Sao "khủng long" vẫn cứ chui lọt "lỗ kim"?
đồng thời tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý, bảo vệ rừng của UBND các huyện Kon Rẫy, Đắk Tô, Đắk Glei; Hoàn thành, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 6/5/2020.
Công an tỉnh cử cán bộ phối hợp với Sở NN&PTNT trong quá trình kiểm tra, xác minh; trường hợp đủ điều kiện thì tiến hành khởi tố hình sự vụ án, điều tra và xử lý các đối tượng, hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; rà soát, thống kê số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp đang do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện, thành phố thụ lý; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra và xử lý dứt điểm các vụ việc quy theo định của pháp luật; báo cáo kết quả trong tháng 5/2020.
Cũng trong ngày 29/4, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xử lý tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Nội dung văn bản cho biết dù đã có chỉ đạo của Bộ NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuy nhiên tình trạng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn này vẫn xảy ra rất phức tạp.
Trong đó Bộ NN&PTNT đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, làm rõ các đối tượng vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật mà báo chí đã phản ánh. Xử lý nghiêm đối tượng phá rừng, hành vi tiếp tay, buông lỏng quản lý của chủ rừng và những người khác có liên quan. Các cơ quan chức năng trên địa bàn chấn chỉnh các hoạt động bảo vệ rừng. Đặc biệt, cần có biện pháp bảo vệ người tố cáo, đấu tranh trong công tác bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.
Theo phản ánh của báo chí thì tình trạng phá rừng ở tỉnh Kon Tum vẫn diễn ra vô cùng phức tạp. Những con đường trong rừng sâu đã bị cày mòn nhưng vào ban đêm, hoạt động trái phép của những ổ nhóm lâm tặc mới thực sự diễn ra.Không chỉ có xe sắt, nhóm lâm tặc hoạt động quy mô lớn, sử dụng xe máy cày để vào tận rừng sâu để phá rừng. Gỗ bị khai thác trái phép chủ yếu là gỗ dổi. Mỗi huyện thường sẽ có một đầu nậu lớn vừa trực tiếp khai thác gỗ vừa thu mua từ các nhóm khai thác nhỏ khác.
Điều đáng chú ý là hoạt động này diễn ra thường xuyên và các xe tải này trong quá trình vận chuyển không gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Dù tình trạng này diễn ra trong thời gian dài nhưng chính quyền sở tại lại không biết. Và có vẻ như chỉ tới khi báo chí lên tiếng thì các cơ quan chức năng ở Kon Tum mới biết ở tỉnh mình đang có nạn phá rừng một cách ngang nhiên như vậy.
Câu chuyện này cũng giống như chuyện đoàn "xe vua" 27 chiếc mới bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ vào đêm 14 và rạng sáng 15/4 vừa qua khi đang chở than từ cảng Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) về Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Đồng Nai (TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, Đồng Nai). Trong đó có nhiều xe của Công ty TNHH thương mại Âu Châu (H.Nhơn Trạch) và Công ty TNHH MTV Ngọc Minh Anh (H.Long Thành, Đồng Nai).
Theo phản ánh của người dân thì xe tải Công ty Âu Châu hoành hành trên đường khiến người dân ven tỉnh lộ 25B hết sức phẫn nộ. Tài xế điều khiển sẵn sàng cho xe chạy giành đường, vượt ẩu, vượt đèn đỏ; những năm gần đây đoàn xe này đã gây ra vài chục vụ va quệt và cả tai nạn chết người.
Hiện tại, vụ việc sai phạm của đoàn xe "vua", ngoài lực lượng CSGT phụ trách địa bàn đang bị Công an Đồng Nai truy trách nhiệm, thì Thanh tra GT-VT của Đồng Nai cũng không thể chối bỏ việc có liên quan.
Qua vụ việc trên, câu chuyện Formosa đốt gần 1,5 triệu tấn than mỗi năm cũng đặt ra trách nhiệm kiểm soát khí thải, bụi than, xử lý xỉ than… như thế nào. Đây là vấn đề Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cần sớm làm rõ để công khai trước dư luận, người dân.
Hai vụ việc xảy ra ở hai địa bàn khác nhau, nhưng có chung một câu hỏi đặt ra là tại sao việc lâm tặc ngang nhiên phá rừng, chở gỗ đi bán; xe "vua" ngang nhiên lộng hành trong thời gian dài mà các cấp chính quyền không hay biết? Đây rõ ràng là chuyện "khủng long" chui lọt "lỗ kim". Những vi phạm ngang nhiên này khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Ai đang chống lưng cho những sai phạm này? Bởi những sai phạm ngang nhiên xảy ra trên địa bàn, chính quyền sở tại và các lực lượng chức năng không thể nói là không biết.
Dư luận đang trông chờ sự nghiêm túc của lãnh đạo hai tỉnh trong việc xử lý cán bộ sai phạm liên quan tới hai vụ việc này.