Thầy giáo làng gây dựng hàng trăm tủ sách miễn phí cho học sinh

Thứ Năm, 27/12/2018, 10:16
Được nhìn những em nhỏ chăm chú đọc sách với sự yêu thích là lúc thầy giáo Bùi Văn Đông cảm thấy vui nhất, vì thầy luôn tâm niệm một điều “Những người yêu sách, ham thích đọc sách thì sẽ không bao giờ làm điều xấu”.


Chính vì thế, thầy Đông đã bỏ tiền túi mở một tủ sách tại gia đình với hàng ngàn cuốn để phục vụ miễn phí cho học sinh và người dân. Ngoài ra, thầy Đông còn âm thầm gây dựng hàng trăm tủ sách tại các trường học với mong muốn văn hóa đọc không bị mai một trong thế hệ trẻ.

Bỏ tiền túi mở tủ sách phục vụ miễn phí

Tôi tìm đến làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô (Ninh Bình) hỏi nhà thầy giáo Bùi Văn Đông. Căn phòng khách nhà thầy Đông kê những tủ sách rất gọn gàng. 

Có khoảng hơn 10 người đang chăm chú đọc sách. Thầy Đông chia sẻ: “Sau nhiều năm ấp ủ, đúng Ngày sách Việt Nam năm nay (21-4-2018), mình chính thức khai trương “Tủ sách gia đình”, phục vụ miễn phí cho các em học sinh và người dân địa phương. 

Hiện nay, tủ sách của gia đình mình có gần 3.000 đầu sách với nhiều loại sách khác nhau như: sách học sinh, sách tri thức khoa học giáo dục, sách lịch sử, văn học, tiếng Anh, sách cho các bà mẹ và trẻ em… 

Nhiều nhất là sách học sinh, chiếm 50%. Sở dĩ sách học sinh nhiều là vì lượng độc giả đến với tủ sách gia đình đông nhất là các em học sinh ở các cấp học. Sách học sinh có nhiều loại để các em bổ sung kiến thức, nâng cao kỹ năng sống…”.

Khi về hưu thầy Đông sẽ mở tủ sách lớn thành thư viện.

Trước khi được đánh mã số, đưa lên giá sách phục vụ bạn đọc, thầy Đông đều đọc hết từng cuốn và nghiên cứu kỹ xem sách có ý nghĩa hay không rồi mới cho người khác đọc. Sau nhiều tháng hoạt động, đến nay “Tủ sách gia đình” đã có trên 10.000 lượt mượn sách và có hàng trăm độc giả thường xuyên. 

Độc giả nhỏ tuổi nhất là các em học sinh mới biết đọc, đến những người phụ nữ, người già cao tuổi… Những tháng hè, thầy Đông mở cửa Tủ sách cả ngày để tiếp đón độc giả. Vào năm học, Tủ sách chỉ mở cửa ngày vào thứ 7 và chủ nhật. Các em học sinh, người dân khi đến đọc và mượn sách được thầy Đông tận tình hướng dẫn cách chọn sách đọc sao cho phù hợp với lứa tuổi, cách thưởng sách sao cho hiệu quả.

Em Nguyễn Thị Thùy, học sinh lớp 12A, trường THPT Yên Mô A chia sẻ: “Mỗi khi có thời gian em lại đến tủ sách nhà thầy Đông, dù nhà cách xa 4km. Đến đây, em không chỉ được tự do đọc và mượn sách mà còn được thầy hướng dẫn đọc sách đúng cách, đọc cuốn sách có ý nghĩa phù hợp. Từ ngày có tủ sách nhà thầy Đông em ngày càng ham đọc sách và hiểu biết thêm nhiều kiến thức hơn”.

Các em nhỏ đam mê đọc những quyển sách mình yêu thích.

Cậu bé Nguyễn Cao Bằng, học sinh lớp 5 kể: “Từ khi đến đọc sách ở đây con không còn sợ môn Văn nữa. Những câu chuyện trong những cuốn truyện chữ giúp con có một vốn từ vựng phong phú, giúp con vận dụng tốt trong các bài làm Văn. Ngoài ra con còn tìm đọc những cuốn truyện tranh hay như cô tiên Xanh, thần đồng đất Việt giúp con hiểu được những giá trị trong cuộc sống”.

Còn với em Phạm Bảo An, 13 tuổi thì mỗi khi đến với “thư viện thầy Đông” là những lúc em cảm thấy thoải mái nhất. Đến đây ngoài đọc sách em còn làm quen được rất nhiều bạn mới cùng yêu thích đọc sách với mình để cùng trò chuyện về những giá trị mà từng cuốn sách mang lại.

Ngồi trong một góc với chiếc bàn nhỏ, hai mẹ con chị Hồng Thơ đang say mê với từng cuốn sách của mình. Chị Thơ chia sẻ: “Hầu như thứ bảy, chủ nhật nào hai mẹ con chị cũng đến đây. Lúc đầu chị muốn cho con trai qua đây để cháu vui chơi, xem sách… cho quên bớt điện thoại, điện tử. Nhà chị chỉ có hai mẹ con. Cu con ở nhà, đặc biệt là những ngày nghỉ, nó chỉ vùi đầu vào ipad. Theo con mà chị cũng ham đọc sách từ lúc nào chẳng hay! 

Ở đây có nhiều quyển sách phù hợp với tâm trạng và lứa tuổi của chị, những cuốn sách đưa ra lời khuyên bổ ích và cách thức vượt qua áp lực, sống vui vẻ hạnh phúc là liều thuốc bổ giúp con người ta bình lặng và hồi phục sau những tổn thương về mặt tinh thần. Cảm ơn thầy Đông nhiều lắm vì đã tạo ra một sân chơi tri thức cho mọi người”.

Thầy Đông chia sẻ với chúng tôi, khi nào về hưu thầy sẽ mở rộng “Tủ sách gia đình” lớn hơn thành thư viện gia đình, có nhiều đầu sách hơn nữa để phục vụ các em học sinh và những người yêu đọc sách. 

“Nhiều người có thể tốn kha khá tiền mua những cuốn sách chỉ để tham khảo một vài phần trong đó. Nhưng với một số người không có điều kiện kinh phí thì có thể tìm đến thư viện và hòa mình vào kho tàng sách sẵn có. Tất cả các vấn đề trong cuộc sống, xã hội mà bạn chưa hề biết đến đều được cập nhập ở các cuốn sách mới mà bạn sẽ không thể nào đọc hết được. Không chỉ có vậy, sách sẽ giúp bạn thoải mái, thư giãn đầu óc sau những tháng ngày mệt nhọc, lu bù với công việc hay học hành” - thầy Đông chia sẻ.

Phong phú các loại sách cho các em lựa chọn.

Âm thầm gây dựng "Tủ sách lớp học"

Là giáo viên dạy môn Toán, công tác từ năm 1984 và kinh qua nhiều công việc từ giảng dạy đến quản lý tại các trường THCS trên địa bàn huyện Yên Mô. Thầy Bùi Văn Đông thích đọc sách từ những ngày còn nhỏ, nhưng vì gia đình không có điều kiện để mua sách nên phải sang đọc nhờ nhà bác họ. Nhờ việc chăm đọc mà thầy Đông học giỏi và đạt được nhiều giải thưởng từ ngày còn là học sinh.

“Niềm vui nhất của mình lúc bấy giờ là cứ mỗi lần đạt giải học sinh giỏi thì lại được tặng sách vở. Khi lên học cấp 3, đại học, rồi sau này ra trường làm giáo viên, lúc nào mình cũng luôn dành tiền để mua những cuốn sách yêu thích về đọc” - thầy Đông chia sẻ.

Có niềm yêu sách đặc biệt, thầy Đông luôn ấp ủ làm sao để truyền được văn hóa đọc cho những người xung quanh mình, nhất là thế hệ học sinh đang mất dần văn hóa đọc sách bởi các trò chơi trên mạng. Vì thế, cứ mỗi lần có sách hay, thầy lại mang đi tặng.

Khao khát lập ra những “Tủ sách lớp học” và tủ sách gia đình để truyền cảm hứng đọc cho nhiều người dần trở thành hiện thực khi cách đây hơn một năm, trong lần đi công tác đến trường THCS xã Yên Đồng, thấy các em học sinh ở đây rất ham đọc sách, thầy Đông đã hứa, đầu năm học sẽ tặng sách cho các em. Đúng năm học mới 2018 - 2019, thầy bỏ tiền túi mua gần 2 triệu đồng tiền sách mang tặng cho các em học sinh.

Theo thầy Đông thì phương pháp đọc sách cũng rất quan trọng.

Từ trường THCS Yên Đồng, thầy Đông âm thầm, lặng lẽ truyền văn hóa đọc đến các thầy cô giáo, rồi các em học sinh toàn huyện. “Tủ sách lớp học” của thầy Đông nhen nhóm từ trường THCS Yên Đồng bắt đầu được lan rộng ra nhiều trường trên địa bàn. 

Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, với 3 đợt triển khai, thầy cùng các nhà trường đã thực hiện được 302 “tủ sách lớp học” ở 13 trường THCS, 10 trường tiểu học và 18 trường mầm non trên địa bàn. Ngoài ra, thầy còn thực hiện tủ sách nhỏ lẻ ở nhiều trường, tùy theo nhu cầu của các trường khác nhau.

Ban đầu thầy Đông hoàn toàn chủ động lo kinh phí để có “tủ sách lớp học”. Sau đó, thầy nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các nhà trường, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh vì mọi người đều hiểu được giá trị to lớn của việc đọc sách. 

Về cách quản lý sách ở từng lớp, thầy Đông cho hay, mỗi lớp sẽ có một cuốn sổ nhập sách, sổ mượn sách và cuốn ghi cảm nhận về từng cuốn sách sau khi đọc. Những cuốn sổ này do lớp trưởng phụ trách. 

Để kích thích văn hóa đọc, thầy Đông cùng các nhà trường thường xuyên thực hiện hướng dẫn đọc sách. Tổ chức hoạt động “khuyến đọc” gắn với các cuộc thi như: thi giới thiệu sách, thi viết cảm nhận về sách, diễn tiểu phẩm theo sách.

Ngoài ra, thầy Đông cũng luôn phối hợp với các tác giả, dịch giả, nhà xuất bản nổi tiếng tổ chức các sự kiện tặng sách, giao lưu để hoạt động khuyến đọc được nhân rộng tại các nhà trường có “tủ sách lớp học” như: các sự kiện tặng sách “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”, “Người mẹ tốt”, “Môn Sử không chán như em tưởng”; tổ chức cho những học sinh ham đọc sách trong huyện đi trải nghiệm không gian văn hóa sách ở TP Hà Nội và một số tỉnh, thành lân cận. 
Tuấn Trình
.
.
.