Thủ tướng Nhật Bản tái đắc cử, mở đường thay đổi Hiến pháp
- Ông Shinzo Abe tái đắc cử Thủ tướng Nhật Bản
- Thủ tướng Nhật Bản giành thế thượng phong trong cuộc bầu cử Hạ viện
- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố bầu cử sớm
Ông Shinzo Abe (63 tuổi) nhận được 312 phiếu ủng hộ tại Hạ viện, nơi có 465 nghị sĩ. Tại Thượng viện, ông Abe nhận được 151 trên 242 phiếu ủng hộ.
Cơ hội cuối cùng
Đây là một diễn biến được dự đoán trước sau khi liên minh cầm quyền của ông Abe giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử tháng trước. Liên minh cầm quyền mà đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông dẫn đầu đã duy trì được thế "siêu đa số" trong Hạ viện Nhật Bản sau kỳ bầu cử diễn ra hôm 22-10 vừa qua.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Thủ tướng Shinzo Abe sau khi tái đắc cử đã quyết định thành lập chính phủ mới, trong đó không có sự thay đổi nào so với nội các trước đây. Đây được xem là một cơ hội hiếm có và cũng là cơ hội cuối cùng để ông tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp cùng các chính sách quan trọng khác.
Ý định thay đổi Điều 9 trong Hiến pháp vì Hòa bình của Thủ tướng Shinzo Abe được cho là mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn. Những người ủng hộ bản Hiến pháp này coi đó là một bước đi quan trọng trong việc tạo dựng nền tảng cho một “nền dân chủ thời hậu chiến”, trong khi những người muốn thay đổi Hiến pháp như ông Abe lại coi đó là “sự áp đặt đáng xấu hổ” đối với thất bại của Nhật Bản sau Thế chiến II.
Việc có thể thay đổi được Hiến pháp sẽ được coi là một chiến thắng dành cho Thủ tướng Shinzo Abe - người muốn khôi phục lại những di sản truyền thống. Ông Abe thường xuyên đề cập đến việc phải đặt trách nhiệm quốc gia cao hơn quyền lợi của mỗi cá nhân cũng như cần phải nới lỏng các quy định hạn chế đối với quân đội Nhật Bản - yếu tố then chốt trong việc sửa đổi Hiến pháp.
“Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng tạo lập di sản cho mình. Di sản đầu tiên của ông ấy chính là việc nỗ lực đưa nước Nhật thoát khỏi tình trạng giảm phát. Di sản thứ 2 chính là việc tìm cách thay đổi Hiến pháp Nhật Bản. Các bạn có thể tranh luận về việc liệu ông ấy có tập hợp đủ quyền lực để làm được việc này hay không nhưng đó chính là yếu tố làm nên việc đánh giá thành bại của chính Thủ tướng Shinzo Abe”, ông Jesper Koll, Chủ tịch Quỹ WisdomTree Japan nhận định.
Việc thay đổi Hiến pháp Nhật Bản đòi hỏi sự ủng hộ của ít nhất 2/3 nghị sĩ tại cả 2 viện của Nhật Bản và sự đồng thuận của đa số người dân trong một cuộc trưng cầu ý dân công khai.
Thắt chặt quan hệ với Mỹ
Trong một cuộc điện đàm diễn ra vào cuối tháng 10, ông Abe cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đưa ra các biện pháp đối phó với chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Trong cuộc điện đàm, ông Trump đã nói với ông Abe rằng ông "đang hướng tới chuyến thăm Nhật Bản, rằng Nhật và Mỹ luôn sát cánh 100% và không có chỗ cho sự ngờ vực về khối đồng minh Mỹ - Nhật", Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản, ông Yasutoshi Nishimura, phát biểu trước báo giới.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật đã tích cực phát triển mối quan hệ cá nhân kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1 năm nay, thậm chí họ còn lên kế hoạch chơi golf cùng nhau nhân chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Nhật Bản từ ngày 5 đến 7-11 tới đây.
Theo kế hoạch, trong cuộc hội đàm dự kiến diễn ra vào ngày 6-11, lãnh đạo hai nước sẽ tái cam kết quan hệ đồng minh song phương; đồng thời nhấn mạnh đến việc hai bên đồng thuận về cách thức giải quyết mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Cuộc điện đàm gần đây nhất của hai nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ diễn ra vào ngày 23-10 khi Tổng thống Donald Trump chúc mừng ông Abe giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện trước thời hạn.