Quê nghèo náo loạn vì vỡ hụi
- Nhiều tiểu thương miền Trung khốn đốn vì vỡ hụi
- Hơn 50 người tố bị vỡ hụi 4 tỷ đồng
- Quê nghèo xứ Nghệ lại điêu đứng vì vỡ hụi
Liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Oanh (37 tuổi), trú tại xóm 5, xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương (Nghệ An) bị tố vỡ hụi với số tiền lên đến khoảng 10 tỉ đồng, ngày 10-9-2017, Đại tá Lương Thế Lộc, Trưởng Công an huyện Thanh Chương cho biết, cơ quan CSĐT Công an huyện này đang hoàn tất hồ sơ để chuyển Công an tỉnh Nghệ An xử lý theo thẩm quyền.
Theo Đại tá Lộc, bước đầu Công an huyện Thanh Chương xác nhận vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, song do số tiền quá lớn nên thẩm quyền điều tra, xử lý thuộc Công an tỉnh.
Trong thời gian qua, từ khi có tố giác của người dân trên địa bàn, Công an huyện Thanh Chương đã triệu tập bà Trần Thị Oanh lên để làm việc. Bước đầu, người đàn bà này thừa nhận gom tiền của người dân trong xã và các địa bàn lân cận, tuy nhiên đến nay số tiền khoảng 10 tỉ đồng đã được bà này dùng để chữa bệnh cho con trai và làm từ thiện tại các đền, chùa.
Trong một diễn biến mới nhất, liên quan đến vấn đề này, mới đây con trai của chủ hụi Trần Thị Oanh đã có đơn tố cáo gửi Công an huyện Thanh Chương. Theo đó, gia đình bà Oanh đã tố cáo ngược lại người dân khi cho rằng quá trình xiết nợ, trong số những chiếc két sắt bị chủ nợ mang đi khỏi nhà có một chiếc bên trong chứa 105 triệu đồng, nhưng khi cơ quan chức năng thu hồi thì số tiền này đã "không cánh mà bay".
Về vấn đề này, nguồn tin phóng viên có được, cơ quan chức năng đã bác bỏ khi xác định, trong số 4 chiếc két sắt bị chủ nợ mang đi khỏi nhà bà Oanh đều là những chiếc két sắt dùng để bày bán, chưa từng được sử dụng. Hiện những vật dụng này đã được thu hồi, đang bị niêm phong để tạm giữ phục vụ cho công tác điều tra nên tố cáo của gia đình bà Oanh là không có cơ sở.
Tài sản bị người dân xiết nợ được thu hồi, niêm phong để phục vụ điều tra. |
Trước đó, từ ngày 10-8-2017, người dân xã Thanh Mỹ đã đồng loạt gửi đơn đến chính quyền địa phương và Công an huyện Thanh Chương tố cáo bà Oanh có hành vi gom tiền theo dạng phường, hụi rồi chiếm đoạt của người dân.
Ông Võ Văn Tịnh, Trưởng Công an xã Thanh Mỹ cho biết: Tính đến thời điểm này, cơ quan chức năng đã nhận được 180 đơn tố cáo bà Oanh chiếm đoạt với số tiền gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Tịnh, số tiền và số người bị lừa đảo trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều, khoảng trên 200 nạn nhân với số tiền khoảng 12 tỉ đồng, một số nạn nhân là người thân, hoặc cán bộ, giáo viên nên không làm đơn tố cáo vụ việc. Trong số này, có trường hợp trình báo mất gần 400 triệu, có trường hợp vài chục triệu đồng, trường hợp ít nhất là 5 triệu đồng.
Ông Phạm Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết thêm, hơn 10 ngày nay trụ sở UBND xã này được trưng dụng để xét hỏi và cất giữ số tài sản của gia đình chủ hụi bị người dân xiết nợ.
Theo đó, từ khoảng 1 tháng nay, khi thông tin bà Oanh vỡ hụi lan ra, mỗi ngày có hàng chục người đến nhà riêng, cũng là Trung tâm điện máy Thơm Mạnh Xuân ở xóm 5, xã Thanh Mỹ để xiết nợ khiến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn hết sức phức tạp.
Có những thời điểm, Công an xã phải phối hợp với Công an huyện Thanh Chương cắt cử lực lượng để đảm bảo an toàn cho gia đình này. Theo ông Lực, sự việc bắt đầu phức tạp kể từ ngày 10-8, khi có khoảng 20 người tụ tập trước nhà bà Oanh để đề nghị trả lại tiền nhưng bà này không những không trả mà còn có lời lẽ thách thức, tuyên bố không còn tiền để trả.
Quá bức xúc, những người này đã ném gạch đá vào nhà khiến chính quyền địa phương phải cử cán bộ an ninh đến túc trực. Những ngày sau đó, có rất nhiều chủ nợ đến gây áp lực, có ý định đánh đập và siết nợ nhưng lực lượng Công an đã kịp thời can ngăn.
Ông Ất, thương binh bị mù mắt, cụt hai tay cũng trở thành nạn nhân. |
"Đến tối 13-8, trên địa bàn xã Thanh Mỹ bất ngờ xảy ra vụ cháy rừng, chúng tôi đã huy động toàn bộ nhân lực lên rừng dập lửa. Nắm bắt được thông tin này, biết lực lượng chức năng không còn túc trực tại nhà bà Oanh nữa, nhiều người đã đến nhà bà này để xiết nợ.
Khi ban Công an xã có mặt tại nhà bà Oanh thì nhiều tài sản trong gia đình như xe máy, máy giặt, tivi, két sắt, bàn ghế… đã bị người dân mang về nhà. Những ngày sau đó, chúng tôi đã vận động người dân mang trả lại những tài sản này và hiện nay đã thu hồi được toàn bộ, hiện đang niêm phong, tạm giữ tại trụ sở UBND xã để cơ quan Công an điều tra, xem xét liệu đây có phải là tài sản có được từ số tiền chiếm đoạt hay không", Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Phạm Xuân Lực thông tin thêm.
Được biết, sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, cơ quan Công an đã cấm bà Oanh rời khỏi địa phương nhưng sau đó, bà này có đơn xin phép đi chữa bệnh nên được chấp thuận. Lo ngại vấn đề an ninh, các thành viên trong gia đình bà Oanh hiện cũng đã đi "lánh nạn".
Bà Trần Thị Oanh được biết đến là một trong những hộ gia đình khá giả từ nhiều năm nay ở xã Thanh Mỹ. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, bà này đã đứng ra gom tiền, vàng của người dân xã Thanh Mỹ và các xã lân cận dưới hình thức phường hụi.
Theo đánh giá, trước thời điểm xảy ra "vỡ hụi", bà Oanh được ghi nhận là chủ hụi rất sòng phẳng, chưa từng gây mất lòng tin với bất cứ ai, các thành viên trong phường đều đóng tiền đầy đủ, đến kỳ được thanh toán cả vốn lẫn lãi không thiếu một xu. Do vậy, đến khi bà này tuyên bố vỡ nợ, bể hụi, nhiều người đã không tin, cho rằng gia đình bà Oanh đã tẩu tán để chiếm đoạt tài sản.
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi có mặt tại xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương. Làng quê mới ngày nào bình yên, nay bỗng bấn loạn vì phường, hụi. Từ ngõ trên đến xóm dưới, không khó để bắt gặp những gương mặt hốc hác, thất thần vì mất của; những người khác mạnh mẽ hơn thì cố gắng làm đơn trình bày, tố cáo gửi cơ quan chức năng để mong vớt vát lại một ít vốn liếng.
Gần một tháng nay, hầu như phòng, ban nào của trụ sở ủy ban xã cũng đều được trưng dụng để làm nơi tiếp công dân, lấy lời khai nhưng mỗi ngày cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 5-7 người. Trong số 180 người có đơn tố cáo, đến nay mới chỉ tiếp nhận lời khai chưa đến 100 trường hợp.
Ông Võ Văn Ất (57 tuổi), là thương binh hạng 1/4, đôi mắt bị mù, đôi tay bị cụt, từ nhiều năm nay sinh hoạt hằng ngày chỉ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp, cũng là một trong những nạn nhân của bà Oanh, xót xa kể: Bản thân già yếu không có công ăn việc làm, mấy năm về trước vợ chẳng may qua đời, được bảo hiểm xã hội chi trả hơn 100 triệu đồng.
Nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của Oanh, mỗi tháng tôi nhịn ăn, nhịn mặc bỏ ra số tiền 5 triệu đồng để đi phường. Giờ sự việc đổ bể, toàn bộ số tiền trên đã tan tành theo phường hụi, bản thân còn mẹ già hơn 80 tuổi, chẳng biết phải xoay xở ra sao trong những ngày sắp tới.
Những người đồng cảnh ngộ đến an ủi chị Tuyết và đứa con trai tật nguyền. |
Một nạn nhân khác là bà Trần Thị Tuyết (55 tuổi), hàng xóm của chủ hụi Trần Thị Oanh, ngậm ngùi cho biết, bản thân bà làm nông, những khi mùa màng rảnh rỗi bà thường phải đi rửa bát thuê kiếm tiền nuôi đứa con trai 36 tuổi bị bệnh down. Gần đây, ngôi nhà cấp 4 mẹ con bà tá túc xuống cấp nghiêm trọng, anh em bà con gom góp, cộng với số tiền tích cóp được là 34 triệu đồng để chuẩn bị sửa nhà.
Biết được điều này, bà Oanh đã đến rủ rê chị tham gia phường hụi lấy thêm tiền lãi. Với 34 triệu góp vốn, mỗi tháng bà Oanh trả cho chị 4 triệu tiền lãi. Tuy nhiên, khi tham gia được 3 tháng thì xảy ra vỡ hụi, tiền lãi cũng không có mà tiền gốc cũng mất nốt. Nhiều đêm nhìn con trai ngây ngô ngủ say dưới mái nhà thủng lỗ chỗ, chị Tuyết chỉ biết tự trách mình, ôm mặt khóc rưng rức.
Qua tìm hiểu được biết, đa phần nạn nhân của bà trùm phường hụi Trần Thị Oanh đều là những người lao động nghèo, với chiêu bài lãi suất cao, cứ 1 triệu gửi vào hằng tháng bà Oanh sẽ trả 120.000 đồng tiền lãi nên nhiều người đã gom tiền đưa cho bà Oanh để hưởng lãi suất. Thậm chí, có trường hợp còn mang sổ đỏ đi vay ngân hàng để mang tiền về gửi hưởng lãi suất chênh lệch.Cũng vì tin tưởng nên mặc dù đến kỳ nhưng nhiều người chỉ lấy lãi, còn tiền gốc vẫn gửi lại cho vay tiếp mà không biết rằng số tiền gốc này đã được dùng để trả lãi cho chính người gửi.