"Siêu thị hạnh phúc" và tình người trong đại dịch

Chủ Nhật, 19/04/2020, 17:25
Ngày 13/4, "Siêu thị 0 đồng" chính thức khai trương tại toà nhà số 117 Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội).

Đây là việc làm ý nghĩa nhằm chia sẻ khó khăn với những người nghèo, những người không có nguồn thu nhập trong thời gian "cách ly toàn xã hội".

"Siêu thị tình người"

Ngày 14/4, hàng trăm người dân, lao động nghèo đã có mặt tại toà nhà Grand Plaza, số 117 Trần Duy Hưng, xếp hàng chờ đến lượt vào siêu thị 0 đồng mang tên "Siêu thị hạnh phúc". Siêu thị này hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ": nhân sự, địa điểm và phục vụ tại chỗ.

Các kệ hàng được xếp đầy gạo, trứng, dầu ăn, muối, đường, quần áo, dầu gió… và những nhu yếu phẩm khác. Tại đây, người dân được nhân viên hỗ trợ chọn những món hàng theo nhu cầu, đơn hàng có giá trị 100.000 đồng/người sẽ được thanh toán với giá 0 đồng.

Chị Nguyễn Thị Minh từ quận Hoàng Mai lên phố Trần Duy Hưng, đứng xếp hàng chờ đến lượt vào "Siêu thị hạnh phúc". Chị Minh kể: "Khi chưa bị dịch bệnh thì chồng tôi làm nghề xe ôm, còn tôi ở nhà chăm 4 đứa con nhỏ.

Một người lao động phải nuôi 6 miệng ăn nên chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Lúc chồng còn đang chạy xe gia đình tôi cũng chỉ dám ăn uống hà tằn hà tiện cho qua ngày. Giờ gần 1 tháng phải nghỉ dịch, gia đình tôi gần như đói.

Cũng đã mấy lần phải sang các nhà hàng xóm vay gạo nhưng vay nhiều cũng ngại lắm. Thực sự trong những ngày dịch bệnh thế này thì để có bữa cơm chan canh rau muống với vợ chồng tôi cũng là quá sức. Cũng may, hôm qua tôi nghe mọi người nói có "Siêu thị hạnh phúc", nên hôm nay tôi phải đạp xe đi từ sớm. Vào đây tôi không dám chọn gì khác ngoài gạo. Nhà tôi chỉ cần có gạo thôi cũng là hạnh phúc lắm rồi".

Xếp hàng đúng khoảng cách chờ mua đồ.

Cầm trên tay túi thực phẩm, anh Bùi Văn Tự, 40 tuổi (thuê trọ tại phố Nguyễn An Ninh, phường Giáp Bát, Hà Nội), không giấu được sự xúc động. Hai vợ chồng anh Tự đều bị khiếm thị bẩm sinh. Hằng ngày vợ chồng anh mưu sinh bằng nghề bán tăm dạo.

Mỗi ngày bán tăm vợ chồng anh cũng thu nhập bình quân được 100 nghìn đồng/ngày. Dù không cao nhưng cũng đủ tiền trang trải nhà trọ và ăn uống qua ngày. Nhưng nay do dịch bệnh nên vợ chồng anh cũng đã phải nghỉ bán gần 1 tháng, không có thu nhập nên cuộc sống vợ chồng anh thực sự lâm vào cảnh khó khăn.

"Ở đây không có việc gì làm nhưng chúng tôi cũng không dám về quê vì sợ chẳng may mang dịch bệnh về. Nghề của vợ chồng tôi trước đó là phải đi lang thang khắp nơi và phải tiếp xúc với rất nhiều người nên khả năng bị lây nhiễm là rất cao. Bố mẹ tôi cũng khuyên là thôi cứ gắng gượng ở dưới này chứ ngộ nhỡ về mà lây bệnh thì người ta oán mình cả đời", anh Tự chia sẻ.

Với số lương thực mà anh Tự được mua ở "Siêu thị hạnh phúc" cũng giúp vợ chồng anh đủ chống cự trong vòng ít nhất 1 tuần. Anh cười bảo: "Cứ thế đã rồi vợ chồng tôi lại tính tiếp".

Xuất phát từ xóm trọ nghèo ở dưới chân cầu Long Biên, chị Quý đạp xe đến "Siêu thị hạnh phúc" để xếp hàng xin nhận đồ hỗ trợ. Chị là bà mẹ đơn thân có 3 đứa con nhỏ, hằng ngày chị thường đi nhặt rác, đồng nát ở khắp các phố phường nhưng đến nay đã nghỉ 17 ngày vì dịch bệnh.

Không có tiền tích cóp, suốt 17 ngày qua, 4 mẹ con chị Quý chưa được biết đến miếng thịt lợn. Chị cho biết, hôm nào sang lắm thì có được quả trứng nhưng cả nhà phải nhường cho đứa con út chưa đầy 3 tuổi.

Đến siêu thị xin đồ, không giống như những người khác lấy mỗi thứ 1 ít, chị Quý chỉ lấy gạo, nước mắm và 1 khay trứng rồi vội vã ra về với đàn con đang đứng đợi mẹ ở chân cầu Long Biên. Chị vừa đi, vừa nói: "Có gạo là mẹ con tôi sống rồi. Còn trứng xin về chủ yếu cho đứa út thôi. Hai đứa lớn ăn như mẹ".

Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Thu, 60 tuổi (Kim Bản, Hà Nam) rơm rớm nước mắt bảo: "Có thể với những người đầy đủ họ sẽ không hiểu được việc làm này nó có ý nghĩa như thế nào đâu, nhưng với những người nghèo khó, bệnh tật như chúng tôi thì cảm thấy biết ơn nhiều lắm.

Cả tháng nay rồi tôi không có việc gì để làm nên cũng chẳng có đồng nào để tiêu. Tôi chẳng quan trọng nhưng chồng tôi là bệnh nhân chạy thận lâu năm cũng rất cần có cái để ăn mới có sức mà chữa bệnh tiếp".

Theo lời bà Thu chia sẻ thì hơn 10 năm qua bà "khăn gói quả mướp" theo chồng lên Hà Nội để chạy thận. Hai vợ chồng bà không có con nên chỉ biết nương tựa vào nhau. Miếng đất ở quê cũng đã bán để lấy tiền chữa bệnh cho chồng.

Khi chưa xảy ra dịch bệnh, bà Thu vẫn thường đi nhặt rác hay dọn nhà theo giờ để kiếm thêm thu nhập. Nhưng sau khi có chỉ thị "cách ly xã hội" thì bà phải ở nhà.

"Nhiều lúc nhìn chồng ốm đau mà chẳng có gì để tẩm bổ tôi chỉ biết khóc. Giờ có được chỗ thực phẩm này rồi vợ chồng tôi ăn khéo cũng phải được một tuần, mừng rơi nước mắt", bà Thu nghẹn ngào.

Vợ chồng anh Tự hạnh phúc vì có đủ lương thực sử dụng trong 1 tuần.

"Một miếng khi đói bằng một gói khi no"

Khi đến "Siêu thị hạnh phúc" mỗi người sẽ được phát 1 phiếu. Phiếu này để ghi số chứng minh thư nhân dân và tích sản phẩm của mỗi lần "mua hàng". Sau 2 tuần, mọi người có thể mang phiếu đó đến và tiếp tục đọc thông tin cá nhân để lấy đồ.

Một quản lý của "Siêu thị hạnh phúc" cho biết: "Sở dĩ chúng tôi làm vậy là để tránh tình trạng có người hôm nay đến lấy đồ, mai lại tiếp tục lấy. Như vậy những người nghèo và khó khăn khác sẽ mất cơ hội được "mua hàng". Trên mỗi sản phẩm bày bán đều được định giá.

Lý do phải định giá mặt hàng là để khi cộng tổng lại số tiền không quá 100 nghìn cho mỗi 1 lần "mua hàng". Để đảm bảo an toàn và phòng bệnh, ban tổ chức đã bố trí kẻ vạch sơn cho mọi người xếp hàng và đứng đợi với mỗi vạch cách nhau 2 mét.

Đồng thời, nhân viên liên tục dùng loa nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện trong khi chờ đợi.

Theo quan sát của phóng viên, đa số những người đến "Siêu thị hạnh phúc" là những người già neo đơn, người tàn tật và người lao động nghèo phải tạm nghỉ việc trong thời gian cách ly toàn xã hội.

Chị Minh không giấu được xúc động khi được mua hàng miễn phí.

Ông Nguyễn Quang Huy, đại diện ban tổ chức của "Siêu thị hạnh phúc" cho biết: "Dự án này được triển khai từ 11/4, và bắt đầu đi vào hoạt động từ chiều 13/4. Chúng tôi xây dựng quy trình chặt chẽ.

Hàng ngày, khoảng 100 nhân viên luân phiên vận chuyển hàng siêu thị từ 8 giờ sáng đến 18 giờ chiều, nhắc nhở người dân sát khuẩn, xếp hàng theo đúng khoảng cách để đảm bảo an toàn.

Dự kiến, siêu thị sẽ hoạt động đến hết mùa dịch để hỗ trợ bà con. Tuy nhiên, ban tổ chức đang lên phương án sẽ duy trì lâu dài nếu có những đơn vị khác tham gia ủng hộ vì đất nước vẫn còn rất nhiều người khó khăn.

Hiện hệ thống siêu thị 0 đồng đã thực hiện ở nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Thừa Thiên - Huế… và đang lên kế hoạch để triển khai tại Yên Bái, Hòa Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận".

Những ngày qua, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa để hỗ trợ những người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh.

Cụ thể là những địa điểm phát thực phẩm miễn phí, "Cây ATM gạo" và tới nay là chuỗi siêu thị 0 đồng. Những nghĩa cử cao đẹp này chính là động lực giúp chúng ta nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh và để không ai có cảm giác bị "bỏ lại phía sau" trong cuộc chiến trường kỳ này.

Phong Anh
.
.
.