2019. Tuy nhiên, mốc thời gian này cũng không thực hiện được.
Lý do được chủ đầu tư đưa ra là trong số 118 hộ dân tại đây, dù đã có tới 117 hộ đồng ý phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của chủ đầu tư, nhưng dó có 1 hộ ở tầng 1 chưa đồng thuận phương án đền bù và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Minh họa Tả Từ |
Sau nhiều lần thuyết phục, đầu tháng 11- 2018, UBND quận Đống Đa đã báo cáo thành phố và được UBND thành phố chấp thuận cho phép cưỡng chế đối với hộ không chấp hành.
Nhưng dù chậm thì cuối cùng dự án này cũng đã bắt đầu được triển khai, bởi trên địa bàn Hà Nội hiện còn tới 1.579 nhà chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 đến 1992, trong đó qua đánh giá, xếp loại, thành phố đã lên kế hoạch cải tại, xây mới nhiều chung cư cũ nhưng tới nay phần lớn các dự án vẫn đang "án binh bất động".
Theo UBND TP Hà Nội, đến nay mới có 14 chung cư cũ được xây mới, đưa vào sử dụng; 11 chung cư đang đang được cải tạo. Hà Nội đã giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ cao 2-6 tầng như: Thành Công, Kim Liên, Thanh Xuân Bắc, Kim Giang, Trung Tư, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Tân Mai, Vĩnh Hồ, Hào Nam, Văn Chương...
Không chỉ riêng Hà Nội, theo thống kê sơ bộ, hiện nay tại các đô thị khác cũng có khoảng 1.000 nhà chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 nghìn hộ dân sinh sống. Trong số đó cũng có khoảng 25% thuộc diện hư hỏng cần phải kiểm định để có kế hoạch cải tạo, xây dựng lại.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chung cư cũ đều nằm ở vị trí đắc địa chính vì vậy nhiều doanh nghiệp mong muốn được tham gia và ngay cả người sống ở đấy cũng cho rằng đây là “đất vàng” nên việc cải tạo chung cư cũ càng khó khăn.
Mâu thuẫn về lợi ích là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều khu chung cư cũ nát nhưng không thể đập bỏ xây lại. Mọi việc sẽ đơn giản nếu như những vị trí đất này không tạo ra sự hấp dẫn. Nhưng thực tế tiềm năng có thể sinh lợi ở các khu vực này rất lớn, người dân, nhà đầu tư và cả chính quyền đều nghĩ nó sẽ phát triển hơn nếu cải tạo…
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND TP Hà Nội có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng sau đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ.
Trong đó UBND TP Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu, dự thảo sửa đổi khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở thành: "Nhà chung cư không thuộc diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này nhưng được trên 70% chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư thông qua Hội nghị nhà chung cư".
Đồng thời bổ sung quy định chế tài được cưỡng chế phá dỡ đối với các chủ sở hữu còn lại không đồng ý phá dỡ.
Về quy định diện tích căn hộ tối thiểu, Hà Nội đề xuất diện tích căn hộ trong các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố phải đảm bảo không nhỏ hơn 30 m2 và căn thương mại từ 45m2 trở lên (tính theo diện tích thông thủy).
Trong trường hợp các chủ sở hữu nhà chung cư không lựa chọn được chủ đầu tư, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép địa phương được chỉ định nhà đầu tư có đủ năng lực làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ theo hình thức xã hội hóa.
Việc chỉ định này theo Hà Nội nhằm đẩy nhanh việc cải tạo, xây mới, đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư đã tự bỏ vốn của doanh nghiệp theo đề nghị của thành phố.
Để có thể chủ động trong việc xem xét điều chỉnh đối với từng khu chung cư cũ, tránh trường hợp đối với mỗi dự án là một lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND Thành phố được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình trong khu vực nội đô lịch sử, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng dự án và khả năng đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực.
Tuy nhiên, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, đề xuất cho phép nâng tầng, nâng chiều cao công trình dự án tại khu nội đô cải tạo chung cư cũ của Hà Nội cần phải xem xét thận trọng bởi Hà Nội hiện đã quá tải ở khu vực nội đô nên cần hạn chế tăng dân số ở khu vực này.