Thấy gì sau phong trào "Áo gilê vàng"

Thứ Hai, 24/12/2018, 11:48
Đã có nhiều giải thích cặn kẽ và dễ hiểu về nguyên nhân của những cuộc biểu tình "Áo gilê vàng" (Gilets Jaunes) dẫn đến bạo loạn ở Pháp trong hơn một tháng qua và hiện đang lan sang nhiều nước châu Âu khác.


“Truyền thống” phản kháng

Theo nhà báo Louis Raymond, phong trào Áo gilê vàng là hậu quả của bất mãn xã hội do chính phủ tăng thuế, sự bất tín nhiệm chính quyền tăng cao, và do người dân đang “ghét cái bản mặt” của ông Tổng thống Emmanuel Macron có vẻ kiêu căng. Trong khi đó, một nhà báo khác lại cho rằng có những lý do sâu xa hơn: Thiếu các phe nhóm đối lập có thể giúp làm cân bằng các chính sách cải cách táo bạo của chính quyền Macron; và tâm lý sợ xuống cấp trong thang bậc xã hội của người dân Pháp.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng có một nguyên nhân còn sâu xa hơn nữa, đó chính là bản chất của mô hình xã hội và cách người dân nhìn nhận vai trò của chính quyền theo truyền thống ở Pháp.

Theo Giáo sư Sử học Michel Pigenet thuộc Trường đại học Paris 1, nước Pháp có một “truyền thống huy động tập thể quần chúng. Truyền thống đó mang một thái độ chung đó là ‘chính quyền phải lắng nghe chúng tôi, không cách này thì cách khác”. 

Truyền thống này đã được ghi vào Hiến pháp của Pháp năm 1793, với Điều 35 tuyên bố người dân có “quyền khởi nghĩa” mỗi khi chính quyền không lắng nghe dân. Cho dù Hiến pháp 1793 không còn hiệu lực, ý niệm này vẫn còn tồn tại trong tâm trí người dân Pháp.

Trong khi đó, nhà xã hội học Charles Tilly cho biết người dân Pháp từ trước cuộc Cách mạng Pháp 1789 đã có một văn hóa dân gian đặc trưng. Đó là tụ tập thành những nhóm đông người cùng đem nồi niêu xoong chảo đến la hét và quấy phá ồn ào trước cửa nhà của những người dân bị cho là đã làm những điều xằng bậy, ví dụ như ngoại tình hay tham nhũng của công. 

Qua thời gian, văn hóa này trở thành văn hóa tụ họp đông người nhằm chống đối những vấn đề to lớn hơn. Thay vì chỉ phản đối những cá nhân làm điều bậy bạ ở địa phương, càng về sau này người dân càng công kích chính quyền và các chính sách quốc gia. 

Chính quyền Pháp càng có quyền lực to lớn, ngày càng kiểm soát nhiều mặt đời sống của người dân hơn bao nhiêu thì người dân cũng ngày càng xem chính quyền Pháp là một mục tiêu cho các hoạt động chống đối, “gõ nồi đập chảo” tập thể của họ hơn bấy nhiêu.

Hậu quả tập trung quyền lực

Theo nhà sử học chuyên nghiên cứu về nước Pháp, Herrick Chapman, kể từ bản Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ Năm ở Pháp (1958), quyền lực đã được tập trung quá nhiều vào vị trí tổng thống Pháp mà không được chia sẻ với những vị trí khác. 

Chẳng hạn, nếu mồm miệng của Quốc hội cũng “có gang có thép”, người dân Pháp có thể trông cậy nhiều hơn vào các vị nghị sĩ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Ví dụ, trước việc tổng thống muốn tăng giá xăng, người dân có thể phản đối qua con đường Quốc hội. Thế nhưng, Hiến pháp 1958 đã tập trung quá nhiều quyền lực vào tay tổng thống, khiến cho Quốc hội chỉ trở thành nơi hội họp của các ông bà “nghị gật”.

Và do không thể kiến nghị qua con đường Quốc hội, người dân phản ánh trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình lên Tổng thống qua những cuộc biểu tình quy mô lớn như đã diễn ra vài tháng qua. 

Nghiên cứu của Giáo sư Oliver Cahn từ Trường đại học Tours cho thấy hoạt động biểu tình tại Pháp xưa nay hầu hết có tác dụng thay đổi chính sách nhà nước. 

Đợt biểu tình và bạo động lớn năm 1968 dẫn đến việc tăng mức lương tối thiểu. Biểu tình năm 1986 khiến cho chính quyền phải bãi bỏ việc áp đặt tiêu chuẩn đầu vào khắt khe trong tuyển sinh đại học. Biểu tình năm 2006 khiến chính phủ phải bãi bỏ một mẫu hợp đồng lao động mới vốn làm cho việc thuê mướn và sa thải người làm của chủ doanh nghiệp dễ dàng hơn. 

Còn với phong trào Áo gilê vàng hiện nay, Chính phủ Macron đã phải nhượng bộ không tăng giá xăng tiếp và đồng thời tăng mức lương tối thiểu cho người dân.

Tuy nhiên, có một vấn đề là tính bạo lực trong các cuộc biểu tình. Phát biểu với AFP, giáo sư Michel Pigenet cho rằng bạo lực trong biểu tình không phải là một truyền thống đặc trưng của người Pháp. 

Thế nhưng, thực tế là riêng trong các cuộc biểu tình và bạo động của phong trào Áo gilê vàng tính từ ngày 17-11 tới 8-12 đã có ít nhất 4 người chết, 874 người bị thương. Đợt biểu tình năm 1968 cũng từng khiến ít nhất 4 người chết, trong đó có một cảnh sát và một sinh viên Pháp. 

Không có thống kê đầy đủ về tổng số người chết và bị thương trong tất cả các cuộc biểu tình tại Pháp, nhưng có thể nói một cách chắc chắn rằng cho dù bạo lực khi biểu tình không phải là truyền thống của người Pháp thì nó vẫn đã và đang diễn ra. 

Nhiều nhà quan sát cho rằng biểu tình ở Pháp ngày càng có khuynh hướng bạo lực dẫn đến việc đập phá nhà cửa, tài sản và gây thương tích của người dân. Giáo sư Pigenet cũng ghi nhận bạo lực trong biểu tình tại Pháp đã tăng dần từ những năm 2000.

Nguồn gốc bạo lực?

Tại sao bạo lực ngày càng leo thang trong các cuộc biểu tình ở Pháp? Theo các nhà nghiên cứu, bạo lực bắt nguồn từ một lực lượng gọi là “casseurs” (những kẻ gây rối). Những kẻ gây rối này xuất hiện “trong bất cứ cuộc biểu tình hay ‘tụ tập đông người’ nào” và họ tham gia biểu tình “để đốt phá, để giao chiến với nhân viên công lực”. 

Có 2 thành phần casseur chính, gồm các phần tử bất mãn, đa số từ các vùng ngoại ô nghèo, lợi dụng cơ hội để đốt phá và ăn cướp; và các nhóm cực đoan, từ cực hữu tới cực tả muốn lợi dụng bất cứ cơ hội nào để giao chiến với cảnh sát, với mục tiêu là tiêu diệt thể chế dân chủ.

Tuy nhiên, những thành phần casseur này lúc nào cũng có chứ không phải mới xuất hiện. Nhưng việc họ đang ngày càng trở nên manh động hơn là do các lực lượng xã hội đã từng giúp tổ chức và lãnh đạo các phong trào biểu tình tại Pháp hiện đang ngày một yếu đi. 

Việc thiếu vắng các hội nhóm dân sự có khả năng lãnh đạo và tổ chức biểu tình đã khiến các cuộc biểu tình tại nước này ngày càng không còn đảm bảo được việc các thành viên tham gia biểu tình đều sẽ giữ kỷ luật và duy trì biểu tình ôn hòa. 

Không có lãnh đạo tổ chức, đảm bảo kỷ luật tốt, ngày càng dễ bị các nhóm cực đoan chính trị lợi dụng để tạo ra bạo loạn, các cuộc biểu tình ở Pháp trong tương lai chắc sẽ còn nhuốm màu bạo lực.

Vĩnh Đông
.
.
.