Săn hàng "độc" chơi tết
Lên rừng "săn sâm"
Nghe đồn ở khu vực Tây Nguyên đang sở hữu củ đinh lăng khủng, có niên đại hàng trăm tuổi nên nhóm của Hoàng Long (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) ngay lập tức phi lên "săn tìm". Long được giới thiệu về Buôn Đôn gặp Ka Mai để "mục sở thị" và "cướp tay trên" của nhóm khác.
Tuy nhiên, khi Long tiếp cận "báu vật" thì ngã ngửa vì củ đinh lăng chỉ khoảng ngoài hai mươi tuổi chứ chưa lên tới "bậc bô lão" như lời đồn. Ka Mai thực chất cũng chỉ là "cò con" ở buôn mới vào nghề nên "hét" toáng lên hòng che mắt thiên hạ. Ka Mai không thể qua được con mắt của dân chơi sành đời như Hoàng Long.
Để khỏi bõ công lặn lội đường xa, Long đã mua bình tứ linh "thanh niên" với giá 6 triệu đồng. Long cho biết, món này chắc chắn dân chơi như anh không dùng, nhưng sẽ bán lại cho mấy ông trung niên ngâm rượu uống, kiếm tiền lời tàu xe.
Vừa trở về thành phố được một ngày, Hoàng Long lại nhận điện lên Lâm Đồng "xem hàng". Hàng lần này là củ đinh lăng 60 tuổi, thuộc hàng "thọ", có thể chạm được chú rồng hoặc ông thần tài.
Để tránh sơ sẩy trong quá trình vận chuyển, Long thuê thợ chạm là người bản địa làm luôn và chờ rinh bằng máy bay về. Hỏi giá bao nhiêu? Long nhất định không tiết lộ, ngay cả hình thù "của quý" anh cũng kiên quyết từ chối.
Long bật mí, anh chưa phải là chủ nhân thật sự nên phải giấu kín. Một người bạn trong nhóm cười đắc ý: "Lần này trúng đậm rồi, gặp được "vua" chắc nó hét thấu trời luôn".
Cùng sở thích săn hàng độc chơi Tết nhưng không buôn bán như Hoàng Long là nghệ sĩ ghi ta Thanh Châu (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Anh Châu vừa từ Cẩm Mỹ (Đồng Nai) trở về sau hai ngày đi "săn" sâm "cao tuổi". Vẻ mặt bơ phờ, anh cho biết: "Mình bị chậm chân mất vài tiếng, họ đã bán củ sâm 50 năm cho người khác rồi. Củ này mà chạm tứ linh thì vô đối".
Chúng tôi thắc mắc, tại sao lại là đinh lăng chạm tứ linh mà không phải món hàng hoặc loại sâm nào khác? Anh Thanh Châu giải thích: "Cái gì chạm cũng được nhưng mình chuộng thứ này hơn vì biết công dụng của nó. Thực ra, đây là loại sâm thuần túy của Việt Nam nhưng vô cùng quý. Còn tứ linh thì từ xưa đến nay đã nằm trong tiềm thức văn hóa của người Việt. Nói chung là vừa quý giá, sang trọng lại vừa thuần chất. Bây giờ dân chơi không còn trào lưu sính ngoại nữa rồi".
Bình đinh lăng chạm khắc tứ linh được Hoàng Long mua từ Tây Nguyên về. |
Theo quan niệm tứ linh trong văn hóa Việt Nam thì Long (Rồng) đứng đầu tứ linh vì có sức mạnh, trí tuệ và quyền uy bậc nhất. Đây là sinh vật tổng hợp sức mạnh của những con vật khác. Rồng còn tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên tử. Dân tộc ta có truyền thuyết về con Rồng từ rất sớm bởi gắn liền với mây, mưa, với việc trồng lúa nước và sự tích "Con Rồng cháu Tiên".
Lân (ly) là linh vật rất hiền lành theo quan niệm dân gian. Theo truyền thuyết, khi di chuyển, nó luôn tránh giẫm lên các loại côn trùng hay cỏ mềm dưới chân mình. Loài Lân không bao giờ ăn thịt hay làm hại bất cứ con vật nào, đặc biệt nó không bao giờ uống nước bẩn mà chỉ ăn cỏ.
Lân có khả năng báo hiệu điềm lành, là biểu tượng cho sự nguy nga tráng lệ, sự trường thọ và niềm hạnh phúc to lớn.
Quy đã xuất hiện trong truyện cổ tích từ thời An Dương Vương, là linh vật tốt lành mang ý nghĩa trường thọ, có khả năng chiêu tài hóa sát, trấn trạch, rất lợi về tài lộc, bền vững và thịnh vượng lâu dài. Trên bàn thờ ở các đền chùa, miếu mạo, chúng ta thường thấy rùa đội hạc, rùa đi với hạc trong bộ đỉnh thơm ngát và thanh tịnh.
Quy là vật hợp bởi có cả âm lẫn dương: Bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Hình tượng rùa đội bia tượng trưng cho bình yên, phát triển và sự chịu đựng.
Rùa tượng trưng cho sự trường tồn và bất diệt. Hình ảnh rùa đội bia đá, trên bia đá ghi lại sử sách của dân tộc Việt Nam chứng tỏ rùa là loài vật chuyển tải thông tin và văn hóa.
Phụng là loài chim chỉ có trong truyền thuyết tượng trưng cho bầu trời, khi nó bay hoặc múa (phụng vũ) là tượng trưng cho sự hoạt động của vũ trụ. Nếu rồng có yếu tố dương, tượng trưng cho vua chúa thì phụng lại có yếu tố âm nên tượng trưng cho hoàng hậu. Vì thiêng liêng cao quý nên loài chim này thường sống trên những ngọn núi cao, xa xôi mà con người không thể vươn tới.
Bộ tứ linh chạm khắc trên củ sâm Việt Nam sẽ hội đủ các yếu tố đất trời, thiên nhiên, thánh thần hòa quyện, mang đến tất cả những điều tốt lành, may mắn, hạnh phúc. Loại sâm lớn tuổi thường có ở những vùng núi nên trào lưu săn sâm "khủng" ở vùng Tây Nguyên chưa bao giờ náo nhiệt như năm nay.
Tượng chó "lên ngôi"
Có muôn kiểu chơi Tết bằng hàng độc, lạ, quý hiếm của tầng lớp nhà giàu. Có người thích sưu tập tiền, người mê chim, cá khủng. Tuy nhiên, năm 2018, những cuộc đi săn lùng biểu tượng về chó lại được chú ý và đang diễn ra rầm rộ.
Thực tế không phải đến bây giờ người ta mới coi chó như một người bạn trung thành, mà trong văn hóa dân gian Việt Nam và một số nước trên thế giời đã có tục thờ chó đá như một vị thần linh canh giữ và bảo vệ cho dân làng.
Ở một số vùng nông thôn Việt Nam, tục thờ chó đá còn được giữ cho đến ngày nay với hàm ý trân trọng nhất. Họ đặt chó đá trước cổng để trừ tà và cầu hạnh phúc.
Ông Lê Văn Tiếp (65 tuổi, ngụ Dĩ An, Bình Dương) cả tháng nay đau đầu bứt óc suy nghĩ quà tặng cho ông thông gia tuổi Tuất. Vợ ông thì hiến kế tặng chậu quất tạo hình chú chó. Con gái lại mách tặng hẳn một bình rượu sâm quý.
Ông Tiếp phân tích, cây quất chỉ đẹp trong mấy ngày Tết, sau đó cũng rụng lá rời quả rồi chết héo. Rượu sâm nhỡ uống nhiều gây tác dụng phụ, hại sức khỏe... Tất cả đều không ổn. Cuối cùng, ông Tiếp sực nhớ ra tượng chú chó mạ vàng 24K là sang trọng và bền lâu nhất. Phương án được đồng thuận cao.
Ông Tiếp lặn lộn lên TP Hồ Chí Minh tìm thợ chạm đưa ý tưởng về mẫu mã, kích thước và ý đồ của mình và được nghệ nhân đặt lịch ngày 20 Tết sẽ có hàng. Giải quyết xong khâu quà tặng Tết, ông Tiếp như cởi bỏ được nỗi lòng.
Khuôn mặt rạng rỡ, ông Tiếp bật mí, gia đình ông hiện đang sở hữu hai cây bonsai hình chú chó rất đẹp và đầy uy nghi. Để tạo được hình thù này, ông đã mất hai năm liên tục nuôi thân, lá và dày công uốn nắn, chỉnh sửa, tạo dáng. Hai chú chó bon sai của ông Tiếp dự đoán sẽ là "đồ chơi" Tết độc đáo, lạ mắt khiến nhiều đại gia "thèm muốn".
Tượng chó mạ vàng được giới nhà giàu ưa chuộng vào dịp Tết năm nay. |
Khác với thú chơi theo thị hiếu thời đại, anh Đinh Công Tường, một đại gia đồ cổ ở quận 12 (TP Hồ Chí Minh) lại trung thành với lối chơi đồ gốm. Anh Tường hiện đang sở hữu hàng ngàn bình gốm sứ cổ các loại.
Trong đó phải kể đến cặp chó bằng gốm có niên đại trăm năm. Năm nay, rất nhiều người tới ngỏ ý muốn mua cặp chó, với giá bao nhiêu cũng được nhưng anh Tường đều từ chối.
Nhà sưu tầm gốm sứ chia sẻ: "Gốm sứ có rất nhiều loại, nhưng để tượng hình thành chú chó thì khó. Tôi luôn trân trọng để cặp chó này ngay trước kho dự trữ đồ cổ của mình, với hy vọng chúng sẽ tỏa khí tốt lành, mang đến may mắn, bình an và là thần canh giữ "báu vật" trước các thế lực xấu".
Trước nhu cầu tìm hàng độc chơi Tết rầm rộ, các cửa hàng điêu khắc đang hoạt động hết công suất. Nghệ nhân tạc tượng Lê Văn Hải (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời điểm này đang vào mùa cao điểm chạm tượng.
Người dân đặt nhiều nhất vẫn là tượng chó. Nhà giàu thì chạm bằng vàng, bạc, đồng còn nghèo cũng đặt tượng bằng xi măng hoặc khắc trên gỗ... Năm nay, dường như tượng chó lên ngôi.