Vận dụng bài học Mậu Thân 1968 trong tình hình mới

Thứ Ba, 02/01/2018, 22:08
Cuộc hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 29-12-2017 khẳng định thắng lợi vô cùng to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.


"50 năm đã qua, thời gian đã làm phai mờ, thay đổi nhiều thứ, nhưng những giá trị lịch sử và bài học được đúc rút bằng xương bằng máu của biết bao cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị… 

Lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước", đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Lòng yêu nước của người dân luôn hướng về Tổ quốc

Cuộc hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử" do Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 29-12-2017 thêm một lần nữa khẳng định thắng lợi vô cùng to lớn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (viết tắt Tổng tiến công Xuân Mậu Thân) đã tạo ra bước ngoặt chiến lược, có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược và buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tấn công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để lại những bài học lịch sử quý giá. 

Cùng với thời gian, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí chiến đấu, quyết thắng, khí phách quật cường và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể dân tộc, thể hiện nghệ thuật chiến tranh cách mạng, sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân.

Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử".

Theo Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hội thảo nhằm nhìn lại bối cảnh lịch sử trong và ngoài nước liên quan cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, chủ trương và quyết tâm chiến lược của Trung ương, quá trình chuẩn bị của quân dân chiến trường miền Nam, sự ủng hộ của các nước XHCN, diễn biến kết quả cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân…  

Đặc biệt, "đây cũng là dịp để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, bóp méo chiến thắng, phủ nhận giá trị của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân", Thứ trưởng Lê Chiêm nhấn mạnh.

Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chia sẻ với báo chí nhiều vấn đề về ý nghĩa và bài học lịch sử từ cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân. Ông là người tham gia từ đầu đến cuối cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, đánh vào những cứ điểm quan trọng của địch ở miền Tây Nam Bộ.  

"Cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân đã tạo bước ngoặt lịch sử tiến tới thay đổi hoàn toàn cục diện chiến tranh ở Việt Nam. Bởi nếu không có cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này thì có thể chưa làm cho đế quốc Mỹ nhụt chí và khiến cho nước Mỹ rúng động, từ đó ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris. Và nếu không có Hiệp định Paris thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam nhiều khả năng còn kéo dài", Đại tướng Phạm Văn Trà đánh giá.

Đại tướng Phạm Văn Trà cũng khẳng định rằng, đã có người nói những thắng lợi của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân không lớn, đồng thời còn xuyên tạc không ít thông tin liên quan, nhưng theo ông: Nói như vậy là không đúng. 

Chỉ có người Việt Nam trong cuộc chiến mới hiểu được những thắng lợi đó mang ý nghĩa chiến lược to lớn như thế nào. Giống như cuộc chiến năm 1972 ở Quảng Trị, nếu chúng ta không đánh mạnh ở địa bàn này thì lực lượng cách mạng ở Nam Bộ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đề cập đến vai trò của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, Đại tướng Phạm Văn Trà khẳng định: "Nếu không có sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân thì chúng ta không thể đánh được vì mọi sự giúp đỡ, nuôi giấu, tiếp tế súng đạn, lương thực… đều đến từ nhân dân. Không có nhân dân thì cách mạng không bao giờ thành công".

Đại tướng Phạm Văn Trà chia sẻ với báo chí.

Những bài học quý giá

Cũng nhấn mạnh đến vai trò và đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định trong sự kiện lịch sử cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, theo phương án được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua, Sài Gòn - Gia Định là trọng điểm lớn nhất của cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân, bởi đây là trung tâm đầu não chỉ huy toàn bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam. 

Qua hai đợt Tổng tiến công và nổi dậy, rõ ràng tại Sài Gòn - Gia Định chưa có "Tổng khởi nghĩa", song sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn - Gia Định với nhiều hình thức phong phú là một sự thật lịch sử. 

Không có nhân dân thì không thể nắm tình hình, cán bộ, chiến sĩ không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào thành phố, không thể ém quân bí mật trong lòng thành phố, ngay gần cơ quan đầu não địch, không thể có khối lượng lớn vũ khí để chiến đấu.

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân.

Trong những ngày chiến sự diễn ra cam go, ác liệt, đồng bào các phường, các quận nội thành hết lòng che chở, chăm lo cho cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ. 

Trong khi đó, ở vùng ven, vùng ngoại thành, nhân dân sẵn lòng cưu mang, đùm bọc thương binh với con số thương vong vượt xa dự kiến. Ở Củ Chi, đồng bào xã Nhuận Đức nhận nuôi 700 thương binh, đồng bào xã Bình Mỹ nuôi toàn bộ thương binh của Phân khu 1 đánh vào hướng Gò Vấp.

Lòng dân đã kết thành những lá chắn thép để nuôi giấu, bảo vệ cho lực lượng vũ trang với quân số lên đến sư đoàn, binh đoàn trong cả hai đợt Tổng tiến công và nổi dậy. 

Nhân dân còn trực tiếp tham gia chiến đấu, tiếp tế cơm nước cho lực lượng vũ trang, che chở và nuôi dưỡng thương binh. Rõ ràng cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân ở Sài Gòn - Gia Định cũng như các đô thị ở miền Nam đã thể hiện rõ nét hình ảnh của chiến tranh nhân dân.

Dù cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân khu vực Sài Gòn - Gia Định tuy không đạt được đầy đủ mục tiêu đã đề ra, nhưng đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng Biệt động Sài Gòn, một phương thức đấu tranh quân sự sáng tạo, đặc thù trong đô thị, nơi đầu não của chế độ cũ, có hiệu suất chiến đấu cao, tận dụng được thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị…

Một đơn vị Quân giải phóng làm lễ trao cờ trước giờ xuất kích trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân.

Để vận dụng những bài học lịch sử và tiếp tục phát huy ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần Tổng tiến công Xuân Mậu Thân năm xưa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, riêng với lực lượng CAND, theo Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp, giúp đỡ của các lực lượng và sự đùm bọc, che chở, ủng hộ của nhân dân, lực lượng CAND luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng, hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, mãi xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trong giai đoạn hiện nay, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, xây dựng Đảng và Nhà nước, giữ vững môi trường chính trị ổn định, Đảng ta đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng QĐND và CAND vững mạnh về mọi mặt theo phương châm "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại"; bảo đảm cho Quân đội, Công an luôn là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Lực lượng vũ trang nhân dân được xây dựng vững mạnh, tiếp tục phát huy, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam truyền thống, đồng thời chủ động, sáng tạo làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến công nghệ cao; trên cơ sở đó làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; ngăn ngừa, đẩy lùi, làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm đến an ninh quốc gia, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Phú Lữ
.
.
.