Tập trung mọi nguồn lực để chống gian lận thi cử

Thứ Ba, 25/06/2019, 16:32
Ngày 25-6, 886.650 thí sinh sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia 2019. So với năm 2018, số thí sinh đăng ký dự thi giảm 40.000, nhưng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lại tăng hơn 10.000, ở mức 653.000 thí sinh.


Đây là kỳ thi lớn nhất trong năm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sau những bê bối thi cử năm 2018 để lại hậu quả nghiêm trọng thì công tác chống gian lận thi cử, bảo đảm an toàn kỳ thi, để kết quả của kỳ thi được xã hội tin cậy được coi là nhiệm vụ “sống còn” của các hội đồng thi.

Các trường đại học sẵn sàng bù lỗ hàng trăm triệu đồng

Trước kỳ thi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Nguyễn Hữu Độ chia sẻ, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Đây không chỉ là công việc chuyên môn của ngành mà còn là nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm với xã hội. 

Để chuẩn bị các điều kiện đảm bảo việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 được tốt nhất, đầu tháng 5-2019, Bộ GD&ĐT thành lập 8 đoàn kiểm tra trực tiếp đến các địa phương để nắm bắt tình hình và kịp thời có chỉ đạo, hướng dẫn nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, khó khăn của Hội đồng thi trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Sáng 24-6, các trường đại học đã hoàn thành việc đưa hàng ngàn giảng viên về các địa phương để phối hợp coi thi. Mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ coi thi là giáo viên trường THPT địa phương, một cán bộ coi thi là giảng viên đại học. Đây cũng là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT giao cho các trường đại học chủ trì khâu chấm thi trắc nghiệm - giải pháp mới nhằm chống gian lận thi cử. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương bảo đảm an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đi lại, nơi ăn ở cho cán bộ, giáo viên, nhất là giảng viên các trường đại học, cao đẳng về làm thi tại địa phương. 

Với các trường đại học, Bộ trưởng yêu cầu các trường phải cử cán bộ đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng, nắm vững về quy trình, kỹ thuật, làm việc trách nhiệm, công tâm, khách quan tham gia Ban chấm thi trắc nghiệm; chuẩn bị kỹ và thực hiện công tác chấm thi, chấm phúc khảo các môn trắc nghiệm theo đúng Quy chế thi, đảm bảo khách quan, trung thực, đúng tiến độ, đúng quy định theo sự chỉ đạo thống nhất của của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại điểm thi trường THPT Hưng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Về phía các trường đại học, họ đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên sẵn sàng lên đường, chia sẻ khó khăn, áp lực thi cử với các địa phương. Tiến sĩ Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo (ĐH Thủy lợi) cho biết, đoàn công tác của trường gồm 360 giảng viên tham gia công tác tổ chức thi tại tỉnh Điện Biên, trải đều trên toàn địa bàn tỉnh với 14 điểm thi liên trường và 3 điểm thi độc lập; điểm xa nhất là Mường Nhé, cách thành phố Điện Biên 205km. Công tác tập huấn đã được nhà trường tổ chức trước kỳ thi cho tất các các vị trí như lãnh đạo điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát, cán bộ thanh tra, thư ký điểm thi... 

Sau đó, Ban chỉ đạo thi của trường đã gửi toàn bộ nội dung tập huấn cho các giảng viên, tạo “group online” trao đổi, giải đáp thắc mắc. Nhà trường đã ứng toàn bộ kinh phí đi lại, ăn ở và lưu trú để cấp phát đến các thầy cô đầy đủ (sau kỳ thi, tỉnh Điện Biên mới chuyển kinh phí trả trường). 

Ngoài ra, trường còn hỗ trợ thêm 500 triệu hỗ trợ thuê xe đưa thầy cô về điểm thi (theo quy định của Điện Biên, kinh phí đi lại được khoán theo mức vé xe khách công cộng) và hỗ trợ thêm kinh phí sinh hoạt cho các giảng viên. 

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những cơ sở đào tạo có số lượng lớn giảng viên tham gia kỳ thi tại Thanh Hóa, với 870 cán bộ, giảng viên. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội xác định đây là trách nhiệm và là quyền lợi nên sẽ quyết tâm thực hiện kỳ thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc đúng quy chế, để có kết quả trung thực, khách quan, công bằng phục vụ xét tuyển ĐH, CĐ. Trường còn hỗ trợ các thầy cô tiền ăn, nghỉ ngoài khoản công tác phí với tổng kinh phí, trường phải bù vào là hơn 500 triệu đồng. 

“Chiều 23-6, chúng tôi đi kiểm tra 3 điểm thi tại các Trường THPT Tĩnh Gia 1, 2, 3 - nơi cán bộ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm nhiệm vụ. Công tác chuẩn bị của các trường phổ thông khá tốt, đáp ứng yêu cầu. Các thầy cô của Viện Kỹ thuật Hoá học cũng chuẩn bị chu đáo cho chuyến công tác đặc biệt này”, PGS.TS Trần Văn Tớp chia sẻ.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi tại Nam Định, đã huy động 680 cán bộ, giảng viên, trong đó có 23 phó điểm trưởng, 23 thư ký, 39 cán bộ giám sát, 571 cán bộ coi thi, 11 thanh tra cắm chốt, cùng các cán bộ tham gia chấm thi, tham gia Ban chỉ đạo và hội đồng thi. 

Đội ngũ cán bộ đông đảo này sẽ thực thi nhiệm vụ ở 23 điểm thi tại 7 huyện/thành phố của Nam Định. Với quan điểm, mỗi cán bộ làm thi là một “đại sứ” của nhà trường, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã xác định một số từ khóa cho kỳ thi, bao gồm: “An toàn, an ninh, kỷ luật phòng thi”, để quán triệt sâu sắc tới từng cán bộ trước khi lên đường làm nhiệm vụ quan trọng tại địa phương.

Trường Đại học Thủy Lợi tập huấn quy chế thi cho các giảng viên trước khi đi làm nhiệm vụ.

Còn nhiều băn khoăn

Sau vụ gian lận thi cử nghiêm trọng năm 2018, năm nay, Bộ GD& ĐT đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn kỳ thi. Ngoài việc giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì chấm thi trắc nghiệm, Bộ còn có nhiều giải pháp kỹ thuật ngăn chặn gian lận trong khâu coi thi và chấm thi như: Đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi, “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi, dữ liệu chấm thi...

Về việc chấm thi trắc nghiệm sẽ được giao cho các trường đại học, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ trương này là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, do cả xã hội đang bức xúc về gian lận điểm thi năm 2018 nên năm nay, các trường ĐH nhận nhiệm vụ với tâm lý khá căng thẳng. Tất nhiên, điều này cũng sẽ giúp các trường ĐH vào cuộc với sự thận trọng hơn, cố gắng không để xảy ra sai sót, tiêu cực dù nhỏ nhất. 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, việc quan trọng nhất là khâu giám sát làm phách bài thi, quét bài thi gốc để chấm thì bộ phận cán bộ trường ĐH đều đã thực hiện nên sẽ khó có sự can thiệp từ địa phương.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD& ĐT), khâu yếu nhất và có nhiều rủi ro chính là khâu coi thi. Do đó, Bộ GD&ĐT đặc biệt quan tâm đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia làm thi. Đó phải là những cán bộ nắm vững chuyên môn, phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao. 

Tại nhiều cuộc họp Ban chỉ đạo thi quốc gia và mới đây, trong 2 công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các đại học, học viện, Hiệu trưởng trường đại học, cao đẳng sư phạm tham gia phối hợp làm thi, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đều nhấn mạnh lại yêu cầu này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại điểm thi trường THPT Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.

Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với quy chế thi mới, các trường đại học chủ trì chấm thi trắc nghiệm thì việc gian lận liên quan đến chấm thi trắc nghiệm hầu như rất khó xảy ra, nhưng rủi ro lại có thể xảy ra ở khâu coi thi, nhất là khi thị trường bán tràn lan các loại thiết bị công nghệ cao, có thể hỗ trợ gian lận thi cử. 

“Một chiếc cúc áo cũng có thể quay được camera, trong khi bằng mắt thường rất khó để phát hiện. Thầy cô có thể phát hiện thông qua thái độ, cử chỉ của thí sinh. Điều này cũng rất cần giám thị phải có kinh nghiệm” – PGS.TS Trần Trung Kiên cho hay. 

Chung quan điểm này, Chánh Thanh tra Bộ GD & ĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng, một phòng thi có 24 học sinh, nếu giám thị tập trung sẽ không khó phát hiện các hành vi bất thường sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận. Chẳng hạn như thí sinh lẩm bẩm trong mồm, mặc áo dài tay dù trời nắng nóng đều là bất thường. Do đó, giám thị làm nhiệm vụ trong kỳ thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất thì có thể ngăn chặn mọi hành vi gian lận thi cử.

Trả lời câu hỏi, với ba địa phương xảy ra gian lận thi cử nghiêm trọng là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD & ĐT sẽ lưu ý gì, PGS.TS Mai Văn Trinh cho biết, tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia là 1.980 điểm thi trong cả nước, dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đều được chuẩn bị tốt nhất với điều kiện đảm bảo được tổ chức trong khung khổ quy chế, được tổ chức bình đẳng như nhau. 

Do đó, những điểm thi nào khó khăn hơn sẽ được Bộ tập trung từ ban đầu, thông qua hỗ trợ cơ chế chính sách, nhân sự thì tăng cường, cử chuyên gia về tận nơi trợ giúp. Các đoàn kiểm tra của lãnh đạo Bộ đã trực tiếp đến địa phương này để tháo gỡ khó khăn.

Thí sinh sẽ thi 5 bài thi gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Trừ môn Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Năm 2018, thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) chiếm 48% thì năm nay cao hơn hẳn với 53% (hơn 468.000 em).

Số thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên chiếm 34% và chỉ 3,1% tổng thí sinh chọn thi cả hai bài. Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất với hơn 74.000 thí sinh, đứng thứ hai là TP Hồ Chí Minh với gần 71.000 thí sinh.
Thu Phương
.
.
.