Nóng chuyện "vàng tặc" và ô nhiễm môi trường
- Vàng tặc vẫn lộng hành tại các huyện miền núi Quảng Nam
- Có hay không việc “bảo kê” cho “vàng tặc” ở Quảng Nam?
- Quảng Nam: Tái diễn nạn “vàng tặc” băm nát núi rừng, sông suối
Sau một thời gian tạm yên ắng thì những ngày qua, vùng rừng núi xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) lại trở nên náo loạn bởi lượng người đổ xô vào khu vực mỏ vàng Bồng Miêu.
Từ giữa tháng 4-2017 đến nay, qua truy quét, Công an huyện Phú Ninh và lực lượng liên ngành đã đẩy đuổi hàng trăm phu vàng ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép.
Do hoạt động của vàng tặc, với mỗi ngày khai thác trộm hàng tấn đá quặng, nên một lượng lớn cyanua để lắng lọc vàng đã bị xả thẳng ra môi trường.
Không chỉ gây mất an ninh trật tự (ANTT), hiện ô nhiễm nguồn nước, môi trường đất đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân địa phương.
Mỏ vàng "đóng cửa", công nhân cũ thành "vàng tặc"
"Vàng tặc" hiện trở nên "nóng" hơn bao giờ hết tại thủ phủ vàng Bồng Miêu những ngày vừa qua. Theo Công an huyện Phú Ninh, mới nhất, vào ngày 18/4, Công an huyện đã phối hợp với lực lượng liên ngành tỉnh Quảng Nam tiến hành truy quét và đẩy đuổi hơn 150 phu vàng tại các khu vực khai thác trái phép núi Kẽm, Thác Trắng, Đồi Sim, Suối Tre, Lò 10 (xã Tam Lãnh).
Đoàn kiểm tra cũng đã làm mất tác dụng nhiều máy nổ, tiêu hủy 5 thùng hóa chất… thu giữ gần 3 tấn đá quặng, lập biên bản và thu giữ 4 xe máy.
Máy xay đá của vàng tặc chôn dưới đất để qua mặt cơ quan chức năng. |
Trước đó ngày 27-2, hơn 100 phu vàng cũng đã bị đẩy đuổi khỏi mỏ vàng Bồng Miêu. Công an huyện Phú Ninh cũng xác định, trong quá trình khai thác vàng trái phép, đã có phu vàng bị thương, bị đất đá vùi lấp dẫn đến tử vong.
Còn Trung tá Hồ Song Ân, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Quảng Nam) cung cấp: Thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) là nơi có mỏ vàng Bồng Miêu, đa phần người dân chủ yếu sống bằng nghề khai thác vàng.
Sau khi UBND tỉnh Quảng Nam thu hồi giấy phép khai thác vàng đối với Công ty vàng Bồng Miêu vào tháng 6-2016, không còn sự kiểm soát, quản lý của chủ đầu tư, khiến tình hình khai thác vàng trái phép ở đây vốn đã diễn ra phức tạp nay càng mất ANTT hơn.
Đáng nói, không ít "vàng tặc" tại mỏ vàng Bồng Miêu là "cựu" công nhân của mỏ, họ là những phu vàng bất đắc dĩ. Đang thất nghiệp, ngoài nghề vàng không biết làm nghề gì, và hối thúc cơm áo gạo tiền, hàng trăm công nhân khai thác vàng cũ của mỏ đã đâm liều mà gia nhập đội quân phu vàng làm "vàng tặc".
Nguy hiểm hơn, "phu vàng bất đắc dĩ" này đã từng có kinh nghiệm, thông thuộc địa hình, những đường ngang ngõ tắt của các hầm vàng cũ… Nên họ cũng chính là những đối tượng dẫn đầu của nhiều tốp, nhóm lên đến hàng chục, hàng trăm người khoét núi, tìm đường vào những hầm vàng đã đóng cửa của mỏ vàng Bồng Miêu. Mặc sức khai thác quặng, bất chấp lệnh cấm và truy đuổi cũng như hiểm nguy rình rập.
Chia sẻ lo ngại, ông Nguyễn Thành Vinh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết: Nhiều nhóm phu vàng còn trang bị cả máy xay đá, đưa vào hầm sâu hàng chục kilomet trong lòng núi, đào quặng xay ra đãi vàng.
Tình hình ANTT tại địa phương càng trở nên phức tạp hơn khi, hiện không chỉ dân địa phương mà cả người từ miền Bắc và các địa phương khác tự truyền tai nhau tin đồn "mỏ vàng đóng cửa", quản lý được "thả lỏng", lập tức đổ về đây khai thác vàng.
Và do hệ thống hầm lò mỏ vàng Bồng Miêu chằng chịt như ma trận giữa lòng núi, nên lực lượng chức năng và chính quyền địa phương gặp khó, không thể ngăn chặn nổi.
Những lán trại ở vùng núi rừng Bồng Miêu phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. |
Những hệ lụy cần ngăn chặn
Hàng trăm nhóm "vàng tặc" hình thành tự phát từ khi mỏ vàng đóng cửa. Nhiều chủ đầu nậu vàng còn bỏ cả trăm triệu đồng mua máy xay, chuẩn bị hàng tấn lương thực, thực phẩm, thuê phu vàng gùi tận vào hầm sâu hàng chục kilomet để "làm việc trực tiếp", đào đá xay vàng và đãi lấy quặng ngay trong hầm lò...
Trong lúc truy quét, lực lượng chức năng còn phát hiện trong hầm sâu hơn 2 tiếng đi bộ là hàng chục máy xay đá nổ ầm ào suốt ngày đêm, điện máy phát sáng rực như thành phố giữa lòng núi.
Thậm chí, khi bị bắt, các phu vàng còn thừa nhận: Mỗi chuyến "vào núi", phu vàng có thể cố thủ, ẩn nấp trong hầm lò cả tuần. Cho đến khi lực lượng truy quét rút là cõng quặng vàng đưa lên mặt đất, tiếp tục công đoạn dùng hóa chất tách vàng"... Đó là thực trạng, được chính quyền địa phương phản ánh, về tình trạng vàng tặc lộng hành tại Bồng Miêu hiện nay.
Được biết, sau hơn 25 năm khai thác, dù giấy phép đã hết hạn từ tháng 3/2016, nhưng Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu vẫn chưa đóng cửa mỏ, bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý. Theo chính quyền xã Tam Lãnh, trung bình mỗi ngày hơn 60 người ở các tỉnh phía Bắc, người dân các địa phương ở huyện Phú Ninh, Quảng Nam đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh khai thác vàng trái phép; tuy nhiên con số thực tế có thể lên đến hàng trăm người vì không thể nào đếm được.
Con suối dưới chân núi đỏ quạch do nước từ việc khai thác vàng đổ xuống. |
Mỏ vàng Bồng Miêu hiện còn 40 cửa hầm, nhiều đường hầm lâu ngày không có người vào, không được gia cố nên rất dễ xảy ra sự cố sập hầm. Mặc dù lực lượng chức năng địa phương tập trung kiểm soát, chốt chặn nhưng vẫn không ngăn được lượng người đổ xô vào khu vực này ngày càng đông.
Những người ở xa đến đây tự ý lập lán trại, ăn ở tại chỗ, khi lực lượng chức năng vào truy quét thì bỏ lán trại chạy vào rừng, sau khi lực lượng chức năng về thì "chui" ra và tiếp tục làm vàng, khiến tình trạng khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng Bồng Miêu gây hệ lụy về môi trường, an ninh trật tự, làm thất thoát tài nguyên... Mới đây, đầu tháng 4 đã có một người chết, một người bị thương do sập hầm vàng tại khu vực này…
Cụ thể, sáng 4-4, ông Nguyễn Đức Trọng (58 tuổi) cùng vợ là Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi, trú huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào khu vực đồi Sim (xã Tam Lãnh) để khai thác vàng trái phép thì không may hầm bị sập. Khi vụ tai nạn xảy ra, ông Trọng tử vong do bị đất đá vùi lấp, riêng người vợ đứng phía ngoài nên may mắn thoát nạn.
Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng chức năng đã đến hiện trường để tìm cách đưa nạn nhân ra ngoài. Nhờ sự giúp đỡ của người dân và chính quyền địa phương, nạn nhân sau đó đã được đưa về quê mai táng.
Bên cạnh tai nạn chết người luôn rình rập, việc khai thác vàng trái phép tại đây cũng để lại những hệ lụy khôn lường về môi trường.
Ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu này, để phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép, các đối tượng tàng trữ hàng tấn hóa chất độc hại, trong đó có chất độc cyanua, thủy ngân ngay tại bãi vàng. Hàng vạn tấn quặng trộn với hóa chất cyanua ủ kín sau đó được đưa vào bể lắng để tuyển vàng.
Mới đây nhất, khoảng 15h ngày 5/3/2017, Công an xã Tam Lãnh đã truy bắt một đối tượng chở 2 bao nghi cyanua. Khi bị truy đuổi, đối tượng bỏ xe máy và 2 bao lại rồi trốn thoát vào rừng. Tiến hành kiểm tra, 2 bao này được xác định là cyanua với trọng lượng 50kg.
Tình hình hiện nay ở xã Tam Lãnh rất phức tạp. Phu vàng vào hầm lò khai thác vàng trái phép, rồi sử dụng hóa chất trong hầm lò, ăn ở trong hầm lò luôn nên rất khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý.
Những khu vực vùng giáp ranh, một số đối tượng dùng xe múc đưa vào cạy đường, san ủi làm mặt bằng, rồi tận dụng khai thác vàng trái phép rất nhiều. Lực lượng địa phương lại rất mỏng nên việc quản lý không được chặt chẽ", Chủ tịch xã Tam Lãnh - ông Nguyễn Thế Vinh chia sẻ.
Cũng theo Chủ tịch xã Tam Lãnh, xã đã phối hợp với Đồn Công an địa phương kiểm tra, truy quét 3 đợt. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện phá hủy 4 máy nổ, hai máy xay, 3 máy bơm nước, 750m dây điện, 800m dây dẫn nước, 10.000m bạt… tất cả là để phục vụ cho khai thác vàng trái phép.
Đáng lo ngại, lực lượng chức năng phát hiện có đến 22 hồ chứa hóa chất với khoảng 270 m³, 3 tấn vôi cùng nhiều xe múc… Ngoài ra, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi gần 200 người ra khỏi khu vực.
Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quân truy quét nhiều nhóm khai thác vàng trái phép ở mỏ vàng Bồng Miêu. Qua đó đẩy đuổi hơn 100 đối tượng, phá hủy hàng chục lều trại, nhiều công cụ hỗ trợ việc khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút lui thì các đối tượng quay lại hoạt động.
Đặc biệt, theo lãnh đạo chính quyền huyện Phú Ninh, địa phương đã nhiều lần làm việc với Bộ TN-MT sớm thu hồi mỏ vàng Bồng Miêu để giao cho đơn vị khác có tiềm lực khai thác, quản lý để tránh gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu còn nợ gần 100 tỷ đồng tiền thuế và không đưa ra phương án trả nợ theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Mặc dù hết hạn giấy phép và nợ thuế kéo dài nhưng Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu vẫn xin gia hạn giấy phép, nhưng tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường bác bỏ đề xuất trên.
UBND tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều văn bản yêu cầu Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa mỏ, tái tạo, phục hồi môi trường, bàn giao 230ha khu mỏ lộ thiên được cấp phép cho chính quyền địa phương quản lý.n