Từ CDC Hà Nội: Lo “khế ngọt” chỉ định thầu

Thứ Ba, 05/05/2020, 09:20
Chưa rõ kết luận điều tra cuối cùng về hành vi của các cán bộ ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội, thuộc Sở Y tế Hà Nội) như thế nào trong vụ mua hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19, nhưng từ những thông tin đã được báo chí dẫn nguồn từ cơ quan điều tra, cho thấy dấu hiệu của những sai phạm rất nghiêm trọng.


Theo đó, bước đầu cơ quan Công an xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống dịch COVID-19 khi nhập về Việt Nam có giá 2,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỉ đồng, cao hơn 3 lần.

Cứ theo như phân tích trên báo chí của nhiều chuyên gia về thiết bị y  tế thì kể cả khi đã tính cả chi phí lắp đặt, đào tạo và bảo hành thì cũng chỉ thêm khoảng 15% tổng giá trị thực của máy.

Dư luận “nóng” lên ngay sau khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) ngày 22/4/2020 khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Công ty cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam và các đơn vị liên quan; tiếp đó là các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” đối với: Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh - Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội và một nhân viên của phòng này là Lê Xuân Tuấn; Đào Thế Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam; Nguyễn Trần Duy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất - nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền - nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

Hệ thống Realtime PCR tự động xét nghiệm COVID-19 đang được mua với nhiều mức giá khác nhau.

Hành vi sai phạm của các bị can chắc chắn sẽ được xử lý. Tuy nhiên, từ vụ này, điều được dư luận thực sự quan tâm là có hay không hành vi trục lợi từ việc nhân cơ hội mua sắm thiết bị thông qua chỉ định thầu, mà vấn đề không phải chỉ riêng tại CDC Hà Nội?

Theo Bộ Y tế, cả nước đã có 110 phòng xét nghiệm có đủ năng lực xét nghiệm COVID-19, trong đó ngành y tế có 95 phòng, các ngành khác có 15 phòng; 36 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định. Vậy, trong cao điểm dịch Covid-19, có bao nhiêu đơn vị, địa phương trong số nêu trên đã mua sắm thiết bị y tế bằng hình thức chỉ định thầu giống CDC Hà Nội?

Quảng Nam là một trong những địa phương đã mua hệ thống Realtime PCR trong thời điểm chống dịch COVID-19 với gía 7,23 tỉ đồng. Hệ thống này được mô tả là gồm: Máy tách chiết DNA/RNA tự động, máy chia mẫu tự động cùng do hãng Qiagen sản xuất, xuất xứ Thụy Sĩ, riêng máy Real - time PCR do Qiagen sản xuất nhưng xuất xứ Malaysia; ngoài ra, còn một số thiết bị phụ trợ mua tại Việt Nam. 

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho hay UBND tỉnh này đã phê duyệt kinh phí 7,56 tỉ đồng để mua nhưng sau đó Sở thương thảo với nhà cung cấp nên được giảm xuống còn 7,23 tỉ đồng. Ông Hai khẳng định giá này do nhà cung cấp đưa ra và Sở đã tham khảo giá ở một số tỉnh, thành khác nên không có khuất tất.

Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh này cũng trang bị một hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR với giá 1,5 tỉ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ với giá 650 triệu đồng. Theo ông Hùng, lúc đầu hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR có giá 1,65 tỉ đồng nhưng qua đàm phán giá giảm còn 1,5 tỉ đồng.

Trong lúc đó, tại Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này cũng mua hệ thống Realtime PCR với giá 8,4 tỉ đồng, sau đó cũng có việc đàm phán và giá hạ còn 7 tỉ đồng. Ông Vũ Văn Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh khẳng định với báo giới là không có việc Quảng Ninh mua hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 với giá nâng khống, "bọn anh mua giá rất rẻ, các thủ tục thực hiện rất chuẩn".

Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR có nhiều loại nên giá khác nhau hay do mua sắm ở các thời điểm khác nhau, rồi còn thêm những điều kiện khác nữa về bảo hành, vật tư kèm theo… nên mỗi nơi đã phải trả một giá khác nhau? Đúng vậy hay tất cả đều là một nhưng đã bị thổi giá kinh hoàng đến vậy?

Lại nói chuyện chỉ định thầu, Luật Đấu thầu qui định về chỉ định thầu là nhằm vào giải quyết một số mục đích cụ thể, trong đó có việc phục vụ cho tính cấp bách của phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, lâu nay dư luận vẫn đồn thổi “chỉ định thầu thực ra là chỉ định các công ty sân sau thực hiện công việc đang cần, nên thật lý tưởng khi cả hai cùng là phe nhà cả. Tất cả đều có lợi”.

Giới cung cấp vật tư và thiết bị các loại nói chung, xưa nay cũng to nhỏ với nhau là không gì sướng bằng việc trúng chỉ định thầu cung cấp vật tư, thiết bị cho các gói đầu tư công. Trúng mấy quả này thì không còn gọi là “khế ngọt” nữa mà phải gọi là “khế rất ngọt”, bởi chi phí là phụ thuộc vào A-B, cứ hồ sơ đầy đủ thì “thánh soi” cũng thua. 

Nếu sự thực tận dụng lợi thế chỉ định thầu để “thổi” được giá từ vài ba tỉ đồng lên 7-8 tỉ đồng thì đồn đoán của dư luận lâu nay là rất đáng phải quan tâm, làm sáng tỏ.

Lương Duy Cường
.
.
.