Sợ ô nhiễm hay sợ thiếu trung thực sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông?
- Thủ tướng chỉ đạo xử lý hậu quả vụ cháy Rạng Đông
- Bộ Tư lệnh Thủ đô chỉ đạo khắc phục hậu quả sự cố cháy kho Rạng Đông
Thậm chí chính quyền sở tại vẫn chưa đưa ra được một khuyến cáo cụ thể để người dân biết “đi hay ở”. Sau tất cả, dư luận sợ hãi việc không khí bị ô nhiễm một phần thì họ sợ sự thiếu minh bạch của các cơ quan chức năng và sự lừa dối của Công ty Rạng Đông mười phần.
Hoang mang người ở lại
Đã gần nửa tháng kể từ khi vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xảy ra, theo ghi nhận của phóng viên, hàng chục hộ dân sống bên cạnh Công ty này đã phải chuyển chỗ ở để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người thân trong gia đình. Tại khu vực khu đô thị 54 (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân) cạnh nhà máy Rạng Đông, hàng trăm hộ dân di dời từ sau vụ cháy vẫn chưa dám trở về nhà.
Là một trong những hộ chuyển nhà muộn, anh N.V.H - cư dân tòa nhà A1 (khu đô thị 54) cho biết: “Đến ngày 8-9 tôi mới chuyển đi được vì trước đó không thuê được nhà, cũng không tìm được chỗ ở nhờ vì nhà đông người. Vừa rồi, có người giới thiệu căn nhà giá 9 triệu đồng/tháng nên hôm nay gia đình tôi chuyển đi ngay. Những người ở gần nhà tôi nói, ít nhất 3 tháng nữa họ mới trở về”.
Anh H. cho biết thêm, do có con nhỏ nên anh chủ động chuyển nhà để đảm bảo an toàn. Chi phí thuê nhà, chuyển nhà vẫn phải bỏ tiền túi vì cho tới nay, Công ty Rạng Đông cũng chưa có thông báo gì hỗ trợ người dân về việc di dời hay đi khám. Được biết, đã có khoảng 1/3 cư dân của tòa nhà A1 chuyển đi vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là sau khi có thông tin nồng độ thủy ngân phát tán ra môi trường vượt ngưỡng cho phép, số người chuyển nhà đi càng đông hơn. Cũng vì thế mà trong những ngày gần đây, khu đô thị 54 trở nên vắng ngắt dù là trong giờ cao điểm.
Bà Chu Thị Cảnh – Bí thư chi bộ tổ dân phố cho biết, khu chung cư A2 cũng có khoảng 1/3 hộ dân còn chưa dám trở về nhà sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Khu vực bên cạnh Công ty chỉ còn vài hộ sinh sống. |
“Sau vụ cháy xảy ra, cả dãy này chuyển đi hết không còn một ai. Hiện giờ nhiều người phải trở về do không tìm được nhà thuê hoặc cho con đi học vậy mà vẫn còn khoảng 1/3 hộ dân chưa trở về. Nhà tôi do đông người, việc chuyển đi phức tạp, tốn kém nên mới phải bám trụ lại”, bà Cảnh nói.
Ngoài bà Cảnh, vẫn còn có nhiều trường hợp phải bám trụ lại do không có khả năng di dời, nhất là với những người lao động như ông Ngô Văn Lực (quê Chương Mỹ, TP. Hà Nội). Là người làm thuê cho cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng đằng sau Công ty Rạng Đông, sau vụ cháy, nhà chủ đã đóng cửa chuyển nhà và đi khám sức khỏe nhưng ông Lực vẫn được thuê ở lại trông số nguyên vật liệu còn sót.
“Tôi cảm thấy sức khỏe mình yếu đi nhiều, ăn uống khó khăn, ngủ thì không sâu giấc. Gia đình nhà chủ đi khám hết rồi, nghe đâu hết gần 2 triệu, mình không có tiền đi xét nghiệm thì đành phải chịu. Biện pháp duy nhất để bảo vệ mình đó là mỗi ngày tôi đi hơn 30km từ quê mình đến cửa hàng, thay ca cho một người bạn trông đêm”, chỉ vào một khu lán gỗ lụp xụp, ông Lực lắc đầu nói.
Với hoàn cảnh kinh tế khá hơn một chút, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy là hộ kinh doanh duy nhất còn ở lại tại khu vực bị ảnh hưởng nặng nề tại vụ cháy Công ty Rạng Đông. Cả gia đình bà Thủy đã phải thuê một ngôi nhà ở xa hơn mất 7 triệu đồng/tháng để làm nơi ngủ qua đêm, buổi sáng lại đến mở cửa hàng sửa xe. “Ăn thì đi chợ xa, uống thì tôi mua bình nước đặt trong nhà để tránh dùng phải nước bị ô nhiễm. Nhưng khi thấy mình có biểu hiện sức khỏe sa sút thì gia đình tôi sợ lắm. Người ta nói nhà mình có tiền mới bám trụ được nhưng thực ra gia đình tôi mưu sinh ở đây, đóng cửa thì lấy tiền đâu mà ăn. Hai vợ chồng làm gì có công ăn việc làm ngoài việc trông vào cái cửa hàng này. Giờ tôi chỉ mong chính quyền có thông báo chính xác để mọi người không phải sống trong cảnh hoang mang nữa”, bà Thủy ngậm ngùi chia sẻ.
Dấu hỏi về trách nhiệm
Ảnh hưởng sức khỏe, cuộc sống nhưng điều khiến nhiều người bức xúc đó vẫn là sự khó hiểu của chính quyền địa phương khi chưa có một thông báo chính thức, giúp người dân nắm bắt rõ vụ việc.
Bà Chu Thị Cảnh bức xúc nói: “Mình là bí thư nên sau khi xảy ra vụ việc, báo đài có nói về việc ô nhiễm thủy ngân nên người dân đến hỏi xem quận, phường có chỉ đạo di dời gì hay không. Nhưng cho đến nay không có công văn, thông báo nào của quận về việc phải di dời khỏi khu vực nên mình cũng không dám nói với bà con điều gì. Bảo họ chuyển nhà cũng không được, mà bảo họ ở lại cũng không xong, quận có chỉ đạo gì đâu nên mọi người chỉ biết lên mạng đọc tin tức, tự bảo vệ bản thân”.
Tuy nhiên, ngay cả thông tin được đăng tải cũng có nhiều bất đồng giữa các cơ quan chức năng, mỗi nơi công bố một kiểu khiến người dân loay hoay không biết phải làm sao.
Ông Chu Văn Lực nói: “Không thấy ai thông báo nên chúng tôi phải lên mạng đọc. Nhưng đọc mãi mà chẳng biết ai đúng ai sai, phường cảnh báo, quận nói an toàn rồi hôm trước lại công bố mức thủy ngân vượt ngưỡng. Công ty Rạng Đông thì bảo dùng vật liệu an toàn, nhưng mới đây Tổng cục Môi trường lại nói là công ty nói dối. Như thế thì chúng tôi biết phải nghe theo ai”.
Cửa hàng duy nhất còn duy trì hoạt động. |
Chỉ vì quá hoang mang trước thái độ và trách nhiệm của chính quyền địa phương, một nhóm cư dân thuộc phường Thanh Xuân Trung đã phải làm đơn cầu cứu gửi các cơ quan, ban, ngành. Nhóm cư dân này cũng đã rủ nhau đến trước cổng Công ty Rạng Đông để yêu cầu công ty này có câu trả lời chính thức về sự an toàn và trách nhiệm hỗ trợ cho người dân.
“Lẽ ra trách nhiệm đó thuộc về quận Thanh Xuân. Họ phải có thông báo tới từng hộ dân xem thông tin nào đúng, thông tin nào sai, hoặc cảnh báo cho người dân chứ không phải để dân tự lên mạng đọc. Thông tin gần đây nhất về vụ cháy của quận là tận ngày 31-8. Khi Bộ Tài nguyên - Môi trường đưa ra thông tin cảnh báo thì quận Thanh Xuân vẫn im lặng một cách vô trách nhiệm nên chúng tôi mới phải làm đơn kêu cứu" - bà H. bức xúc cho biết.
Liên quan đến vụ cháy này, mới đây Công ty Rạng Đông thừa nhận đã có gian dối trong khai báo về các nguyên liệu sử dụng trong việc làm bóng đèn.
Căn cứ kết quả xét nghiệm môi trường thực tế và từ những thông tin Công ty Rạng Đông phải thừa nhận, Tổng cục Môi trường ước tính, lượng thủy ngân phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 - 27,2kg.
Dư luận mong chờ các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Công ty Rạng Đông cũng như trách nhiệm của UBND quận Thanh Xuân đối với vụ cháy này.