Xuất khẩu lao động tìm đường vượt khó

Chủ Nhật, 15/03/2020, 09:20
Dịch COVID-19 đang có nhiều ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, đào tạo và đưa lao động ra nước ngoài làm việc của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Theo đại diện của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) hiện vẫn chưa đánh giá hết được tác động của dịch bệnh đối với lĩnh vực xuất khẩu lao động và bao nhiêu doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt trong bối cảnh những thị trường truyền thống lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh.

Dừng hàng loạt đơn hàng vì dịch

Các thị trường truyền thống lớn như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc chiếm đến 80% số lao động ra nước ngoài làm việc những năm qua. Chính vì thế, số doanh nghiệp cung ứng lao động cho các thị trường này cũng chiếm phần lớn. Rất nhiều doanh nghiệp cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID- 19 khiến các đơn hàng tuyển dụng, xuất cảnh phải tạm dừng.

Dịch COVID- 19 là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mở rộng thị trường.

Theo đại diện Công ty TNHH cung ứng nhân lực quốc tế, một đơn vị chủ yếu đưa lao động sang thị trường Nhật Bản, hiện tiến độ và kế hoạch đưa người lao động đi theo các đơn hàng đã được ký kết đều bị đảo lộn do dịch đang có những diễn biến phức tạp.

“Từ sau Tết đến nay, chúng tôi đã tạm thời dừng đưa người lao động sang Nhật Bản, một phần vì Nhật Bản kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, phần nữa vì Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có khuyến cáo không đưa người lao động Việt Nam đến những nơi đang có dịch. Tất cả cũng vì sự an toàn cho người lao động.

Để đảm bảo an toàn cho lao động, ngay cả những ứng viên công ty đang đào tạo cũng được khuyến khích về quê để đề phòng dịch bệnh. Chúng tôi sẽ luôn cập nhật tình hình, khi nào có thông báo từ các cơ quan chức năng về việc dịch bệnh đã được đảm bảo sẽ thông báo trực tiếp tới từng lao động”, bà Nguyễn Tuyết Nhung, Phó giám đốc công ty cho hay.

Theo đại diện không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, các đơn vị này đang phải “nín thở” mong dịch bệnh sớm qua, thị trường sớm hồi phục.

Ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hải Phát (Hapaco) chia sẻ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không chỉ việc đưa người lao động đi gặp khó mà các chuyến công tác qua lại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật phải hủy hoặc dời.

Ông Hải cho rằng, việc doanh nghiệp thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ LĐ-TB&XH tạm ngưng đưa lao động sang những vùng có dịch dù ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho lao động Việt Nam.

"Chúng tôi đã cho học viên nghỉ học, nhân viên làm việc và đối tác nước ngoài đến liên hệ công việc đều được áp dụng các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Hiện công ty vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch để khi được đi học trở lại, học viên được an toàn tuyệt đối. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên việc chuẩn bị nguồn ứng viên để khi hết dịch sẽ triển khai sâu rộng đến các thị trường, trong đó chủ lực là đưa lao động sang Nhật cũng đang là thách thức với doanh nghiệp hiện nay”, ông Hải cho hay.

Tìm hướng đi để không lệ thuộc

Trao đổi với PV, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, chưa thể biết được dịch COVID- 19 sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực xuất khẩu lao động ở mức độ nào bởi nó còn tùy thuộc vào việc dịch kéo dài bao lâu. Đến thời điểm này chưa có con số thống kê cụ thể về các đơn hàng phải đàm phán lại để kéo dài thời gian hoặc phải hủy bỏ.

Theo bà Trịnh Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước), không chỉ bị ảnh hưởng từ việc nhập cảnh vào các nước mà công tác tuyển lao động trong nước cũng khó khăn bởi không lao động nào muốn đi trong lúc dịch đang phức tạp. Nhiều doanh nghiệp hiện nay, những lao động nào chưa xuất cảnh đều phải vận động học viên về quê tránh dịch.

“Trước mắt Cục khuyến cáo các doanh nghiệp không đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các vùng dịch bệnh. Chúng tôi cũng thiết lập đầu mối liên lạc với người lao động do doanh nghiệp đưa đi, thường xuyên trao đổi, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người lao động để xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường liên quan đến dịch bệnh COVID-19; khuyến cáo người lao động chủ động khai báo y tế, theo dõi sức khỏe theo quy định của các nước, vùng lãnh thổ”, bà Hà cho hay.

Khó khăn do dịch bệnh gây ra là điều không tránh khỏi, tuy nhiên không ít doanh nghiệp đang có những giải pháp để tìm đường “vượt khó”.

Theo đại diện Công ty TNHH Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nhật, khó khăn trong năm 2020 là điều không thể thay đổi, tuy nhiên doanh nghiệp cũng phải tìm cách ứng phó. Hiện doanh nghiệp này đang tính đến phương án điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh và khai phá thị trường mới, tránh việc phụ thuộc vào các thị trường tuyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc hiện tại. "Hiện không chỉ chúng tôi mà rất nhiều lao động cũng đang chờ hết dịch để tiến hành nhập học, làm thủ tục xuất cảnh.

Tuy nhiên, từ khó khăn này chúng tôi phải đa dạng hóa thị trường để tránh bị phụ thuộc. Hiện không ít thị trường ở Châu Âu cũng đang có thu nhập tốt. Do đó, công ty đang đàm phán với các đối tác đến từ Đức, Ba Lan, Romania để ngay trong năm nay sẽ triển khai các chương trình đưa lao động sang các thị trường này trong năm 2021”, ông Đỗ Đức Quang, Giám đốc công ty cho biết.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ảnh hưởng do dịch COVID-19 cho hoạt động xuất khẩu lao động là rất lớn, tuy nhiên đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu lao động mở rộng thị trường theo hướng đa dạng hóa để tránh lệ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là khi có sự cố ngoài ý muốn.

Đại diện Cục Quản lý ngoài nước cho rằng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần liên kết mạnh mẽ hơn nữa để chia sẻ các cơ hội mở rộng thị trường.

Phan Hoạt
.
.
.