Thái Lan tính dời thủ đô khỏi Bangkok vì giao thông quá tải

Chủ Nhật, 06/10/2019, 11:15
Thái Lan có thể là quốc gia tiếp theo ở Đông Nam Á di dời thủ đô của mình sau khi Thủ tướng Prayut Chanocha chia sẻ rằng chính phủ của ông sẽ cân nhắc về vấn đề này. Thủ tướng Thái Lan cho rằng việc di dời thủ đô có thể giúp Bangkok giải quyết những thách thức đô thị. Bangkok đang phải đối mặt với tình trạng quá tải, ô nhiễm, mực nước biển dâng cao và tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.


Luôn nằm trong Top 10 thành phố tắc đường nhất thế giới

Bangkok là một trong số 10 thành phố có tình trạng ùn tắc giao thông tồi tệ nhất thế giới. Tình trạng này sẽ tiếp tục xấu đi bởi trong vòng một thập kỷ tới, khoảng 1 triệu phương tiện nữa sẽ đổ về thủ đô này.

Năm 2017, theo điều tra của TomTom - công ty chuyên về giao thông và dịch vụ dẫn đường của Hà Lan, đã xếp Bangkok là thành phố tắc đường kinh khủng nhất thế giới trong giờ cao điểm. Kết quả được đưa ra sau khi TomTom theo dõi tình hình giao thông trong nhiều năm tại 390 thành phố trên hơn 48 quốc gia.

Cảnh hàng ngày trên đường phố Bangkok.

Chuyên gia giao thông của TomTom cho biết Thái Lan và nhiều thành phố lớn khác trong top thành phố tắc đường của thế giới, đã trở thành nạn nhân cho chính sự phát triển ồ ạt của mình. Sự phát triển kinh tế và bùng nổ dân số đồng nghĩa với việc giao thông đông đúc và cơ sở hạ tầng ngày càng phải thay đổi để đáp ứng. Theo Tom Tom, đây là một thách thức cho bất kỳ chính quyền thành phố nào để cải thiện giao thông đồng thời cho rằng khi càng có nhiều người tới Bangkok, giao thông sẽ còn tồi tệ hơn nữa.

Tình trạng giao thông ở Bangkok tiếp tục xấu đi khi dân số ngày càng tăng. Đối với người dân ở Bangkok, ùn tắc giao thông là chuyện thường ngày, chẳng mấy ai dám mong có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này tới nơi khác.

Trong lúc chờ đợi trên xe, nhiều người miễn cưỡng sử dụng thời gian để ăn sáng, trang điểm, đọc sách hay chơi điện tử. Tình trạng ách tắc giao thông ở thành phố này đang ngày càng tồi tệ. "Đi từ nơi này sang nơi khác bằng ôtô quả là một cuộc vật lộn", bà Thanyarat Doksone, cư dân tại Bangkok, cho biết.

Để tránh tắc đường, ngày càng nhiều người ở Bangkok dùng xe đạp để đi lại hàng ngày để tiết kiệm thời gian. Mạng lưới ngóc ngách ở đây không khác gì mê cung trong đô thị, với đường "bí mật" chỉ những người đi bộ và xe đạp mới có thể biết đến. Hàng ngày, nhiều người chọn các lối đi tắt này để thoát khỏi mớ giao thông hỗn độn ở những trục đường chính.

Tại Bangkok, khoảng 150.000 người sử dụng xe đạp. Tuy nhiên, những người đạp xe vẫn phải đi trên vỉa hè vì làn đường cho xe đạp chỉ có ở khu vực trung tâm và khu du lịch. Tuyến đường dành cho xe đạp hiện nay dài khoảng 365 km nhưng không phải tất cả đều tiện dụng.

Tình trạng ách tắc ngày càng tồi tệ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bangkok cần nhanh chóng thay đổi và phát triển cơ sở hạ tầng. Nhưng không chỉ thường xuyên tắc đường, thủ đô Bangkok đang bị sụt lún; cư dân ở đây đang đối mặt với nước biển dâng, ngập lụt kinh hoàng, nhất là vào mùa mưa.

Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Bangkok được xây dựng trên đầm lầy cao hơn mực nước biển 1,5m, cũng đang hạ thấp 2cm/năm. Năm 2011, nước sông Chao Phraya, dòng sông chảy qua Bangkok ra vịnh Thái Lan, tràn bờ và nhấn chìm 40% diện tích thành phố.

Thiệt hại kinh tế lên tới gần 47,21 tỷ USD, do các khu công nghiệp phía Bắc Bangkok ngập lụt kéo dài. Vì vậy JICA đã đề nghị Bangkok xây dựng các kênh thoát nước, nhưng sự thay đổi chính phủ liên tục trong những năm qua đã làm đình trệ các dự án. Kênh thoát nước đầu tiên dự kiến hoàn thành năm 2025.

Mới chỉ là ý tưởng

Đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng di dời thủ đô hành chính của Thái Lan được nêu ra. Trước đó, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng đề nghị di dời thủ đô hành chính đến Nakhon Nayok, một tỉnh cách thủ đô hiện tại 100km.

Thủ tướng Prayut đưa ra hai phương án di dời. "Thứ nhất là tìm một thành phố không quá xa cũng không quá đắt để di chuyển đến. Thứ hai là di chuyển các cơ quan chính phủ ra ngoại ô Bangkok để giảm tải cho thành phố".

Thủ tướng Prayut đề nghị việc chuyển các cơ quan chính phủ ra ngoại ô Bangkok, có thể giúp giảm bớt lưu lượng giao thông và giảm nhu cầu đi lại trong và ngoài trung tâm thành phố. Ông Prayut cho biết chính phủ cần phải có nghiên cứu toàn diện về các tác động xã hội và kinh tế của việc di dời, động thái này "có thể" được thực hiện dưới thời của ông.

Chia sẻ với tờ Bangkok Post, ông Thosaporn Sirisamphand, quan chức thuộc Hội đồng Phát triển Xã hội và Kinh tế Quốc gia Thái Lan cho biết, Thủ tướng Prayut vẫn chưa yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu một cách nghiêm túc về phương án này.

"Di dời thủ đô là một vấn đề lớn và cần sự hợp tác nghiêm túc từ nhiều cơ quan khác nhau. Tôi cho rằng Thủ tướng Prayut chỉ nói ý tưởng này trước công chúng như một cách để giải quyết vấn đề tắc đường ở Bangkok", ông Thosaporn Sirisamphand bình luận. 

Đức Quý (Tổng hợp)
.
.
.