Tranh cãi về danh sách đen "Thiên đường thuế"

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:39
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố danh sách đen gồm 17 quốc gia nằm trong "Thiên đường thuế", không những các quốc gia và vùng lãnh thổ bị điểm danh, mà cả một số tổ chức phi chính phủ cũng đã và đang phản ứng mạnh mẽ.

Trong khi Nghị sỹ châu Âu Eva Joly coi bản danh sách kể trên chẳng có ích lợi gì khi không đi kèm với các biện pháp trừng phạt, thì tổ chức Attac nhận định, EU đang đánh trận giả trong cuộc chiến chống trốn lậu thuế. 

Còn theo Oxfam, danh sách đen của EU có nhiều khiếm khuyết - phải là 35 nước thay vì 17 quốc gia và tại sao không có một thành viên nào của EU xuất hiện trong danh sách đã lập.

Bởi theo Oxfam, Ireland, Luxemburg, Hà Lan là "Thiên đường thuế" vì những nước này luôn xảy ra các vụ bê bối trốn thuế. Trong số những quốc gia và vùng lãnh thổ bị EU đưa vào danh sách đen, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bày tỏ sự ngạc nhiên và thất vọng. Bộ trưởng Kinh tế Dulcidio De La Guardia mạnh mẽ bác bỏ việc EU đưa Panama vào danh sách kể trên.

Danh sách đen “Thiên đường thuế” của EU bị chỉ trích.

Tunisia thể hiện sự bất ngờ, không hài lòng, và yêu cầu xem xét lại danh sách này "trong thời hạn ngắn nhất". Chính phủ Panama còn triệu hồi Đại sứ của mình tại Brussels (Bỉ) để tham vấn sau khi họ có tên trong danh sách đen của EU. Hàn Quốc coi đây là quyết định đi ngược lại với các tiêu chuẩn quốc tế và có thể làm phương hại đến chủ quyền thuế quan.

Macao coi quyết định của EU không công bằng và không phản ánh đúng tình hình. Mông Cổ và Namibia coi việc nước mình bị đưa vào danh sách đen chỉ xuất phát từ việc khó lấy thông tin. Theo giới truyền thông, khi công bố 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, EU cho biết họ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan đến chính sách ngoại giao, quan hệ kinh tế và hợp tác phát triển.

Và các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc cung cấp tài liệu bí mật và không khấu trừ thuế. EU cũng cho biết, danh sách đen không phải là bất biến vì luôn cập nhật và việc hơn 10 quốc gia thoát khỏi danh sách đen bởi họ cam kết cải thiện chính sách thuế, minh bạch và chia sẻ thông tin. Ngoài danh sách đen, EU còn lập "danh sách xám" gồm 47 quốc gia và thực thể bị coi không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế, nhưng cam kết sẽ thay đổi.

Được biết, để công bố 17 "Thiên đường thuế", EU phải đàm phán 10 tháng căng thẳng. Và tuy đưa ra bản danh sách kể trên, nhưng EU hiện vẫn chưa thống nhất được biện pháp trừng phạt. Theo giới truyền thông, Đức và Pháp ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các "Thiên đường thuế" bị liệt vào danh sách đen như không cho họ nhận tài trợ của EU và Ngân hàng Thế giới (WB).

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis coi vụ rò rỉ "Hồ sơ Paradise" cho thấy, EU cần thúc đẩy nhiều hoạt động để đối phó với "Thiên đường thuế". Trong năm 2016, Ủy ban châu Âu đã xác định 81 quốc gia và lãnh thổ có liên quan tới trốn thuế. Sau hơn 1 năm "Hồ sơ Panama" được công bố, thế giới lại chấn động bởi vụ rò rỉ "Hồ sơ Paradise".

Và theo những tiết lộ từ "Hồ sơ Paradise", hơn 120 chính khách đến từ 50 quốc gia cùng nhiều cái tên bị điểm danh như Twitter, Facebook, Nike, Apple, Uber… Trong số những cái tên được nêu, dư luận đặc biệt quan tâm tới tỷ phú trẻ nhất nước Anh Hugh Grosvenor, 26 tuổi, "cậu ấm" duy nhất của ông Gerald Cavendish Grosvenor, Công tước xứ Westminster đời thứ 7 của dòng họ Grosvenor.

Tiếp đến là Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Henrique Meirelles, Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Blairo Maggi, Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Bộ trưởng Tài chính Argentina Luis Caputo, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, ông Stephen Bronfman, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Canada Justin Trudeau…

Hãng CBC cho biết, có gần 3.300 công ty và cá nhân Canada xuất hiện trong "Hồ sơ Paradise", nhiều gấp 5 lần so với con số 625 trường hợp bị điểm danh trong "Hồ sơ Panama". Và trong số những cái tên được đưa ra có cựu Thủ tướng Jean Chretien, hệ thống siêu thị Loblaw, Montreal Canadiens… Được biết chỉ trong năm 2012, mạng lưới phát triển khách hàng tại Canada của Appleby đã lập được 127 tài khoản mới.

"Hồ sơ Paradise" do 381 nhà báo đến từ 67 quốc gia phân tích và công bố thông tin. Hầu hết tài liệu trong "Hồ sơ Paradise" thuộc về hãng luật Appleby (Bermuda) và Công ty Nghiên cứu và Đầu tư thông tin Asiaciti Trust (Singapore). Theo Bộ Tài chính Hà Lan, họ đang tái xem xét khoảng 4.000 thỏa thuận thuế ký giữa chính phủ nước này với các công ty quốc tế trong giai đoạn 2012-2016 nhằm xác minh độ hợp pháp của chúng. Việc này diễn ra sau khi "Hồ sơ Paradise" cho biết, có sai phạm trong soạn thảo quy định về thuế đối với Tập đoàn Procter&Gamble của Mỹ (từng bị nghi trốn khoảng 169 triệu USD tiền thuế). Bộ Tài chính Hà Lan cũng đã thừa nhận sai phạm này.
Khắc Tuấn
.
.
.