Sàn đấu giá tranh ở Việt Nam: Bao giờ mới chuyên nghiệp

Thứ Tư, 12/09/2018, 14:13
Nhiều người hy vọng rằng, sàn đấu giá sẽ  góp phần làm minh bạch thị trường Mỹ thuật ở Việt Nam. Nhưng những vụ lùm xùm từ các bức tranh được bán đấu giá khiến công chúng một lần nữa hoang mang.


Không phải đến bây giờ, khi vụ giả mạo chữ ký của họa sĩ Vũ Giáng Hương trong bức tranh vẽ chân dung con gái một nữ nhà văn bị phát hiện trên sàn đấu giá Chọn, mà trước đó đã có nhiều sự việc xảy ra, khiến công chúng mất niềm tin vào các sàn đấu giá. Bao giờ chúng ta mới có những sàn đấu giá thực sự chuyên nghiệp để góp phần tạo nên một thị trường mỹ thuật minh bạch ở Việt Nam?

Sự việc xảy ra cách đây gần một tháng trong phiên đấu giá  của Chọn, bức tranh lụa được chép lại từ bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Đông được đấu giá tại Chọn với tên "Con gái nhà văn Dương Thu Hương", giá khởi điểm là 3.000 USD thuộc bộ sưu tập của ông Phạm Việt Phương. 

Nguyễn Văn Đông khẳng định, đây là bức tranh sơn dầu vẽ bé Bảo Khánh do một gia đình ở Hà Nội thuê anh vẽ, bức lụa do bạn Hằng chuyển thể lại khi anh cho phép. Hiện tại, Hằng đã bán bức tranh lụa cho một người khác. Còn chuyện ai đó ký tên và mang đấu giá như là bức tranh của họa sĩ Vũ Giáng Hương thì anh không thể biết. 

Nguyễn Văn Đông cũng khẳng định anh có đầy đủ chứng cứ về việc được thuê vẽ cũng như cho phép bạn Hằng chuyển thể sang lụa. Anh Đông đã phản ảnh sự việc này với sàn đấu giá Chọn, nhưng ý kiến của anh đã bị xóa. Và phải chờ gần 1 tháng, khi anh Đông chính thức phát ngôn trên trang cá nhân của anh và giới truyền thông vào cuộc, Chọn mới lên tiếng. 

Chị Phương Nga, con gái của họa sĩ Giáng Hương chia sẻ bức xúc khi biết tên tuổi của mẹ bị giả mạo để đưa lên sàn đấu giá. Nhìn cách vẽ và chữ ký trên tranh, con gái họa sĩ khẳng định đây là tranh giả.

Bức lụa của bạn Hằng trong quá trình vẽ.

Chiều ngày 5-9-2018, Nhà đấu giá Chọn tổ chức cuộc gặp ba bên giữa họa sĩ Đông, nhà sưu tập Phạm Việt Phương và ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc sàn đấu giá Chọn. Gia đình họa sĩ Vũ Giáng Hương và em bé - nguyên mẫu trong bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Đông vắng mặt. 

Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã không tìm ra được câu trả lời về bức tranh được cho là của họa sĩ Vũ Giáng Hương. Họa sĩ Đặng Tiến bức xúc: "Qua vụ việc này chúng ta có thể rút ra mấy kết luận rằng, khâu thẩm định của Chọn rất kém (nếu trong việc này Chọn bị nhà sưu tập lừa). 

Khi có người phát hiện tranh giả, để giữ uy tín và chứng minh mình vô can, Chọn phải nhanh chóng thẩm định sự việc (việc này rất đơn giản vì gia đình nhân vật sống ngay tại Hà Nội) rồi cảm ơn họa sĩ Nguyễn Văn Đông và vạch mặt nhà sưu tập. 

Việc điều trần nếu có chất vấn thì chất vấn nhà sưu tập chứ không phải họa sĩ Nguyễn Văn Đông. Việc Chọn "cả vú lấp miệng em" khi chất vấn họa sĩ Nguyễn Văn Đông cho thấy nhà đấu giá này thiếu cầu thị hoặc kém về cách xử lý sự vụ. 

Việc có thêm nhà đấu giá trên thị trường làm tăng thêm sự hứng khởi, tích cực với thị trường tranh ở Việt Nam. Nhưng tiếc là mới hoạt đông, nhà đấu giá này đã gây thất vọng qua mấy vụ lùm xùm, từ vụ tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa".

Bức sơn dầu của Nguyễn Văn Đông vẽ bé Bảo Khánh, tháng 1-2018.

Ứng xử của Chọn trong cuộc họp báo chiều 5-9 đã gây thất vọng cho giới truyền thông, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp từ khâu thẩm định tranh cho đến xử lý sự cố. Nhưng hơn hết là thái độ thiếu cầu thị, sự non kém của nhà đấu giá. 

Thị trường Mỹ thuật Việt Nam vốn đang rất lôm côm, nạn tranh giả tràn lan. Cách đây một thời gian, giới họa sĩ đã tập hợp và lên tiếng đấu tranh vì nạn chép tranh công khai trên mạng. Nhưng những tiếng nói mạnh mẽ của giới họa sĩ vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. 

Nhiều người hy vọng rằng, sàn đấu giá sẽ là một cầu nối quan trọng góp phần làm minh bạch thị trường Mỹ thuật ở Việt Nam. Hai năm gần đây, sự xuất hiện của các nhà đấu giá như Lý Thị ở thành phố Hồ Chí Minh, Chọn, PI Auction House ở Hà Nội với hàng trăm phiên đấu giá đã góp phần hình thành thị trường mỹ thuật ở Việt Nam. 

Nhưng những vụ lùm xùm từ các bức tranh được bán đấu giá khiến công chúng một lần nữa hoang mang tự hỏi, niềm tin sẽ đặt vào đâu. Niềm tin sẽ đặt vào đâu khi ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc của Chọn khẳng định: "Quá trình thẩm định sai sót là chuyện bình thường, con người chứ không phải cái máy. Việc thẩm định hiện nay đều bằng mắt. Các chuyên gia thẩm định nghệ thuật trên thế giới cũng đều bằng mắt cả". 

Và vì bằng mắt nên bức tranh "Con gái nhà văn Dương Thu Hương", ông Hùng không dám khẳng định 100% là của họa sĩ Vũ Giáng Hương nhưng vẫn được đấu giá công khai. Trước đó, tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng được đưa lên sàn đấu giá Chọn trong khi bức tranh gốc vẫn đang treo tại nhà họa sĩ.

Bức tranh lụa được cho là giả mạo chữ ký của họa sĩ Giáng Hương.
 Đành rằng, các sàn đấu giá tại Việt Nam còn non trẻ so với thế giới. Và chúng ta cần thời gian hoàn thiện để hướng tới sự bài bản, chuyên nghiệp. Sự cố đôi khi không tránh khỏi, nhưng quan trọng hơn là thái độ và trách nhiệm của nhà đấu giá. Họ có thực sự là một trung gian vô tư, công tâm hay họ cũng chỉ là những nhà đầu cơ, dùng sàn đấu giá để trục lợi. 

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: Trách nhiệm của nhà đấu giá ở đâu?

Trong trường hợp này, không khó để truy ra người làm tranh giả. Chỉ cần cơ quan chức năng vào cuộc và bắt đầu từ nhà đấu giá Chọn, rồi tiếp đến là nhà sưu tập Phạm Việt Phương sẽ tìm ngay ra chân tướng sự việc. 

Ở đây thể hiện khâu thẩm định của nhà đấu giá vẫn còn non kém, vì bức tranh vẽ từ năm 1995 sẽ khác với bức tranh mới được vẽ, tay nghề, bút pháp của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông cũng không thể so sánh với họa sĩ Vũ Giáng Hương. Chúng ta đã có rất nhiều vụ tranh giả bị phát giác nhưng chưa có vụ nào được xử lý. 

Tôi rất mong muốn Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào cuộc để làm rõ vụ này. Cần một hình thức ứng xử phù hợp trước nạn tranh giả, tranh thật. Điều đó thể hiện bằng sự vào cuộc khẩn trương của cơ quan có thẩm quyền để sớm tìm ra người dám lấy danh của một họa sĩ tên tuổi nhằm trục lợi. 

Trách nhiệm, vai trò của nhà đấu giá cũng cần được làm rõ và nâng cao, vì họ là người trung gian đưa tác phẩm ra thị trường. Nếu có những mục đích khác ngoài để trục lợi thì họ không thể tồn tại lâu dài và sớm muộn sẽ bị các họa sĩ, nhà sưu tập tẩy chay.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật, Tiến sĩ Phạm Long: Các nhà đấu giá Việt Nam thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên gia

- Qua vụ việc xảy ra ở sàn đấu giá Chọn, theo anh, nhà đấu giá có vai trò như thế nào?

+ Nhà đấu giá cần có những quy định chặt chẽ, phù hợp với luật pháp trong nước và thông lệ quốc tế. Trong những vụ trung gian, cần thẩm định hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt là với hoàn cảnh tranh giả trong nước đang nhức nhối thì càng phải thận trọng hơn nữa. 

Nhà đấu giá cũng cần đưa công khai danh mục đấu giá và ảnh chụp các tác phẩm lên mạng trước phiên đấu giá càng sớm càng tốt để mời cộng đồng nghệ sĩ xem và cho ý kiến phản biện nếu có vấn đề về nguồn gốc xuất xứ. Khi gặp các vấn đề tranh chép hay nghi ngờ về nguồn gốc, cần khẩn trương xác minh, mời các cơ quan báo chí và chuyên gia pháp lý cùng vào cuộc để xử lý.

- Theo anh, chất lượng của các nhà đấu giá ở Việt Nam như thế nào, vì đây không phải là vụ tranh giả đầu tiên được đưa lên sàn?

+ Thực tế, các nhà đấu giá ở Việt Nam vì mới ra đời, phải khẳng định tất cả các sàn đấu giá ở Việt Nam đều thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên gia, thiếu các thiết chế luật pháp để hỗ trợ hoạt động, nếu quyết tâm làm một cách chuyên nghiệp, hy vọng các sàn đấu giá nghệ thuật ở Việt Nam sẽ sớm khẳng định vai trò và uy tín trên thị trường nghệ thuật Việt Nam và khu vực.

- Có hay không chuyện nhà đấu giá biết là tranh giả nhưng cố tình lờ đi vì mục tiêu của họ là lợi nhuận?

+ Chưa đủ bằng chứng để khẳng định điều đó. Nhưng nếu đặt lợi nhuận cao hơn uy tín, rất có khả năng sàn đấu giá vẫn bán được tác phẩm trong diện nghi vấn và vẫn đẩy trách nhiệm cho người bán và người mua thông qua các hợp đồng giao kèo. Mới đây có vụ bán tranh Lê Phổ vẽ người đàn bà hai tay trái là tranh rởm. "Chú bé ăn mày" ký Tô Ngọc Vân cũng được nghi là giả, cho thấy họ vẫn coi lợi nhuận cao hơn uy tín.

- Như vậy, các sàn đấu giá tại Việt Nam cũng không giúp ích gì nhiều trong việc làm minh bạch thị trường mỹ thuật vốn rất nhốn nháo ở Việt Nam hiện nay?

+ Nếu nhìn tích cực, các sàn đấu giá ở Việt Nam bước đầu góp phần làm minh bạch hơn thị trường. Bởi vì dù sao mua bán công khai vẫn tốt hơn mua bán chui và đã lên sàn thì bọn làm tranh giả cũng không dám trắng trợn như khi mua bán chui, do vậy các sàn đấu giá tại Việt Nam cần đẩy mạnh công tác thẩm định, đặt chữ tín cao hơn chữ tiền thì sớm muộn cũng có tác động tích cực đến thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Còn trong trường hợp có những cá nhân tiêu cực liên quan tới sàn đấu giá (như tay Hubert và vụ biến tranh Thành Chương thành tranh Tạ Tỵ mới đây) thì việc đưa ra ánh sáng tranh  rởm, tác giả rởm rất khó khăn, nhưng không phải không làm được.

Chúng ta hy vọng các sàn đấu giá Việt Nam hướng tới tương lai bền lâu và vì sự phát triển của thị trường sẽ tìm được chiến lược và chiến thuật hợp lý nhất, tích cực nhất. 

Lan Tường
.
.
.