Phút ân hận của người cha nhận tội thay con

Thứ Hai, 05/09/2016, 15:08
Nguyên nhân dẫn đến án mạng cực kì đơn giản, đơn giản đến nỗi, nghe xong, người ta buộc phải buông tiếng thở dài. Đâu đó, trên đường phố, trong góc làng, nơi phố huyện vẫn có những người đàn ông mà đa số người dân sống xung quanh chọn cách "tránh cho lành".

Và, bố con thủ phạm lẽ ra đã không vướng vòng lao lý, nếu như họ không dây dưa, dấp dính gì đến những người như thế. Nạn nhân cũng sẽ không thiệt mạng, gia đình, vợ con không đau khổ nếu anh ta không hành xử một cách côn đồ.

Vì 30 nghìn đồng

Tôi còn nhớ, cách đây khá lâu rồi, một vụ án xảy ra ở Hà Nội, nạn nhân là một gã nghiện lang thang vật vờ trên phố, rình người ta hở ra cái gì là thó cái ấy. Bữa đó, gã lang thang đi bộ đến đường Giải Phóng thì gặp anh bán hoa quả.

Gã ghé vào xin đểu, anh bán hoa quả nhất định không cho. Gã bực, nhìn anh một hồi rồi tiện tay nhón một quả trên sọt của anh. Hai bên cự cãi.

Phạm Duy Việt.

Anh bán rong phơi nắng chang chang cả ngày, hoa quả đã ế lại gặp gã nghiện giở thói bắt nạt "anh nhà quê", tức mình, anh rút ngay con dao nhọn, vốn dùng để "thăm" hoa quả, đâm cho chú nghiện một nhát. Thế là không kịp trăng trối một câu nào với người thân, vì một quả khế chua hết sức nhạt toẹt.

Không hiểu sao, khi tiếp xúc hồ sơ vụ án mới xảy ra ở Hải Dương mà tôi sẽ kể sau đây, tôi lại mường tượng ra câu chuyện đáng buồn của một anh nghiện nhiều năm về trước, mất mạng giữa đường phố Hà Nội.

Chuyện rất đơn giản: Buổi trưa 26-8, anh Hoàng Đình Chuyền, SN 1980, trú tại khu 3, thị trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương đến quán bia hơi của gia đình ông Phạm Duy Đại, SN 1964, ở thôn Ngà, xã Phương Hưng, huyện Gia Lộc ngồi uống bia cùng một người bạn. Tại đây, anh Chuyền và bạn uống mỗi người một cốc bia, hết 10 nghìn đồng.

Anh Chuyền đưa cho ông Đại 50 nghìn đồng để thanh toán thì ông Đại nói: "Cho chú xin số tiền 30 nghìn trước đây cháu nợ chú", rồi ông Đại lấy 10 nghìn trả lại anh Chuyền thì anh Chuyền nói: "Tao bố thí cho mày".

Đến sáng hôm sau, tức 27-8, ông Đại đi lấy bia ở TP Hải Dương, đi theo đường 39B đến khu vực cầu Gỗ, thuộc thôn Ngà, xã Phương Hưng thì bị anh Chuyền chặn đánh khiến ông Đại bị sưng môi, tím mặt.

Không những thế, Chuyền chỉ thẳng tay vào mặt người đáng tuổi chú mình nói hỗn: "Tao cho mày vay 30 nghìn đồng đấy, 6 tháng sau tao đến thu tiền lãi".

Vừa bị đánh đau, vừa bị xúc phạm bởi một người đáng tuổi em ún, ông Đại về nhà kể câu chuyện bị Chuyền đánh với con trai là Phạm Duy Việt, SN 1993 vào buổi trưa cùng ngày.

Sáng hôm sau, tức 28-8, ông Đại sang nhà người em ăn sáng thì gặp Chuyền cũng đang ăn tại đó. Chuyền lại tỏ thái độ thách thức và doạ đánh ông Đại. Ông Đại bê bát ra chỗ xa nơi Chuyền ngồi, nhưng chỉ mới được hai miếng, ông Đại lại nghe tiếng Chuyền chửi và doạ đánh, khiến ông Đại phải buông bát bỏ về nhà.

Uất ức, ông Đại gọi con trai khi đó đang làm việc ở Công ty Honda Tiên Tiến 4, ở thị trấn Gia Lộc, kể lại chuyện. Việt vội vàng phóng xe về, không quên cầm theo một cờ lê, một thanh cào hộp xích trong hộp đồ sửa xe cá nhân ở công ty.

Về tới nhà, Việt thấy bố đang quét sân và được ông Đại thông báo, Chuyền đang ngồi ăn sáng bên nhà dì Dung (chị Dung là em vợ ông Đại), cách nhà ông Đại khoảng 20m. Việt xuống xe, đứng đợi khoảng 10 phút thì Chuyền ăn sáng xong và ngồi uống nước trong quán chị Dung.

Việt lấy cà lê, thanh cào hộp xích cầm sang nhà chị Xuyến (ở bên cạnh nhà chị Dung), để tạm trên tủ kính bán hàng nhà chị này, rồi đi bộ sang nhà chị Dung. Đến chỗ Chuyền ngồi, Việt hỏi: "Hôm qua anh đánh bố em hả?". Chuyền trả lời: "Ừ!".

Việt nói tiếp: "Có 30 nghìn đồng mà anh đấm bố em như thế". Vốn cũng được coi là có máu mặt, Chuyền cậy đàn anh, "ở cửa trên" nên lớn tiếng: "Mày thích nói giọng thái độ không?" rồi đứng phắt dậy, vung tay đấm trúng má trái Việt.

Hai bên xô xát, Chuyền cầm cốc thuỷ tinh ném trúng chân Việt. Không kìm được cơn giận, Việt chạy sang nhà chị Xuyến, lấy thanh cào hộp xích và cà lê làm phương tiện đánh lại Chuyền.

Ông Đại thấy thế vội vàng chạy sang can ngăn. Lúc này thì ông biết câu chuyện đã bị đẩy đi rất xa nên xông vào giữa can ngăn hai người. Bất ngờ, Chuyền bị trượt chân ngã về phía tủ kính bán hàng của chị Xuyến.

Việt liền chạy đến, dùng cà lê vụt trúng đầu Chuyền. Chuyền ôm chặt ngang người ông Đại, thấy vậy, Việt cầm thanh cào hộp xích đâm vào lưng anh này.

Nạn nhân buông ông Đại ra, vừa chạy  vừa quay lại chửi ông Đại, rồi đi ra phía cầu Gỗ ngồi ở đó và được mọi người đưa đi cấp cứu.

Sau khi "rửa hận" cho bố, Việt đi đến nhà một người anh họ và kể lại sự việc. Anh này đã khuyên nhủ, động viên và ngay buổi chiều hôm đó, anh này đã đưa Việt lên cơ quan Công an huyện Gia Lộc đầu thú.

Phút ân hận của người cha nhận tội thay con

Sau khi vụ án xảy ra, Công an huyện Gia Lộc và PC45 Công an tỉnh Hải Dương đã xuống hiện trường điều tra. Ngay khi tiếp xúc với các anh Công an, ông Phạm Duy Đại đã khai nhận, chính mình là hung thủ gây án, vì những bức xúc trước đó với anh Chuyền nên ông đã dùng tô vít gây án với nạn nhân.

Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường, các điều tra viên cũng có thể nhận định, vết thương được tạo bởi vật sắc nhọn chứ không phải do tô vít gây ra. Chỉ bằng vài câu hỏi, ông Đại đã phải thú nhận, thủ phạm chính thức gây ra cái chết cho anh Chuyền chính là Việt - con trai ông.

Ông Phạm Duy Đại chỉ vết thương ở môi do bị anh Chuyền đánh.

Sau một ngày xảy ra vụ án, ông Phạm Duy Đại nhìn hốc hác, già sọm. Người đàn ông ấy không kìm được những giọt nước mắt vì ân hận. Ông cứ ngửa mặt lên trời đấm ngực thùm thụp tự trách mình đã đẩy con trai vào cảnh tù tội.

Ông Đại mếu máo kể lại giây phút xô xát rồi dẫn tới kết cục mà chính ông không bao giờ ngờ tới. Ông kể, vợ chồng ông đều làm nông nghiệp, sinh được hai người con, một trai một gái. Việt là con út, vợ chồng anh ta vừa sinh được đứa con trong năm nay, còn đang bế ngửa.

Mấy năm nay, vợ chồng ông mở hàng bia hơi, bán cho người trong làng và anh Chuyền trước đây thỉnh thoảng có đến uống bia, và số tiền nợ mấy chục nghìn là từ năm 2011.

- Ông quan hệ như thế nào với nạn nhân?

- Anh Chuyền thì người sống quanh khu vực đều biết, nhà Chuyền ở cách nhà tôi khoảng 1km, nhà chị Xuyến, mợ của Chuyền là hàng xóm của tôi. Nói chung biết nhau hết.

- Việc anh Chuyền nợ tiền ông như thế nào?

- Từ năm 2011 cơ, Chuyền đến nhà tôi uống bia và mua bao thuốc lá Du lịch, hết tổng cộng 35 nghìn. Sau đó, anh ta đi tù hay đi cai nghiện thì tôi không biết, hôm 26-8, Chuyền đến nhà tôi uống bia cùng bạn hết 10 nghìn. Tôi bảo, chỉ tính nợ 30 nghìn thôi còn bao thuốc lá 5 nghìn thì thôi, nhưng anh Chuyền xúc phạm tôi.

- Sự việc anh Chuyền đánh ông hôm 27-8, ông có báo Công an không?

- Không. Tôi nghĩ như thế là xong. Dù rất đau và uất ức nhưng tôi tặc lưỡi bỏ qua. Hôm đó, anh ta không chỉ đấm vào mặt tôi, làm chảy máu môi, anh ta còn đá vào bọng đái khiến tôi mãi mới ngồi dậy được.

Có người đi đường dừng lại hỏi han, tôi nói dối là bị ngã xe. Chuyền đáng tuổi em tôi nhưng cứ gọi tôi là "thằng chó". Trưa hôm đó tôi có kể với cháu Việt.

- Đã nói bỏ qua, sao lại để xảy ra sự việc gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?

- Thì như tôi trình bày với các anh Công an, sáng hôm sau, tôi đi ăn sáng bên nhà dì Dung, bước vào quán nhìn thấy Chuyền, chả lẽ tôi lại quay ra, nên đành vào trong kiếm chỗ xa xa ngồi. Không ngờ, Chuyền lại kiếm cớ gây sự. Anh ta cứ lèm bèm: "Hôm nay tao sẽ đánh chết con chó này".

Tôi ăn được hai miếng mà thấy nghẹn lên cổ nên bỏ về rồi gọi điện cho con trai. Tôi chỉ nói với cháu là: "Thằng Chuyền nó đang le ve ở đây", lúc đó cháu nó đang làm ở công ty. Nó nghe thế thì bảo: "Vâng, để con về xem sao".

- Ông có nghĩ đã đẩy sự việc đi quá xa không?

- Tôi ân hận lắm. Thấy hai bên xông vào đánh nhau thì tôi đã cố can ra nhưng không được. Ai ngờ đâu lại nên nông nỗi này. Thâm tâm tôi chỉ muốn nói chuyện phải trái với anh Chuyền.

Buổi sáng tôi bị anh Chuyền đánh, thì buổi chiều vợ tôi có sang gặp bố mẹ anh ta nói chuyện, ý là nói để hai bác ấy giáo dục anh Chuyền, nhưng họ cũng bất lực với con trai của họ.

- Tại sao sau khi vụ án xảy ra, ông lại nhận tội thay cho con trai mình?

- Tôi nghĩ, vợ chồng nó vừa sinh con, nó còn trẻ, tương lai còn rộng mở phía trước, hơn nữa tôi là người đẩy cháu vào tình cảnh này nên tôi phải có trách nhiệm. Nhưng các anh Công an bảo, tội ai làm người nấy chịu.

- Bây giờ, anh mong muốn điều gì?

- Tôi chỉ mong gia đình anh Chuyền thông cảm và tha thứ.

Đinh Hiền - Xuân Mai
.
.
.