Tết ngộ nghĩnh với nhiều tục lệ vui vẻ

Thứ Bảy, 21/01/2017, 10:27
"Tết" từ âm Hán Việt “tiết”. "Nguyên đán", nguyên là bắt đầu, đán là buổi sáng sớm. Tết Nguyên đán, theo nghĩa buổi sớm tiết trời sang xuân.


Việt Nam dùng múi giờ GMT+7, Trung Quốc dùng múi giờ GMT+8, nên đôi lúc đón Tết khác ngày. Người Hán cổ (Mongloid phương Bắc) chăn nuôi du mục, người Bách Việt (Mongloid phương Nam) ở phía nam Dương Tử trồng lúa nước, các nhà nghiên cứu cho rằng Tết là lễ hội nông nghiệp nên xuất xứ từ các dân tộc Bách Việt phương Nam trong khi theo Kinh Lễ (Chuyên ghi chép lại lễ nghi thời xưa) của Khổng Tử viết: "Ta không biết Tết là gì…”.

Tết cổ truyền người Việt có nhiều “thủ tục”, từ tiễn ông Công ông Táo, cây nêu tràng pháo, bánh chưng bánh dày….đến Lễ trừ tịch (giao thừa), xuất hành, hái lộc, chúc Tết, lì xì…

Nhiều nước đón Tết với nhiều nét văn hóa khác nhau. Tại Trung Quốc, hằng năm dịp Tết là mùa tắc đường, bởi từ 8-12 âm lịch người dân đi làm ăn khắp nơi đều về quê ăn Tết với gia đình, quây quần thờ cúng tổ tiên, ăn Tết cho đến hết Nguyên tiêu.

Mỗi năm có một con vật của năm, đến năm nào của “con vật” này người ta thường tránh ăn thịt con đó. Năm nay là năm gà, chắc gà sẽ ít bị lên bàn, còn các năm khác như hổ, rồng, khỉ cũng khó ai được thưởng thức.Tại Lào và nhiều nước trong khu vực có Tết gắn liền với tục té nước. Người ta “tắm” cho tượng Phật, hắt nước vào người nhau để chúc mừng, càng được nhiều nước, càng ướt càng hên.

 Tết, người Lào buộc chỉ cổ tay, buộc những sợi chỉ bằng bông hay len có màu trắng, xanh, hồng vào cổ tay nhau để chúc may mắn. Ai nhận được nhiều chỉ buộc cổ tay là người đó gặp may cả năm.

Ở Campuchia, năm mới các gia đình đều làm 5 núi cát, có nơi không đắp bằng cát mà đắp bằng trái cây, các loại bánh, chẽn lúa... Sau những thủ tục tại nhà, mọi người đến chùa dự lễ, nghe tưới nước thơm vào tượng Phật, sư sãi, dâng các loại bánh ngon lên ông bà, cha mẹ…

Người Nhật đã từ lâu chuyển sang ăn Tết dương lịch. Sáng sớm đầu năm, mọi người đổ ra đường chào đón bình minh đầu tiên của năm mới. Rồi đi chùa lễ Phật, chúc tết nhau.

Người Nhật đón năm mới cũng vào ngày 1-1 dương lịch. Giao thừa, nhà nhà rung chuông 100 lần xua tan mọi điều xui xẻo và cười thật to  để được vui vẻ quanh năm.

Trong 3 ngày Tết, người Nhật thường ăn chay. Tục tặng quà không vì giá trị vật chất mà chủ yếu mang ý nghĩa tình cảm, tinh thần, đạo lý...

Tại Ấn Độ, mỗi người đeo một túi nhỏ đựng phấn hồng, xoa lên trán người khác để chúc mừng năm mới. Người trẻ thường dùng súng phun nước vào người nhau chúc may mắn mát mẻ.

Xứ Kim chi Hàn Quốc rất trọng người cao tuổi. Lễ Tết dành cho gia đình và người thân với lòng tôn trọng. Gặp người già, ai cũng cúi chào lễ phép. Các nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên trong gia đình rất long trọng. Rồi cùng nhau ăn món Dduk-gook - một loại súp truyền thống làm bằng gạo.

Người Pháp dùng rượu chào đón năm mới. Năm mới ở Pháp mọi người hứng khởi với rượu nho, từ đêm giao thừa cho đến ngày 3-1 mới kết thúc.

Người Pháp quan niệm, ngày Tết phải “thanh lý” rượu họ có mới hên. Mọi người mang rượu ra trung tâm, như khu tháp Eiffel, cùng nhau chúc mừng năm mới vui vẻ đến sáng.

Người Anh lại cho rằng, nếu rượu thịt không dư dả, năm mới sẽ gặp khó khăn, nên phải trữ trước cho nhiều đến Tết dùng. Phong tục "lấy nước đầu năm mới" tranh nhau đi lấy nước. Người múc được gáo nước đầu tiên sẽ may mắn suốt năm.

Đêm giao thừa, người Anh mang bánh ngọt và rượu đi thăm hỏi người thân, bạn bè, không gõ cửa mà đi thẳng vào trong nhà. Trước khi mở đầu câu chuyện, việc đầu tiên cần làm là đến lò sưởi cơi than đốt lò chúc phúc chủ nhà, "khai môn đại cát".

Tại Scotland, đêm giao thừa người ta rải một ít tiền vàng trước nhà vừa để sáng mồng Một mở cửa đã thấy tiền vàng để "nhìn thấy phát tài". Không kẻ tham nào dám lấy trộm những đồng tiền thiêng này.

Một phút trước khi bước sang năm mới ở Đức, mọi người leo lên đứng trên một chiếc ghế, khi tiếng chuông đồng hồ vừa điểm 12 giờ, lập tức nhảy xuống ghế và ném một vật nặng ra phía sau với ý nghĩa ném đi những tai họa, xui rủi của năm cũ. Ở nông thôn vẫn còn phong tục mừng năm mới với tục "thi trèo cây", mỗi năm mỗi tiến cao hơn, phát triển hơn...

Ngay sau giao thừa ở Bulgaria, mọi người trong gia đình cùng ngồi ăn chiếc bánh kem đặc biệt. Người nào ăn trúng đồng tiền được giấu trong bánh sẽ là người hạnh phúc trong năm mới. Người hắt xì hơi đầu tiên, được xem là người mang lại hạnh phúc cho chủ nhà trong năm. Chủ nhà sẽ tặng cho người này một con dê, bò hoặc ngựa con để cầu chúc và bày tỏ cảm ơn vì mang lại hạnh phúc cho gia đình họ.

Đối với người Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Khi tiếng chuông giao thừa điểm, mọi người tranh nhau ăn nho. Nếu ai có thể ăn được 12 quả nho trùng với thời điểm 12 tiếng chuông đổ, sẽ là người may mắn

Tại Bỉ, sáng mồng Một, việc đầu tiên là đến bên các con vật nuôi như bò, ngựa, dê, cừu, chó, mèo... và thông báo đến chúng: "Năm mới đến rồi, chúc vui vẻ".

Tại Argentina, mọi người lũ lượt kéo nhau ra sông để "tắm mừng năm mới". Trước lúc xuống nước, người ta rải hoa tươi trên mặt sông. Sau đó, họ dùng những cánh hoa tươi chà sát lên thân thể để tẩy rửa những ô uế, xấu xa của năm cũ và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới.

Người Ai Cập lấy nước sông Nile dâng cao nhất làm ngày bắt đầu năm mới, gọi là "Năm mới nước lên".

Ngày Tết ở Ấn Độ gọi là "ngày Tết đau khổ" hoặc "Tết cấm thực". Ngay ngày đầu tiên của năm mới, mọi người không được tức giận, cãi cọ với người khác, thậm chí một số nơi, người ta còn ôm nhau khóc thảm thiết. Họ quan niệm năm mới bắt đầu, tuổi thọ lại giảm đi, đời ngắn lại, phải nhịn ăn một ngày một đêm để chào năm mới.

Mỗi người Pakistan ra đường sáng mồng Một đều cầm một túi bột phấn màu đỏ. Gặp người thân, họ liền quệt một vệt phấn đỏ trên trán để chúc năm mới.

Người Brazil, tay cầm đuốc, trèo lên các ngọn núi cao tìm hái trái bu-lô vàng. Mọi người gặp nhau liền nắm lấy vành tai nhau kéo mạnh một cái để chúc phúc.

Người Paraguay, quy định 5 ngày cuối cùng của năm là "ngày hàn thực", không được nhóm lửa, đốt lò, chỉ có thể ăn đồ nguội làm sẵn từ trước. Đến ngày 1-1, mới được phép nhóm lò nấu bếp để cầu chúc một năm mới ấm no, tốt lành.

Tết ở Nga, ông già Tuyết và bà chúa Tuyết tặng quà cho trẻ em. Người lớn trang hoàng cây thông khi trẻ ngủ, để sáng mùng Một, trẻ vui sướng khi bất ngờ thấy trong nhà một cây thông tuyệt đẹp.

Quà cho trẻ được giấu trong bít tất. Sáng ra đi giày, chúng sẽ bất ngờ nhận được quà.

Tết ở nước Ý, khi giao thừa đến, mọi người vứt hết ra đường phố đồ đạc cũ, để năm mới được xài đồ mới tinh.

Tại Tiệp Khắc, hầu hết mọi gia đình đều có món súp cá, cá rán tẩm bột ăn kèm với xà lách. Người dân Tiệp Khắc kiêng ăn thịt bò, thịt vịt, thịt gà, thịt ngỗng vì họ tin rằng nếu ăn phải thịt những con thú và gia cầm biết bay, biết chạy thì may mắn và hạnh phúc của họ trong năm mới sẽ bị chúng mang đi.

Ở Canada, đón năm mới bằng cách xây tuyết xung quanh nhà, để núi tuyết ngăn ma quỷ và năm mới được bình yên.

Tại Cuba, đêm giao thừa, từ cửa sổ các nhà, nước được đổ ào ào... đến 12 giờ khuya để lấy hên. Khi chuông nhà thờ điểm tiếng đầu tiên, người ta bắt đầu nuốt hạt nho, đến khi dứt 12 tiếng chuông phải nuốt hết 12 hạt nho cho năm mới được thịnh vượng, may mắn.

Đón Tết ở Myanmar với trò chơi nhảy ếch. Người thi vừa chạy vừa bưng một bát nước đầy đến điểm quy định sao cho nước không bị sánh ra ngoài.

Lời chúc mừng năm mới của người Myanmar là "hắt nước vào người nhau". Ở các thành phố lớn còn có các thùng nước đặt dọc phố, luôn có người đứng bên, "rình" người đi đường rồi hắt nước vào họ thay cho lời mừng tuổi.

Bát đĩa vỡ mang lại may mắn cho người Đan Mạch. Càng nhiều bát đĩa vỡ chứng tỏ họ càng có nhiều bạn.

Ở Peru, có tục đốt hình nộm “kẻ thù chung của dân tộc”. Tại làng Chumbilbilca, người dân mừng năm mới bằng cách mắng chửi và đánh nhau để… thắt chặt tình đoàn kết. Họ tin rằng mắng nhau là cách xóa bỏ những hiềm khích cá nhân trong năm cũ và thắt chặt tinh thần đoàn kết trong năm mới.

Hôn nhau lúc nửa đêm là phong tục có từ rất lâu ở Mỹ. Trao cho người thân yêu những nụ hôn vào đêm giao thừa được tin là sẽ mang đến may mắn và những điều tốt đẹp trong năm mới. Hành động này cũng biểu thị mong muốn về tình yêu đích thực, giúp người ta loại bỏ những ký ức không hay về nhau....

Thay quần lót vào lúc nửa đêm là cách đón năm mới của người Bolivia. Họ đợi đến nửa đêm mới thay đồ lót mới, thường là màu vàng. Họ tin rằng thay đồ vào thời điểm đó sẽ mang lại những thay đổi, vận may sẽ đến.

Những phong tục đón năm mới kỳ lạ khiến bạn ngạc nhiên

Người Ecuador có tục đốt ảnh. Họ tụ tập ngoài đường với những bức ảnh gợi nhớ những điều không hay đã diễn ra trong năm qua. Đốt ảnh như một cách tống tiễn những điều không vui, đón chờ tương lai tươi sáng hơn....

Người Philippines vào năm mới thường mặc váy chấm bi hoặc ăn trái cây có hình tròn. Họ tin rằng mặc hoặc ăn cái gì có hình tròn sẽ mang lại may mắn cho cả năm.

Ở Colombia, vào đêm giao thừa kéo vali rỗng đi quanh khu nhà thì cả năm sẽ được đi du lịch thỏa thích.

Người Thụy Sĩ có tục thả những cây kem xuống sàn nhà để có một năm tràn đầy niềm vui và may mắn.

Long Giang
.
.
.