Tranh cổ động trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”
Thời điểm cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến khó khăn, phức tạp rất cần đến sự đồng lòng, chung sức của toàn thể nhân dân. Công tác tuyên truyền chống dịch trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Chính vì thế, một cuộc vận động sáng tác tranh cổ động “thần tốc” chỉ 5 ngày đã được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức và bất ngờ nhận được sự tham gia rất đông đảo của họa sĩ cả nước.
Hiện những mẫu tranh xuất sắc nhất của cuộc vận động này đã được ấn hành để gửi đến các Trung tâm Văn hóa, thể thao các quận, huyện, thị xã và địa bàn dân cư tại 10.732 UBND xã, phường, thị trấn trên toàn quốc nhằm tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
Góp tiếng nói đẩy lùi dịch bệnh
Cuộc vận động vẽ tranh cổ động được diễn ra trong thời điểm vô cùng cấp bách, khi dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương. Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 10- 15/3 đã có 23 họa sĩ gửi tranh về tham gia lời kêu gọi của Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch. Tổng số 103 bức tranh cổ động xoay quanh chủ đề tuyên truyền phòng chống dịch chỉ trong 5 ngày là một sự ngạc nhiên ngoài mong đợi của Ban tổ chức.
Đại diện Ban tổ chức chia sẻ, các tác phẩm đều được các họa sỹ thể hiện những thông điệp ngắn gọn, rõ ràng, dễ thuộc, dễ nhớ kèm theo tạo hình ấn tượng có khả năng tác động mạnh đến người xem.
Tất cả các khía cạnh thông tin liên quan đến đại dịch như mang khẩu trang khi ra đường, không tụ tập nơi đông người, rửa tay thường xuyên, thậm chí nói không với tin giả, tin fake, cũng được các họa sĩ khéo léo lồng vào các bức tranh với tạo hình đẹp, dễ hiểu.
Ngoài ra, có những bức tranh thể hiện nội dung liên quan đến các triệu chứng biểu hiện của dịch COVID-19. Một số tác giả cũng đề cập đến việc khai báo y tế trung thực, nghiêm túc thực hiện việc cách ly…
Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu như: “Vì một thế giới không có COVID-19” của họa sĩ Nguyễn Anh Minh, “Không để dịch bệnh COVID-19 lây lan cộng đồng” của họa sĩ Hà Quốc Minh, “COVID-19 đừng chủ quan - đừng hoang mang của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung, “Chung sức đồng lòng chống COVID-19” của họa sĩ Đỗ Như Điểm… Trong đó, một số bức tranh được đánh giá là đẹp và đạt tới mẫu mực của tranh cổ động.
Tranh của họa sĩ Hà Quốc Minh (Hòa Bình). |
Ban tổ chức cho biết, có họa sĩ đã gửi hàng chục bức tranh cổ động với nhiều phong cách cũng như hình thức thể hiện khác nhau để Hội đồng tuyển chọn có nhiều cơ hội lựa chọn. Chẳng hạn, họa sĩ Đỗ Trung Kiên là một trong những họa sĩ gửi nhiều tranh nhất.
Họa sĩ Đỗ Trung Kiên chia sẻ, ông rất muốn thông qua những tác phẩm của mình để góp phần tuyên truyền giúp người dân nhận thức tầm quan trọng của việc phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho mình và người thân, không để dịch bệnh bùng phát.
Họa sỹ Lưu Yên Thế cũng tham gia cuộc sáng tác tranh cổ động lần này với nhiều mẫu tranh cổ động. Bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất của một công dân, một họa sỹ trước vấn đề thời sự toàn cầu họa sỹ cho biết, ông luôn cố gắng phát huy khả năng sáng tạo, dồn hết tâm sức để có thể cho ra đời những tác phẩm tranh cổ động có tiếng nói thuyết phục nhất đối với người dân, góp phần đẩy lùi dịch bệnh đang nguy cấp hiện nay.
Từ 103 bức tranh gửi về tham dự, Ban tổ chức đã chọn ra được 14 bức tranh chất lượng tốt phục vụ việc tuyên truyền. Đến nay, Cục Văn hóa cơ sở đã quyết định ấn hành 4 mẫu tranh và 1.000 đĩa tranh cổ động tuyên truyền.
Các sản phẩm này được gửi về các tỉnh, thành phố, quận, huyện trong cả nước, riêng với các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM thì sẽ được gửi tới tận địa cấp phường, xã, để phục vụ công tác tuyên truyền, giúp toàn dân nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Tranh của họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ Dung (Hà Nam). |
Sức mạnh tuyên truyền từ tranh cổ động
Với đặc trưng của mình, tranh cổ động luôn đồng hành cùng các sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa quan trọng của đất nước. Hiệu quả tuyên truyền mà tranh cổ động mang lại là vô cùng thiết thực. Nhìn lại lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đã từng có những sự kiện khiến người xem bất ngờ về sức mạnh của tranh cổ động.
Khi họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ bức tranh cổ động dựng trước đồn Bản Kéo, Điện Biên Phủ khiến quân địch trong đồn phải kéo nhau ra hàng. Trong giai đoạn quyết liệt của cuộc chiến, có thể nói chỉ một bức tranh cổ động thôi đã có ý nghĩa rất lớn trong công tác địch vận, hạn chế thương vong, tiêu hao vũ khí, góp phần lớn vào chiến thắng của quân và dân ta.
Trong từng giai đoạn của đất nước, dù chiến tranh hay hòa bình, tranh cổ động vẫn luôn có mặt trong công tác tuyên truyền, nhằm cổ động, khích lệ tinh thần của nhân dân.
Tranh của Họa sĩ Trần Duy Trúc (Hà Nội). |
Họa sĩ Hà Huy Chương, người có nhiều kinh nghiệm vẽ tranh cổ động chia sẻ: “Nói đến tranh cổ động thì yêu cầu đầu tiên là ý tưởng phải dễ hiểu để ai xem cũng hiểu được và tất nhiên hình thức phải đẹp nữa.
Để được như vậy, người họa sĩ trước hết phải có ý tưởng và ý tưởng ấy xuất phát từ nội dung cụ thể. Ý tưởng mà họa sĩ thể hiện ra phải có tìm tòi sáng tạo chứ không thể chỉ cắt ghép, thậm chí phải có tiếng nói riêng của mình, nhưng tiếng nói ấy phải hòa đồng với mục đích, ý nghĩa của việc tuyên truyền.
Ngoài ra, họa sĩ phải tìm tòi hình thức thể hiện, xây dựng bố cục, mảng màu sắc độ đường nét, chữ trên tranh sao cho phù hợp từng loại tranh, từng nội dung về chính trị, về văn hóa, xã hội...
Tác giả phải thể hiện được dấu ấn trong cách thể hiện của mình để nhìn bức tranh của họa sĩ này khác họa sĩ kia, hay nói cách khác là họa sĩ tranh cổ động cũng phải tạo được phong cách riêng. Trong cái chung phải có cái riêng, cái riêng phải gắn với cái chung.
Đó là điều không dễ mà họa sĩ phải thể hiện cho được. Không ít người vẽ tranh cổ động đến một lúc cảm thấy bất lực, không làm được nữa, đành bỏ ngang. Theo đuổi nó đến cùng, số ấy thực sự không nhiều”.
Tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế (Hà Nội). |
Với những họa sĩ vẽ tranh cổ động, việc giỏi nghề (kỹ năng hội họa) là đương nhiên, nhưng quan trọng hơn là mỗi người phải nhạy bén với các chuyển động của đời sống. Họ phải hiểu thấu các giá trị văn hóa dân tộc, có một sự rung cảm với cuộc sống thường ngày.
Khi vẽ tranh cổ động, cái tôi của người nghệ sĩ phải hòa vào cái ta chung. Họ biết rằng tác phẩm của mình sẽ để phục vụ tập thể, quần chúng nhiều hơn, do đó các thông điệp phải trực tiếp, rõ ràng, vừa tạo ra cảm xúc thẩm mỹ vừa thay đổi hành vi của người xem theo hướng tích cực.
Tranh của họa sĩ Lưu Thuận Long (Quảng Bình). |
Các họa sĩ chuyên nghiệp vẽ tranh cổ động hiện nay không có nhiều. Phần vì trong đời sống mỹ thuật nói chung, tranh cổ động nhiều khi vẫn chưa được đánh giá đúng tầm quan trọng của nó.
Họa sĩ vẽ tranh cổ động thường khó sống bằng nghề. Nếu như một họa sĩ vẽ tranh các dòng khác thì dễ bán tranh hơn, thì họa sĩ vẽ tranh cổ động chật vật mới sống được và thường họ phải làm thêm nghề khác.
Sân chơi cho các họa sĩ vẽ tranh cổ động không nhiều, chủ yếu là các cuộc vận động sáng tác. Tác giả may mắn đoạt giải thì giải thưởng cũng không nhiều, còn nếu tranh được sử dụng trên báo hay treo các nơi thì tiền thù lao cũng không nhiều.
Đấy là chưa kể hiện nay nạn xâm phạm bản quyền vẫn chưa được giải quyết, nhiều tác giả có tranh cổ động thường than phiền tranh của họ thường xuyên bị một số đơn vị in sao bán tràn lan mà không ai quản lý.
Mặc dù vậy, với nhiều họa sĩ, việc vẽ tranh cổ động vẫn luôn là một niềm đam mê, một niềm vui được góp tiếng nói của mình vào những sự kiện đặc biệt của đất nước. Thông qua đó, người nghệ sĩ thể hiện được trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mình.