Sống giữa Thủ đô vẫn chịu cảnh khát nước sạch

Thứ Hai, 21/09/2020, 08:54
Nhiều năm nay, hàng trăm nghìn hộ dân phía Nam Hà Nội phải sống trong cảnh thiếu nước sạch trầm trọng. Dù nguồn nước tại các khu vực này đang có dấu hiệu ngày càng ô nhiễm nhưng người dân vẫn phải sử dụng nước qua trạm bơm của địa phương. 


Tuy nhiên, nước từ những trạm cấp nước này mới chỉ dừng lại ở chất lượng cho sinh hoạt chứ chưa đảm bảo cho ăn uống theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Chính vì thế, nước mưa, nước giếng khoan tự khai thác là giải pháp duy nhất của người dân. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng đang có nguy cơ cạn kiệt.

Nước đun sôi vẫn không dùng được

Từ nhiều năm nay, người dân xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã sử dụng nước được cung cấp nước từ trạm bơm của xã. Trạm bơm nằm cạnh UBND xã, cách khu vực dân cư chỉ khoảng 300 mét và được đưa vào hoạt động từ năm 2013 với vốn đầu tư 10,2 tỷ đồng với mục đích cung cấp nước sạch cho người dân trong xã. Tuy nhiên, chính những hộ dân tại đây nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng về chất lượng nước.

Nhiều hộ gia đình không đủ tiền mua máy lọc nước nên vẫn phải dùng nước trực tiếp từ giếng khoan.

Lấy một chậu nước hằng ngày gia đình vẫn dùng để sinh hoạt cho chúng tôi xem, Bà Nguyễn Thị Xinh nói: “Nước ở đây có mùi tanh lắm, cứ như ai đó bỏ cục sắt vào trong chậu ấy. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ có nhà mình bị nhưng khi đi hỏi hàng xóm thì mới biết hoá ra nước nhà ai cũng thế. Nhiều hôm nước này đun sôi lên mùi vẫn tanh và không thể dùng được”.

Trước tình trạng này, người dân xã Xuân Dương đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền các cấp nhưng đều không nhận được hồi âm. Để đối phó với tình trạng nước bẩn, bà Xinh và nhiều hộ dân tự bỏ tiền mua máy lọc nước RO với giá khoảng 6 triệu đồng. Đây là khoản tiền không hề nhỏ với gia đình bà Xinh và đại đa số người dân ở Xuân Dương.

Trước đó, năm 2019, Sở Y tế Hà Nội kiểm tra mẫu nước sinh hoạt tại đây và kết quả cho thấy nước nhiễm Amoni, Asen, Coliform và Ecoli.

Làm mọi cách để có nước sinh hoạt

Tình trạng khan hiếm nước trầm trọng không chỉ xảy ra ở xã Xuân Dương (Thanh Oai) mà nó cũng đang xảy ra trên địa bàn xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức. Theo tìm hiểu của phóng viên, ở đây mỗi gia đình trung bình sở hữu từ 2 đến 4 giếng khoan trong nhà. Cá biệt có nhà anh Đàm Trọng Song, cư dân xóm 5 của xã có tới 6 chiếc giếng khoan. Anh Song đưa chúng tôi xem đủ 6 chiếc giếng của mình, rồi lắc đầu ngán ngẩm: “Đấy, cứ tưởng nhiều giếng là nhiều nước, thực tế chẳng có là bao.

Hằng ngày chúng tôi phải bơm nước vào buổi sáng và chiều, mỗi lần bơm mất rất nhiều thời gian để mồi nước. Thế nhưng cũng chẳng được nhiều, có hôm còn không đủ để dùng, nói gì đến việc dự trữ. Tiền điện để hút nước tại giếng hằng tháng của nhà tôi luôn ở mức trên dưới 1 triệu đồng. Nước sạch luôn là khao khát của người dân chúng tôi. Sống thiếu nước thế này khổ sở lắm rồi”.

Nước nhiều vẩn đục và có mùi lạ tại xã Xuân Dương.

Theo như người dân cho biết, tiền khoan giếng là rất tốn kém. Trung bình mỗi mũi khoan ở đây có giá từ 25 đến 30 triệu. Có những giếng người dân đào sâu đến 70 mét mà vẫn không có mạch nước. Không chỉ khan hiếm nước, nước hút lên từ giếng khoan cũng không đảm bảo vệ sinh. Mặc dù nhiều gia đình đã trang bị máy lọc RO, thậm chí còn lắp đặt bể lọc có cát, sỏi, than hoạt tính… Nhưng chỉ sau khoảng 2 tháng máy chạy liên tục, bộ lọc cũng sẽ bị cứng đơ bởi các mảng bám cặn đóng bánh lại.

Gia đình anh Song thuộc hàng khá giả trong xã, còn với đa số người dân chi phí để khoan nhiều giếng là quá sức. Hàng ngày các gia đình phân công nhau xách can, thùng đi xin nước hàng xóm. “Chúng tôi xin được bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu thôi, phải tiết kiệm đến mức tối đa. Ở đây đâu có phải nhà nào cũng đủ điều kiện để khoan giếng, rồi mua máy bơm, trả tiền điện nữa” – Bà Lê (Đội 5, xã Phúc Lâm) cho biết.

Đã có nhiều hộ gia đình khoan cả chục mũi khoan, tốn cả trăm triệu đồng nhưng cũng không có nước. Hầu hết mỗi gia đình đều sở hữu từ 2 -3 máy bơm, nhà nhiều có tới 4-5 cái. Dù vậy nhưng trên địa bàn xã vẫn còn khoảng 70% hộ gia đình trong tình trạng thiếu nước. Có những người quyết không đầu hàng với việc thiếu nước, họ khoan đất nhà mình không được đã nhờ cả đất nhà hàng xóm để khoan.

Anh Đàm Bình kể: “Vì ở quê không có nguồn nước nào khác nên dù khoan cả chục mũi cũng vẫn phải cố. Bản thân nhà tôi cũng đã khoan tới 3 cái giếng, có những mũi khoan sâu đến 70 mét nhưng vẫn không tìm được mạch nước. Nhiều gia đình ở đây rơi vào tình trạng nhà mình đang có nước nhưng khi nhà hàng xóm khoan giếng thì lại mất. Thậm chí hôm nay có, ngày mai lại mất là chuyện rất bình thường. Nước ăn thì chủ yếu vẫn dùng bằng nguồn nước mưa. Nhà nào khá hơn thì mua máy lọc nước RO”.

Tại Phúc Lâm, nhiều gia đình phải khoan giếng dọc đường đi.

Dù có tiền nhưng việc khoan giếng để có nước cũng là điều chẳng hề dễ dàng. Như gia đình ông Đặng Văn Hoành đã phải thuê thợ về khoan đúng 1 tháng, khoan nát cả sân nhưng vẫn không có nước. Không kém phần công phu, gia đình ông Nguyễn Văn Phượng đã bỏ tiền nuôi ăn tốp thợ khoan giếng suốt một thời gian dài. “Khoan cả chục mũi không được, khoan sang nhà hàng xóm cũng không có nhiều nhà còn khoan cả ra đường đi của thôn. Thợ khoan giếng mà về đến quê tôi là yên tâm không bao giờ thất nghiệp. Hiện vẫn đang có một tốp thợ ở Sóc Sơn ăn, ngủ ở đây cả năm để khoan giếng. Hầu như ngày nào ở đây cũng có nhà khoan giếng” – Anh Lưu Văn Thái cho biết.

Chỉ chưa đầy 2 tháng, ống lọc nước RO đã đen xì.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Du – Phó Trưởng phòng Hạ tầng, Kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, phương án quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội báo cáo Bộ Xây dựng. Bộ Xây dựng cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên về nội dung thì giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng vẫn còn một số điểm chưa thống nhất. Đặc biệt là bổ sung thêm một số nhà máy nước để đáp ứng nhu cầu cho Hà Nội như Nhà máy nước Xuân Mai”.

Có thể thấy, quy hoạch cấp nước mới vẫn chưa được phê duyệt, đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người dân phía Nam của Hà Nội vẫn chưa có nước sạch để đảm bảo sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống khó khăn, dựa vào thiên nhiên, dựa vào máy lọc nước RO, dựa vào giếng khoan của các gia đình sẽ còn kéo dài.

Đại diện của Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, hiện khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội gồm 4 huyện: Chương Mỹ, Ứng Hoà, Thanh Oai và Mỹ Đức với khoảng 1 triệu nhân khẩu vẫn chưa có hệ thống cấp nước đô thị. Điều đó đồng nghĩa với việc, nước ở đây chỉ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt, chứ không dùng để ăn uống (theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế).

Để khắc phục tình trạng này, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Bộ Xây dựng điều chỉnh quy hoạch cấp nước thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 để tất cả khu vực ngoại thành Hà Nội sẽ được dùng chung một hệ thống cấp nước như đô thị.

Quy hoạch mới này bổ sung thêm nhà máy nước mặt Xuân Mai sẽ cung cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội. Một nhà máy nước hoạt động song song cùng nhà máy nước mặt sông Đà để đảm bảo an ninh nguồn nước nếu một trong hai nhà máy gặp sự cố.

Phong Anh
.
.
.