"Sống chậm" ở khu cách ly Trúc Bạch

Thứ Sáu, 13/03/2020, 13:27
Nhiều người vẫn nghĩ, bị cách ly là một điều gì đó rất kinh khủng trong thời điểm dịch bệnh đang có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay. Giam lỏng, sống trong sợ hãi, dễ lây nhiễm, thiếu thốn… đó là tất cả những gì mà những kẻ cơ hội đang cố tình lèo lái dư luận, gây hoang mang cho nhiều người.

Nhưng khi được nghe chính tâm sự từ những người đang sống trong khu vực cách ly, dư luận mới được thấy một cuộc sống khác, không hề thấy “ngột ngạt” như ai đó vẫn hình dung. Thậm chí đối với nhiều người, đây là một trải nghiệm thú vị, bỗng dưng được "sống chậm", bởi từng ngày trôi qua bình yên...

Một đêm không ngủ

Tối 6-3 có lẽ là một dấu mốc không thể quên đối với người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung. Khi sau hơn 20 ngày, Việt Nam không phát hiện thêm một ca nhiễm COVID-19 nào mới, người dân đã hy vọng vào thời điểm công bố hết dịch đang đến gần thì thật bất ngờ, bệnh nhân thứ 17 xuất hiện khiến nhiều người hụt hẫng. Sự hụt hẫng ấy đã khiến cả bộ máy chính quyền tiếp tục vào cuộc với “trận đánh thứ 2” trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh này.

Cũng trong tối hôm đó, lệnh cách ly khu phố Trúc Bạch (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội), nơi sinh sống của bệnh nhân thứ 17 được ban bố. Gần 200 người dân sinh sống gần vùng nguy hiểm không thể ra khỏi nhà, phải dừng mọi công việc, mọi thứ bị xáo trộn một cách vô cùng bất ngờ.

Đêm hôm ấy, nhiều người không ngủ vì nuối tiếc, vì muộn phiền bởi dịch bệnh lại tiếp tục, đặc biệt là những người dân sống trong khu cách ly. Họ lo lắng vì không biết, cuộc sống cách ly này có dễ chịu, có đầy đủ hay không. Nhưng những sự lo toan ấy đã được giải tỏa chỉ trong một ngày sau đó, trước sự quan tâm của các cấp chính quyền.

Chia sẻ về cuộc sống của gia đình mình sau 6 ngày cách ly (tính đến 12-3), chị Đào Mai Lan – một người dân trong khu phố Trúc Bạch cho biết, sự thay đổi trong cuộc sống dễ dàng nhận thấy nhất đó chỉ là không thể đi ra bên ngoài. Ngoài ra, mọi thứ đều rất tốt, còn yên bình, nhẹ nhàng hơn so với thời điểm chưa bị cách ly.

Kể về thời điểm tiếp nhận thông tin cách ly, chị Lan cho biết: “Tối 6-3, khi tôi vừa về nhà thì nhận được thông báo có người dương tính ở 125 Trúc Bạch và sau đó nhận lệnh cách ly cả khu phố luôn. Tôi cũng như những người khác không kịp sắp xếp công việc. Nhưng đây là việc chung nên mình cũng phải chấp hành. Lúc đó trong nhà cũng không có đủ nhu yếu phẩm vì gia đình tôi không có thói quen tích trữ, ăn hôm nào mua hôm đó. Nhưng thực sự tôi không lo lắm vì còn anh em bạn bè, thiếu gì họ sẽ hỗ trợ gửi vào…”.

Lối vào được bảo vệ để việc phòng, chống dịch được triệt để.

Sáng hôm sau, khi người thân của gia đình chị Lan biết khu phố Trúc Bạch bị cách ly đã gọi điện đến để trợ giúp, nhưng mọi sự "cứu trợ" dường như không cần thiết. Bởi trong sáng đầu tiên tiến hành cách ly, chính quyền địa phương đã gấp rút chuẩn bị nhu yếu phẩm để cung cấp cho người dân trong khu dịch. Nhu yếu phẩm này được phát 3 ngày 1 lần, cho từng hộ gia đình. 

Sự trợ giúp từ cộng đồng đã khiến nhiều người dân nơi đây rơi nước mắt vì xúc động. Nhiều cơ quan đoàn thể, nhà hảo tâm mang thêm thức ăn, thuốc bổ, khẩu trang… đến tặng cho từng nhà. Vì lý do đó mà thành ra, ngày nào cũng có người đến phát đồ cho người dân khu cách ly Trúc Bạch.

“Nhà mình nhân khẩu 3 người, ở đây với lượng phát như thế ăn nửa năm không hết. Đến ngày thứ 5 là nhà mình đã nhận 25kg gạo, 4l dầu ăn, 3 lít nước mắm với đủ loại nhu yếu phẩm. Thịt thì có đủ gà, lợn, bò, cá… Họ phát theo hộ gia đình, 3 người thì họ đưa một túi có đầy đủ các thứ, thừa luôn”, chị Lan nói.

Khi được hỏi, liệu chị có lo gia đình mình có người nhiễm bệnh hay không? Chị Lan nói: “Khi phát hiện có người nhiễm, cán bộ y tế phường đã vào lấy thông tin từng người trong gia đình, nhưng tôi cũng không sợ vì cả nhà đi làm từ sáng đến tối, không tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 nên cũng không có gì lo lắng”.

Không có nỗi lo mà đổi lại, nhiều người lại nói vui với nhau, cuộc sống này lại làm họ nhớ đến thời kỳ bao cấp, cứ đến giờ lại đi lấy đồ cấp phát. Một ngày 2 lần vào lúc 9 giờ sáng và 3 giờ chiều, người dân lại ra ngoài cửa chờ nhân viên y tế đến đo nhiệt độ. Lúc thời tiết mát mẻ lại rủ nhau ra vườn hoa chơi, tập thể dục, giao lưu với hàng xóm láng giềng.

Cuộc sống bình yên như vậy khiến không chỉ mình chị Lan cảm thấy yên tâm. Không còn phải lo công việc, không có cảm giác của cuộc sống hối hả theo guồng quay của xã hội, nhất là ở giữa lòng Thủ đô. Đây cũng là thời điểm để nhiều người dân nơi đây nghỉ ngơi, hưởng thụ những giây phút thong thả, trò chuyện với những người hàng xóm mà ít có cơ hội nói chuyện.

Thuốc bổ và đồ bảo vệ được phát cho người dân khu cách ly Trúc Bạch

"Cách ly như đi nghỉ dưỡng"

Đó là nhận định của anh Dương Minh Tuấn, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, một người dân khác sống trong khu cách ly Trúc Bạch. Sau khi tiến hành cách ly, anh Tuấn đã nghĩ ra đủ thứ việc để làm, đều là những việc anh khó có thể làm trước đây do quỹ thời gian hạn hẹp như tưới cây, dọn dẹp nhà cửa, chơi với mèo, đọc sách, nấu ăn, xem phim…

Cũng giống như chị Lan, thông tin về việc cách ly đến với gia đình anh Tuấn vô cùng bất ngờ. Tuy nhiên là người hiểu rõ về dịch bệnh, vị bác sĩ này không hề hoang mang chút nào khi nhận được thông tin có một ca dương tính gần nhà mình. Ngày hôm đó, anh Tuấn đang công tác trong Quảng Bình, chỉ tính về thăm mẹ nhân dịp 8-3 nhưng không ngờ lại đúng lúc có lệnh cách ly do nhà anh cách nhà bệnh nhân số 17 chỉ mấy chục mét.

“Điều này cũng ảnh hưởng một chút đến công việc của mình nhưng không sao cả, an toàn cho bản thân và mọi người là trên hết. Giờ thế giới phẳng rồi, người mang mầm bệnh có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu, nhất là trong trường hợp dịch bệnh vẫn diễn biến trên toàn thế giới. Mình chỉ hơi buồn vì câu chuyện không khai báo thành thực của cô bé ấy”, anh Tuấn nói.

Do cách ly cũng đột ngột, anh Tuấn không kịp chuẩn bị gì, công việc chỉ có thể gọi điện báo với lãnh đạo cơ quan và được mọi người tạo điều kiện hết sức.

Ngày hôm sau, anh Tuấn rất bất ngờ khi chính quyền địa phương mang đến đủ các loại nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống và các đồ bảo vệ như khẩu trang, nước rửa tay, nước súc miệng họng. Thực phẩm cũng được cung cấp đầy đủ, sạch sẽ và đủ dinh dưỡng cần thiết, tất cả đều miễn phí.

“Mỗi ngày, các nhân viên y tế đến kiểm tra thân nhiệt 2 lần. Thành uỷ Hà Nội còn gửi cho mỗi hộ gia đình cả một túi quà lớn có gạo, có thịt, dầu ăn, nước mắm... bất ngờ lắm. Nói chung là mình thấy rất được quan tâm”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng giống như chị Lan cùng nhiều người dân khác trong khu cách ly Trúc Bạch, vị bác sĩ này cho rằng, nhà nước, các bộ, ban, ngành, các nhân viên y tế của Việt Nam vẫn đang phối hợp và chống dịch rất tốt. Việc cách ly cũng được tiến hành triệt để, chỉ có thể gửi đồ vào và không được mang bất cứ thứ gì từ bên trong khu cách ly ra ngoài. Nhưng đặc biệt, thái độ của các cán bộ y tế, lực lượng phụ trách an ninh đều rất vui vẻ, niềm nở. Dù người dân có nhờ vả lấy đồ nhiều lần đi nữa cũng không có một chút nào tỏ ra khó chịu.

Nhân viên y tế tuyên truyền, động viên giúp các công nhân vệ sinh yên tâm hơn khi làm nhiệm vụ.

Nhiều người nhận xét, việc cách ly này còn trên cả mong đợi bởi mọi thứ quá tốt. Cuộc sống của người dân đều được lo lắng chu đáo. Ngay cả việc vệ sinh, rác thải, chính quyền cũng cấp phát cho mỗi hộ một xấp túi nilon đựng chất thải trong bệnh viện để đựng. Người dân sẽ mang rác đến khu tập kết, rác được khử trùng cẩn thận rồi sẽ được công nhân vệ sinh môi trường chuyển đi theo đúng quy định.

Nhờ đó, những người dân trong khu cách ly nhận thấy trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tuân thủ các biện pháp phòng dịch là rất cần thiết, giống như đang đóng góp cùng cả nước trong “cuộc chiến” cam go phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Mọi người đều vô cùng ý thức, ra đường thì đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, làm theo chỉ dẫn của chính quyền trong việc cách ly phòng dịch.

Tuy nhiên, chỉ có một điều làm những người dân đang góp sức cho “trận đánh thứ 2” này băn khoăn đó là có một số ít dư luận vẫn tỏ ra lo lắng, sợ hãi với dịch bệnh và người dân sống trong khu vực cách ly. Bác sĩ Dương Minh Tuấn cho rằng, nhưng trường hợp đó không nhiều, chủ yếu là những người có tâm lý hoang mang lo lắng thái quá. 

Anh Tuấn cũng trấn an: “Khu phố đã được phun thuốc diệt khuẩn, khẩu trang và nước rửa tay luôn đầy đủ và sẵn sàng, mình nghĩ mọi người nên bình tĩnh khi tiếp xúc với khu cách ly, cứ làm đúng theo chỉ dẫn của cán bộ cũng như thực hiện việc phòng bệnh theo hướng dẫn của bộ y tế thì không sao cả”.

Một cuộc "sống chậm" đang diễn ra bên trong khu cách ly Trúc Bạch, bỏ lại ngoài kia ồn ào, náo nhiệt. Việc cần làm lúc này là mỗi người dân, không chỉ người dân sống trong khu cách ly mà tất cả mọi người dân cần đoàn kết, nêu cao tinh thần "chống dịch như chống giặc", tuân thủ theo chỉ dẫn của chính quyền, khuyến cáo của Bộ Y tế, không nghe theo dư luận xấủ. 

Trâm Hiền
.
.
.