Sửa luật phải bảo vệ được người đi xuất khẩu lao động và không làm khó doanh nghiệp
Trong đó, sửa đổi 70 điều, bổ sung mới 8 điều, bãi bỏ 7 điều và giữ nguyên 1 điều với mục tiêu bảo đảm tương thích giữa pháp luật về NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với pháp luật có liên quan của các quốc gia tiếp nhận LĐ, các công ước quốc tế có liên quan đến lao động di cư. Tuy nhiên, “mổ xẻ” các quy định trong dự luật, nhiều doanh nghiệp vẫn đang lo ngại thêm những quy định gây khó…
Liệu có phát sinh hình thức xin - cho?
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có những sửa đổi, bổ sung cơ bản theo 6 nhóm chính sách: Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nhóm nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đặc biệt có quy định người lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về, phải thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú chậm nhất 30 ngày kể từ ngày về nước, để kịp thời cập nhật thông tin và được hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Dự thảo Luật sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới nhằm nâng cao các điều kiện về vốn chủ sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật…
Theo đó, bổ sung quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn 5 tỉ đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư…
Đào tạo ngoại ngữ cho người đi xuất khẩu lao động. |
Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo nặng về hình thức “xin - cho” gây khó cho doanh nghiệp và có thể phát sinh chi phí “chìm”. Theo ông Nguyễn Tiến San, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, dự thảo Luật quy định thời hạn giấy phép là 5 năm (quy định Luật hiện hành là không thời hạn) là không cần thiết, cũng như đi ngược lại xu hướng cải cách hành chính của Chính phủ, tạo thêm phiền hà cho doanh nghiệp.
“Thực tiễn hơn 10 năm qua, chưa có doanh nghiệp nào do giấy phép không ghi thời hạn mà cơ quan nhà nước không thể đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm pháp luật”, ông San nói.
Còn các doanh nghiệp đưa người đi lao động nước ngoài thì cho rằng, những quy định này sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động. Theo ông Lê Nhật Tân, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD, việc yêu cầu gia hạn giấy phép 5 năm một lần chỉ tạo thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho doanh nghiệp.
Trong quá trình hoạt động, năm nào doanh nghiệp cũng có thanh tra, kiểm toán, thuế vào kiểm tra… Giờ đây, quy định thêm việc đổi giấy phép, doanh nghiệp phải làm lại thủ tục từ đầu, chứng minh đủ loại điều kiện thì họ sẽ vừa mất thời gian vừa gia tăng nguy cơ phát sinh chi phí “chìm”.
Ngay việc thẩm định hợp đồng của doanh nghiệp hiện nay vẫn chỉ mang tính hình thức, chưa có quy chế về thẩm định. Thực tế, có nhiều hợp đồng, dù cùng một đối tác tiếp nhận lao động nhưng doanh nghiệp vẫn phải đăng ký nhiều lần với Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Điều này khiến việc thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài kéo dài, doanh nghiệp muốn triển khai sớm cũng không được, phải ngồi chờ cơ quan quản lý. Trong khi đó, hằng tháng, doanh nghiệp đều tuân thủ chế độ báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước và luôn cố gắng tìm kiếm hợp đồng tốt cho người lao động, nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả kinh doanh.
Cho nên, thay vì đưa ra các quy định kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, dự thảo nên tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp, minh bạch thị trường, xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp để chi nhánh vi phạm.
Đào tạo nghề xây dựng cho người đi xuất khẩu lao động. |
Cần có chính sách “mồi” để người lao động trở về phát triển kinh tế
Có thể thấy hiện việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo mà chưa chú trọng đưa người có trình độ chuyên môn đến làm việc ở các nước trên thế giới. Nhiều chuyên gia lao động đều có chung quan điểm, dự án Luật là quy định chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không được làm mất hình ảnh của người lao động Việt Nam.
Bởi lẽ, đến giờ Việt Nam không phải là đất nước thừa lao động đi xuất khẩu lao động như trước đây. Hiện Việt Nam bắt đầu đến giai đoạn “dân số vàng” cũng cần lao động phát triển kinh tế - xã hội, do đó phải ưu tiên bố trí lao động trong nước, còn xuất khẩu lao động là xuất khẩu những ngành nghề lĩnh vực nổi trội, thu nhập cao, đưa được khoa học kỹ thuật về nước.
Nói như ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chúng ta đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là tăng thu nhập cho người lao động mà đó còn chính là nguồn nhân lực cho tương lai phát triển của đất nước. Đây là vấn đề rất quan trọng, đến bây giờ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không phải bằng mọi giá mà phải tính toán rất kỹ.
Ông Lợi phân tích, đưa lao động không có chuyên môn, không có trình độ kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài thì thu nhập và năng suất lao động sẽ thấp. Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước, đào tạo doanh nghiệp đang tạo ra kẽ hở để một số đối tượng “cò mồi”, “chân gỗ” lợi dụng chính sách, kêu gọi người lao động đi nước ngoài để xóa đói, giảm nghèo bằng hình thức vay vốn, nhưng khi lao động làm việc không hiệu quả, không có tiền thì không trả được khoản vay, khó khăn lại càng chồng thêm khó khăn.
Hiện mỗi năm Việt Nam có 130.000 người đi xuất khẩu lao động. |
Hiện đã có hàng triệu lao động đi làm việc ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, mỗi năm có khoảng trên 150.000 người lao động đi làm việc. Tuy nhiên, khi những người lao động này trở về, chúng ta lại chưa tận dụng được nguồn lực, chưa khơi dậy được tiềm năng, lợi thế về tài chính mà người lao động đi nước ngoài làm ra để đầu tư, phát triển sản xuất, từ đó thu hút thêm sự tham gia của lao động trong nước. Những lao động có chuyên môn cao tiếp cận và tiếp thu được trình độ khoa học, kỹ thuật cao thì nước ta lại chưa có chính sách phát huy vai trò của họ để phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách về cung lao động đi nước ngoài đã có, nhưng chính sách đối với lao động đi làm việc từ nước ngoài trở về thì chưa. Vì vậy trong sửa đổi Luật lần này cần đưa vào một cách rõ nét. Trong chính sách tổng thể phải có chính sách khuyến khích, chính sách có tính chất “mồi” để người lao động đi làm việc ở nước ngoài hướng đầu tư vào việc mở doanh nghiệp, mở ngành nghề.
Ví dụ, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về nhà xưởng, đất đai, xây dựng nhà máy, hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề… Kích cầu để người lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia tích cực thì mới thực sự tạo ra hiệu quả…
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh đề nghị: Luật cần phải định hướng rõ việc phát triển hoạt động đưa người lao động đi nước ngoài theo hợp đồng trong bối cảnh lực lượng lao động gia nhập thị trường lao động có xu hướng ngày càng giảm. Vì theo dự báo, đến năm 2035, Việt Nam có số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu, nhưng có đến 1,26 triệu người bước vào độ tuổi nghỉ hưu… Từ năm 2040, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. |