Standard & Poor's : Tuyên bố Venezuela vỡ nợ
- Venezuela cam kết thanh toán nợ
- Tổng thống Venezuela cảm ơn ông Trump vì làm mình "nổi tiếng"
- Venezuela lên kế hoạch không dùng USD dầu mỏ
Theo S&P, Venezuela đã "vỡ nợ một phần" do đã thất bại trong việc hoàn trả khoản nợ nước ngoài trị giá 200 triệu đô la Mỹ. Công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela, PDVSA, cũng đã bị các cơ quan đánh giá Fitch và Moody's tuyên bố là vỡ nợ.
Đàm phán bất thành
Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Caracas tổ chức cuộc họp nhằm ngăn chặn một cuộc vỡ nợ. Tuy nhiên, cuộc họp đã chóng vánh kết thúc mà không có kết quả gì, không có sự đồng thuận và cũng không có kế hoạch, theo AFP. Một cuộc họp khác đã được hứa hẹn, nhưng không có ngày giờ cụ thể được đưa ra.
Phó Tổng thống Tareck El Aissami chủ trì cuộc họp, ông đã đọc một tuyên bố đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của Mỹ để trì hoãn việc trả nợ của Venezuela. Sự hiện diện của ông Tareck El Aissami là một vấn đề đối với một số người, vì Mỹ đã đưa ông vào danh sách những kẻ buôn bán ma túy mà các thực thể của Hoa Kỳ không được giao dịch.
Geronimo Mansutti thuộc Hãng môi giới Rendivalores, nói với AFP: "Họ nói sẽ thành lập các nhóm làm việc để đánh giá các đề xuất vay nợ ngắn hạn và trung hạn, nhưng lại không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào về kế hoạch và về những gì họ hy vọng có được”. Ông Mansutti cho biết có khoảng 300 nhà đầu tư và đại diện của họ tham dự cuộc họp.
Theo nhà chức trách Venezuela, có 414 chủ nợ đại diện cho 91% số nợ đã bán của họ đã nhận lời mời của Tổng thống Nicolas Maduro đến dự cuộc họp. Ông Maduro nói rằng ông đang tìm cách tái cấp vốn và tái cấu trúc nợ của Venezuela, ước tính khoảng 150 tỷ USD, bao gồm trái phiếu do chính phủ và Công ty dầu khí PDVSA ban hành cũng như các khoản vay trực tiếp từ Trung Quốc và Nga.
Chỉ còn 10 tỷ USD trong dự trữ ngân khố
Theo sau cuộc họp thất bại của Caracas, S&P đã hạ bậc nợ quốc tế dài hạn và ngắn hạn của Venezuela xuống hạng 'SD/D' từ 'CC/C'. Đây là hạng vỡ nợ.
Hiện Venezuela còn chưa tới 10 tỷ đô la trong dự trữ ngoại hối. Quốc gia này phải hoàn trả 1,4 tỷ đô la trước cuối năm nay và 8 tỷ đô la khác trong năm tới.
Là nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela từng là đầu tàu kinh tế của Mỹ Latinh. Nhưng từ năm 1999, với sự “lên ngôi” của Tổng thống Hugo Chávez, nền kinh tế Venezuela bắt đầu tiến đến bờ khủng hoảng.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi người kế nhiệm Chávez là ông Nicolás Maduro lên nắm quyền năm 2013, và do giá dầu hạ từ năm 2015 thì nhiều người dân Venezuela phải bới rác để tìm thức ăn.
Phe đối lập buộc tội ông Maduro không chỉ quản lý kinh tế kém mà còn làm xói mòn các thể chế dân chủ của đất nước. Ông Maduro sau đó đã làm mọi cách để thành lập Quốc hội lập hiến nhằm sửa đổi Hiến pháp. Và điều này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng, những cuộc biểu tình đòi ông Maduro từ chức diễn ra hàng ngày, hàng trăm người đã chết trong các cuộc đụng độ chính trị kể từ tháng 4, theo Reuters.
Đồng bolivar của Venezuela đang mất giá kỷ lục, với 1 USD đổi được 55.200 bolivar. Con số này hồi đầu năm là 3.200 bolivar. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự báo lạm phát tại đây sẽ lên 650% năm nay và 2.300% năm 2018.
Hôm 13-11 vừa qua, Tổng thống Nicolas Maduro đã lên tiếng khẳng định quốc gia này sẽ không bao giờ vỡ nợ và cho biết đang đàm phán với các đối tác Trung Quốc và Nga. Ông Maduro nhấn mạnh quá trình đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, trong khi Caracas đã đạt được một thỏa thuận với Moskva về tái cơ cấu khoản nợ khoảng 3 tỷ USD.