Philippines hợp pháp hóa tiền ảo

Thứ Ba, 15/05/2018, 13:24
Các công ty Blockchain và tiền mật mã sẽ được hoạt động hợp pháp tại Philippines sau khi Cơ quan Quản lý Ðặc khu kinh tế Cagayan (CEZA) thành lập một trung tâm công nghệ tài chính (fintech) với mục tiêu tạo ra một “Thung lũng Silicon” châu Á.


Trong một bài báo được đăng tải ngày 25-4 của Reuters, Philippines sẽ cho phép 10 công ty Blockchain và tiền mật mã hoạt động hợp pháp tại Đặc khu kinh tế Cagayan, một khu kinh tế do chính phủ kiểm soát, chỉ cách 1 giờ bay từ các nơi như Hồng Kông, Trung Quốc và Đài Loan.

Chính phủ nhắm tới mục tiêu lôi kéo các công ty tiền điện tử bằng lợi ích thuế để giúp tạo ra cơ hội việc làm tại địa phương, Giám đốc CEZA Raul Lambino nói với Reuters. Đáng chú ý, vị quan chức này chính thức xác nhận chính phủ cũng sẽ cấp giấy phép có hiệu lực hợp pháp hóa các công ty tiền điện tử trong khu vực kinh tế đặc biệt.

Các công ty sẽ được phép hoạt động trao đổi, cung cấp các dịch vụ chào bán tiền ảo ra công chúng (ICO) và tham gia khai thác tiền điện tử trong khu vực. 

Ông Raul Lambino nói: “Chúng tôi sắp cấp giấy phép cho 10 nền tảng giao dịch tiền điện tử. Họ là người Nhật, Hồng Kông, Malaysia, Hàn Quốc... Họ có thể lập sàn giao dịch tiền mật mã, khai thác tiền mật mã và huy động vốn thông qua hoạt động ICO tiền xu”. 

Tuy nhiên, ông Lambino nhấn mạnh rằng các giao dịch trao đổi tiền mật mã sang tiền pháp định và tiền pháp định sang tiền mật mã sẽ được tiến hành ở nước ngoài, để tránh việc vi phạm luật Philippines.

Các công ty hy vọng sẽ tạo việc làm để đổi lấy số tiền miễn thuế mà họ sẽ nhận được. CEZA cũng yêu cầu các công ty thiết lập văn phòng và cơ sở hợp pháp trong đặc khu kinh tế.

Để có được giấy phép, các công ty phải đầu tư ít nhất 1 triệu USD tại khu vực này trong 2 năm và trả 100.000 USD phí giấy phép.

Để hỗ trợ trong việc mang lại việc làm cho các công ty đó, ông Lambino cho biết CEZA dự tính xây dựng một trường đại học Blockchain và fintech để cung cấp nhân viên có kỹ năng cho các công ty mới.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Philippines đang xem xét 12 đơn xin đăng ký trao đổi bitcoin. Sau khi ban hành các hướng dẫn quy định về trao đổi bitcoin vào tháng 2 năm nay, Ngân hàng Trung ương Bangko Sentral ng Pilipinas (BSP) của Philippines hiện đang đánh giá 12 ứng viên riêng biệt đang cạnh tranh để đăng ký và vận hành hợp pháp các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước.

Là một trong những nước nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới, Philippines hiện đang xem bitcoin như một công cụ tài chính được sử dụng cho các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thay vì một loại tiền tệ. 

Phát biểu tại một cuộc họp báo tuần này, Phó Thống đốc phụ trách CNTT cốt lõi của BSP, ông Melchor Plabasan tuyên bố: “Chúng tôi không xác nhận tiền ảo là tiền tệ vì nó không phải là tiền tệ… Chúng tôi chỉ điều chỉnh bitcoin hoặc tiền ảo khi được sử dụng trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính như chuyển tiền và thanh toán”.

Đến nay, BSP đã chính thức cấp giấy phép cho 2 công ty bitcoin gồm Rebit Inc và Betur, cả hai đều cung cấp dịch vụ chuyển tiền. Cần phải chờ xem liệu các ứng viên khác có nhận được giấy phép tại thời điểm khi ngân hàng trung ương đang tìm cách để điều chỉnh ngành công nghiệp trao đổi bitcoin. 

Theo báo cáo của CCN vào tháng 10-2017, ông Plabasan đã tuyên bố rằng bitcoin hoạt động như một công cụ tiền tệ, mặc dù có một số rủi ro có thể được quản lý.

Giống như bất cứ nơi nào khác trên thế giới, các giao dịch bitcoin hàng tháng đã và đang phát triển theo cấp số nhân ở Philippines. Theo dữ liệu riêng của Ngân hàng Trung ương, giá trị giao dịch trung bình hàng tháng bằng bitcoin tăng từ 2 triệu USD năm 2015 lên 6 triệu USD năm 2017, và 8,8 triệu USD chỉ từ đầu năm 2018 đến nay. Năm 2017, Philippines đã trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố các quy định về trao đổi tiền điện tử.

Văn Nguyễn
.
.
.